Ngày 9/10/2014 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Midori Matsushima. Hai bên đánh giá cao quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, ngày càng toàn diện và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, tiêu biểu là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014 vừa qua; giữa hai nước có sự tin cậy cao về chính trị, tình cảm hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản ngày càng sâu sắc.
Phó Thủ tướng khẳng định Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Chủ trương và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam là coi trọng quan hệ hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản, trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Phó Thủ tướng khẳng định một trong những nội dung quan trọng của chuyến thăm lần này của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam là nhằm trao đổi với Chính phủ và các giới của Nhật Bản các định hướng và biện pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp.
Phó Thủ tướng đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ rất hiệu quả, thiết thực trong những năm qua của Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan của Nhật Bản đối với Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, đào tạo pháp luật và các chức danh tư pháp.
Được bắt đầu từ đầu những năm 90, quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã không ngừng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong những năm gần đây. Số lượng các cơ quan của Việt Nam tham gia vào hợp tác pháp luật và tư pháp với Nhật Bản ngày càng đa dạng và gia tăng, trong đó không chỉ có Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban pháp luật của Quốc hội mà còn có Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các cơ sở đào tạo luật và các chức danh tư pháp.... Các đối tác của Nhật Bản cũng được mở rộng, không chỉ với JICA Nhật Bản, Bộ Tư pháp, Tòa án tối cao mà còn với các cơ sở đào tạo luật, các Hiệp hội nghề luật...
Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả thiết thực trong hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước thông qua các Dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA, đặc biệt là trình độ của chuyên gia pháp luật của JICA nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự, kinh tế, pháp luật về tố tụng, tăng cường năng lực các cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp.... tiêu biểu là Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Thi hành án dân sự. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Cho đến nay đã có hơn 100 tiến sỹ, thạc sỹ và cử nhân luật đã được đào tạo tại Nhật Bản, hàng trăm lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam đã được tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong và ngoài nước. Nhiều người trong số đó đã giữ những vị trí trọng trách trong hệ thống các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm, hai bên đã thông tin cho nhau về tiến trình và kinh nghiệm cải cách pháp luật, tư pháp của mỗi nước. Phó Thủ tướng đã dành thời gian chia sẻ việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới, mở ra không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội; nhấn mạnh trọng trách triển khai thi hành Hiến pháp mới, với nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và hai năm tiếp theo 2015-2016 là hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với tinh thần và nội dung Hiến pháp mới với một số lượng lớn các luật, pháp lệnh dự kiến được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đang rất cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đánh giá caoÝ định thư dự kiến sẽ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và JICA Nhật Bản về việc tiếp tục hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn tiếp theo cho Việt Nam 2015 - 2020, nhấn mạnh sự hỗ trợ của JICA Nhật Bản trong giai đoạn mới là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp để củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng pháp lý vững chắc để có thể tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực và chủ động hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.
Với trọng trách rất lớn của các cơ quan pháp luật và tư pháp của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp 2013, Phó Thủ tướng đề xuất những kiến nghị lớn cho hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới như sau:
Một là, đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản và Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai bên thường xuyên duy trì và tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao để tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.
Hai là, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong khuôn khổ Dự án JICA hiện tại, đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản và các cơ quan liên quan mở rộng phạm vi hỗ trợ kỹ thuật sang các lĩnh vực pháp luật khác như pháp luật hành chính, tố tụng hành chính, tố tụng hình sự.
Ba là, đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế khu vực và quốc tế, đề nghị Nhật Bản giúp Việt Nam đào tạo một đội ngũ luật sư công đủ khả năng đại diện cho Chính phủ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp trên biển.
Bốn là, đề nghị hai bên sớm tiến hành đàm phán ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại và hình sự; Hiệp định dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án để tạo thuận lợi cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, giao lưu giữa hai nước. Đối với các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị La Hay, đề nghị phía Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực cho cán bộ phía Việt Nam trong quá trình gia nhập, thực thi Công ước Tống đạt và các Công ước khác của Hội nghị La Hay mà Nhật Bản là thành viên. Đồng thời, đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tham gia vào các Công ước của Hội nghị La Hay.
Phát biểu tại Hội đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ xúc động được trở lại thăm Bộ Tư pháp Nhật Bản, nơi có những đồng nghiệp mà Bộ trưởng đã gắn bó và trở nên thân thiết từ những ngày đầu thiết lập quan hệ hợp tác pháp luật cách đây hơn hai chục năm. Bộ trưởng đặc biệt vui mừng khi mô hình hợp tác pháp luật Việt Nam - Nhật Bản đã trở thành hình mẫu cho việc nước này mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác khác, đặc biệt là với các nước trong khu vực Châu Á như Lào, Mông Cổ... thông qua các thiết chế về hợp tác pháp luật của Bộ Tư pháp Nhật Bản đã được thành lập tại Osaka. Bộ trưởng đặc biệt đánh giá cao và cám ơn Bộ Tư pháp Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam sửa đổi Bộ luật hình sự; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiến pháp mới, một mặt nhằm phòng chống các loại tội phạm mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời cũng là nhằm thúc đẩy kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam; mặt khác việc hoàn thiện pháp luật hình sự còn rất quan trọng để đảm bảo quyền con người và quyền công dân đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp mới của Việt Nam.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Midori Matsushima hoan nghênh Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam sang thăm và làm việc tại Nhật Bản, bày tỏ mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đặc biệt là trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự và hình sự. Bộ trưởng đặc biệt chúc mừng Việt Nam đã xây dựng thành công bản Hiến pháp mới; sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam trong thời gian qua; chia sẻ những thành tựu và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện; nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo pháp luật và các chức danh tư pháp; khẳng định Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự thông qua cơ chế hợp tác trực tiếp giữa hai Bộ Tư pháp.
Hai bên vui mừng và đánh giá cao kết quả thành công tốt đẹp của cuộc Hội đàm,sự đồng thuận, nhất trí cao về phương hướng và nhiều nội dung hợp tác cụ thể; tin tưởng rằng hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới, đóng góp quan trọng cho việc xây dựng quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á".