Trong khuôn khổ chuyến công tác, ngoài các buổi họp đa phương tại Diễn đàn, Đoàn đã và sẽ có 9 cuộc làm việc song phương với Bộ Tư pháp, 5 cơ sở đào tạo luật của Liên bang Nga, gặp gỡ Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Áo và Tổng thư ký Hội nghi La hay về tư pháp quốc tế. Tại Matxcova, sáng ngày Chủ nhật 15/5, Đoàn đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Tiếp đó, trong ngày 16/5 Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đã có các buổi làm việc với các cơ sở đào tạo pháp luật của Nga nhằm triển khai các văn kiện hợp tác đã ký kết cũng như thiết lập mới quan hệ hợp tác về đào tạo. Tại Matxcova, Đoàn đã có các buổi làm việc với người đứng đầu của Học viện Pháp luật Nga trực thuộc Bộ Tư pháp CHLB Nga (RLA), Khoa Luật Trường Tổng hợp Matxcova (MGU) cũng như Phó Hiệu trưởngTrường Đại học hữu nghị các dân tộc (UDN).
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao việc các cơ sở đào tạo của Liên bang Xô viết trước đây và nước Nga hiện nay đã đào tạo và nuôi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ pháp luật, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Nhiều người trong số đó đã và đang giữ các trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước, kể cả ở các vị trí lãnh đạo cấp cao. Các cựu sinh viên MGU cũng như hàng vạn người khác đã tốt nghiệp các cơ sở đào tạo của Liên xô và Liên bang Nga luôn thủy chung, hướng những kỷ niệm và tình cảm đẹp đẽ của mình về mái trường xưa, về nước Nga tươi đẹp và nhân dân Nga đôn hậu. Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo luật của Nga tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng bày tỏ vui mừng được đến thăm các cơ sở đào tạo của Nga và được tận mắt chứng kiến sự lớn mạnh của các trường, với cơ ngơi khang trang, hiện đại, rất tiện lợi cho việc học tập, sinh sống của sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh. Xúc động hơn nữa khi được biết, hiện vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam tiếp tục được gửi gắm vào đạo tạo tác các cơ sở đào tạo uy tín này.
Chia sẻ vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp, Thứ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, đặc biệt là các chức danh tư pháp thông qua việc triển khai thực hiện 02 Đề án: Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, với mục tiêu đến năm 2020, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, là dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp của đất nước. Mong rằng quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo hai nước sẽ tiếp tục phát triển và hỗ trợ tốt cho việc triển khai 2 Đề án quan trọng này.
Cụ thể, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo của Nga xem xét, hỗ trợ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cho Việt Nam trong thời gian tới. Thứ trưởng thông tin về việc trong năm nay Chính phủ Liên bang Nga dành cho Việt Nam 800 suất học bổng đào tạo đại học và sau đại học, tuy nhiên số lượng học bổng dành cho đào tạo chuyên ngành luật chưa tương xứng với nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao của Việt Nam. Thứ trưởng cũng mong muốn các cơ sở đào tao đề xuất với Bộ Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga xem xét, dành một số lượng học bổng xứng đáng để đào tạo chuyên ngành luật trong tổng số học bổng mà Chính phủ Nga dành cho Việt Nam.
Lãnh đạo của Học viện Pháp luật Nga trực thuộc Bộ Tư pháp CHLB Nga (RLA), Khoa Luật Trường Tổng hợp MGU cũng như Trường Đại học hữu nghị các dân tộc (UDN) đều bảy tỏ mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Bộ Tư pháp và các cơ sở đào tạo Luật của Việt Nam (cụ thể là Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp, các Trường Trung cấp luật) trong công tác đào tạo. Các hình thức hợp tác có thể đa dạng: từ đào tạo chính quy đại học (cử nhân), sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ); trao đổi sinh viên, đào tạo theo học kỳ, môn học chuyên đề; trao đổi giảng viên để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy; phối hợp nghiên cứu khoa học, tổ chức các tọa đàm, hội thảo quốc tế...
Lãnh đạo các cơ sở đào tạo này đều ủng hộ đề xuất của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng về việc ký kết Thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn các Bên cùng khẩn trương phối hợp xây dựng dự thảo, trao đổi và thống nhất, trình lãnh đạo các bên sớm ký kết Thỏa thuận để có cơ sở triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể. Dự kiến Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Luật Hà Nội với Viện pháp luật Nga trực thuộc Bộ Tư pháp CHLB Nga, với Khoa Luật Trường Tổng hợp MGU và với Trường Đại học hữu nghị các dân tộc (UDN) dự kiến sẽ được hoàn thiện để đi đến ký kết vào tháng 6/2016.
Dự kiến bên lề Diễn đàn pháp lý quốc tế Xanh Petecbua trong vài ngày tới, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và Đoàn công tác Việt Nam sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp Nga, Lãnh đạo Bộ Tư pháp một số nước và một số cơ sở đào tạo Luật của Nga có quan hệ hợp tác với Việt Nam như Học viện pháp luật quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Ku-ta-phin (MGUA) và Đại học Tổng hợp Saint – Petersburg. Đây là hai cơ sở đào tạo lớn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Học viện tư pháp của Bộ Tư pháp Việt Nam và Đại học Luật Hà Nội. Trong thời gian qua, Đại học Tổng hợp Saint – Petersburg và Đại học Luật Hà Nội đã rất tích cực, chủ động đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác và đã xây dựng hai dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác về trao đổi giảng viên và trao đổi sinh viên. Dự kiến 02 văn kiện hợp tác nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác đã ký trước đây sẽ được kí kết trong tháng 6 năm 2016.
Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp