Ngày 28/3/2016, tại trụ sở Bộ Tư pháp An-giê-ri, ông Laadjin, Tổng thư ký Bộ Tư pháp An-giê-ri đã tiếp Đoàn Công tác. Sau lễ đón, Đoàn Công tác đã có buổi làm việc với Tổng vụ Pháp luật và Tư pháp, Tổng vụ Hiện đại hóa tư pháp (Bộ Tư pháp An-giê-ri) và Trường Đào tạo thẩm phán An-giê-ri.
Trong các ngày làm việc còn lại của chương trình công tác, Đoàn Công tác đã có các buổi làm việc với Tòa Tối cao An-giê-ri, Tổng vụ Quản lý trại giam và tái hòa nhập cộng đồng (Bộ Tư pháp An-giê-ri), Trung tâm nghiên cứu pháp luật và tư pháp An-giê-ri, Đoàn Luật sư thủ đô An-giê, Hội đồng công chứng An-giê-ri và Hội đồng quốc gia về thừa phát lại An-giê-ri. Đoàn Công tác đã được Đại diện Tòa Tối cao An-giê-ri giới thiệu về lịch sử hình thành, chức năng và cơ cấu tổ chức của Tòa Tối cao An-giê-ri, cơ cấu tổ chức của Hội đồng tư pháp An-giê-ri. Tại buổi làm việc với Tổng vụ quản lý trại giam và tái hòa nhập cộng đồng (Bộ Tư pháp An-giê-ri), Tổng vụ trưởng Vụ quản lý trại giam và tái hòa nhập cộng đồng đã giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm vận hành cơ chế quản lý phạm nhân, các chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân trong các trại giam ở An-giê-ri. Thăm và làm việc tại Trung tâm nghiên cứu pháp luật và tư pháp An-giê-ri, Đoàn Công tác được Giám đốc Trung tâm giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm. Theo đó, Trung tâm nghiên cứu pháp luật và tư pháp An-giê-ri do Tổng thống quyết định thành lập, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn điều lệ hoạt động, đặt dưới sự lãnh đạo của một Hội đồng quản trị với sự tham gia của 5 Bộ trưởng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ quản lý vùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học. Tuy mới đi vào hoạt động từ năm 2008 với 15 cán bộ nghiên cứu thường xuyên (vốn là các thẩm phán và công tố viên đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn), Trung tâm đã hoàn thành hàng chục đề tài nghiên cứu quan trọng góp phần hỗ trợ quá trình xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp, pháp luật ở An-giê-ri và tham gia xây dựng, góp ý nhiều dự thảo luật quan trọng.
Trong buổi làm việc với Đoàn Luật sư thủ đô An-giê, Chủ nhiệm Đoàn luật sư An-giê đã giới thiệu sơ lược lịch sử phát triển của nghề luật sư tại An-giê-ri, vai trò của đội ngũ luật sư An-giê-ri khi tham gia sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho An-giê-ri và kiến tạo nền tư pháp của nước An-giê-ri độc lập. Theo Chủ nhiệm Đoàn luật sư An-giê, hiện tại trên toàn An-giê-ri có khoảng 40 ngàn luật sư hành nghề độc lập, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề. Theo quy định hiện hành, một cử nhân luật muốn hành nghề luật sư phải tiếp tục trải qua khóa đào tạo hành nghề luật sư với thời gian 1 năm, sau đó phải tập sự 2 năm tại một văn phòng luật sư dưới sự hướng dẫn của luật sư có kinh nghiệm và phải mua bảo hiểm nghề nghiệp trước khi chính thức hành nghề.
Trong buổi làm việc với Hội đồng thừa phát lại An-gê-ri, Đoàn Công tác đã được Chủ tịch Hội đồng thừa phát lại quốc gia An-giê-ri giới thiệu về cơ cấu tổ chức, cách thức quản lý nghề thừa phát lại. Theo ông Chủ tịch Hội đồng, thừa phát lại là một dạng dịch vụ công mặc dù người hành nghề không phải là công chức nhà nước. Người hành nghề thừa phát lại được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để thực hiện việc thi hành các bản án dân sự của tòa án, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và thu hồi nợ. Tổng số người hành nghề thừa phát lại ở An-giê-ri hiện tại vào khoảng 1600 người. Theo quy định của Luật về thừa phát lại hiện hành, người hành nghề thừa phát lại đều phải mua bảo hiểm nghề nghiệp trước khi chính thức hành nghề. Trong buổi làm việc với Hội đồng công chứng quốc gia An-giê-ri,Chủ tịch hội đồng quốc gia An-giê-ri đã thông tin với đoàn về mô hình tổ chức và hoạt động của nghề công chứng ở An-giê-ri. Theo quy định của Luật Công chứng An-giê-ri, người hành nghề công chứng phải có bằng cử nhân luật và trải qua 2 năm đào tạo nghề công chứng. Hiện tại, trên toàn lãnh thổ An-giê-ri, có khoảng 1800 công chứng viên đang hành nghề.Trong buổi hội kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp An-giê-ri trước khi Đoàn Công tác trở về Việt Nam, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tư pháp An-giê-ri về những kết quả thu được từ chuyến công tác, cảm ơn sự đón tiếp chu đáo của Bộ Tư pháp An-giê-ri và mong muốn quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp ngày càng bền chặt.Sau 1 tuần công tác và làm việc tại An-giê-ri ngày 2/4/2016, Đoàn Công tác đã về Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại An-giê-ri.
Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp tại Angeria