Tọa đàm về chỉ tiêu thi hành án dân sự: Tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao

Tọa đàm về chỉ tiêu thi hành án dân sự: Tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao

20/10/2014

Trong khuôn khổ "Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật" với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), ngày 15 tháng 10 năm 2014 tại trụ sở Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp phối hợp với JICA tổ chức Tọa đàm về chỉ tiêu thi hành án dân sự để trao đổi về việc giao và thực hiện các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao thực hiện.  Tham dự Tọa đàm có ông FURUSHO, thẩm phán, chuyên gia dài hạn của Dự án JICA và đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan đầu ngành như Văn phòng quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hưng Yên và đông đảo đại biểu là lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự trên khắp cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Lào Cai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Hải Dương, Khánh Hòa, Long An…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã nhấn mạnh việc giao chỉ tiêu thi hành án dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của cơ quan Thi hành án dân sự, vừa đánh giá khả năng, tiến độ kết quả thi hành các bản án đã có hiệu lực, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Việc thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự nhằm nâng cao kết quả thi hành án, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng, đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao hàng năm luôn là vấn đề được Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự coi là nhiệm vụ trọng tâm cần được chỉ đạo quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, trong năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm. Trên cơ sở đó, ngày 06/12/2013, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 3005/QĐ-BTP giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho hệ thống các cơ quan Thi hành án dân sự năm 2014. Theo đó, chỉ tiêu giao giao năm 2014 bao gồm: i) Ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; ii) Bảo đảm chính xác, đúng pháp luật trong việc xác minh, phân loại việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành; iii) Khắc phục cơ bản vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự; iv) Thi hành xong đạt trên 88% về việc và trên 77% về tiền (tiền và giá trị tài sản được quy ra tiền) trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành; v) Giảm 7% đến 10% số việc chuyển sang năm 2015 so với số việc chuyển kỳ sau của năm 2013 chuyển sang năm 2014; vi) Giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Giải quyết xong 100% đơn, thư khiếu nại, tố cáo của năm 2013 chuyển sang và 90% đơn, thư khiếu nại, tố cáo mới thụ lý trong năm 2014 thuộc thẩm quyền; Cơ bản giải quyết xong đơn, thư khiếu nại, tố cáo bức xúc tồn đọng, kéo dài.

Tại Tọa đàm, đại diện của Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự đã đánh giá sơ bộ về kết quả thực hiện việc giao các chỉ tiêu nói trên trong ngành Thi hành án. Nhìn chung, việc giao chỉ tiêu của Tổng cục Thi hành án dân sự tuân thủ nghiêm túc chỉ tiêu do Quốc hội, Bộ Tư pháp giao, khá sát với thực tiễn thi hành án của từng địa phương, bước đầu tạo ra sự công bằng trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, tránh được sự cào bằng trong giao chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu cũng vẫn gặp phải một số hạn chế cần được khắc phục như: quá trình giao chỉ tiêu chưa có sự tham gia sâu rộng của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương để xác định loại chỉ tiêu giao phù hợp với thực tiễn thi hành án từng năm; định mức chỉ tiêu giao quá cao so với khả năng thực hiện của cơ quan Thi hành án dân sự; chỉ tiêu giao thường đóng khung theo các chỉ tiêu Quốc hội mà chưa có các chỉ tiêu chuyên sâu nhằm thúc đẩy và hỗ trợ cho quá trình thực hiện chỉ tiêu cấp trên giao.

Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về những về ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, kết quả đồng thời đưa ra kiến nghị, đề xuất trong việc giao, tổ chức thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự trong thời gian qua. Đại biểu Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội nhận định về cơ bản Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả đặt ra, tổng số việc được thụ lý ngày càng tăng, giảm việc tồn đọng so với năm trước. Các kết quả được thể hiện qua các con số cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2014 như sau:

-                      Về việc: trong số việc có điều kiện thi hành, Cục Thi hành án thành phố Hà Nội đã thi hành xong  15.673 việc, đạt tỷ lệ 66% so với chỉ tiêu được giao, tăng 638 việc (4%) so với vùng kỳ năm 2013.

-                      Về tiền: đã thi hành được 1.480.984.371.000 đồng, trong số tiền có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 24% so với chỉ tiêu được giao, tăng 214.230.704.000 đồng so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu này cũng cho biết việc giao chỉ tiêu như hiện nay đối với các Cục thi hành án dân sự nói chung cũng như Cục Thi hành án dân sự Hà Nội nói riêng là quá cao, chưa thật phù hợp và không đúng thực chất. Việc thi hành án nhiều khi còn phụ thuộc vào bản án của Tòa án đặc biệt là đối với những bản án tuyên không rõ, khó thi hành đã dẫn tới tình trạng tồn đọng chỉ tiêu…

Đồng tình với tham luận của đại diện Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm cũng kiến nghị rằng khi giao chỉ tiêu trong năm tới, Bộ Tư pháp cần cân nhắc về việc đưa ra các chỉ tiêu thi hành án đặc biệt là chỉ tiêu ra quyết định đúng thời hạn đối với 100% bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật; đối với việc xây dựng tiêu chí, cách thức tính chỉ tiêu công tác, đề nghị Lãnh đạo các cấp xem xét các yếu tố ảnh hưởng để đưa ra phương án thi hành án phù hợp; cần xây dựng phương án giao chỉ tiêu phù hợp với từng vùng, địa phương, không được mang tính cào bằng, tránh tạo thêm áp lực mà không mang lại hiệu quả thiết thực, báo cáo sai sự thật, nâng cao tỉ lệ để chạy theo thành tích…Trên cơ sở lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao những thành tích mà các Cục Thi hành án dân sự ở địa phương đã đạt được; đồng thời ông cũng yêu cầu các Cục Thi hành án dân sự nghiêm túc thực hiện, tiếp tục cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm sẽ được Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp thu và cân nhắc trong quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu trong năm tới. Hy vọng những chỉ tiêu đặt ra sẽ phù hợp hơn với khả năng của các địa phương, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.