Kết quả tốt đẹp Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc: Bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước

Kết quả tốt đẹp Hội đàm giữa Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc: Bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước

24/09/2014

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc của Đoàn công tác liên ngành tư pháp, ngày 23/9/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Séc và một số cán bộ chủ chốt của Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc. Tham dự cuộc gặp còn có ông Trương Mạnh Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc và một số cán bộ của Đại sứ quán.

Hai bên đánh giá cao ý nghĩa lịch sử chuyến thăm và làm việc của  Bộ trưởng Hà Hùng Cường với tư cách là chuyến công tác đầu tiên của một Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Cộng hòa Séc trong vòng 25 năm qua nhằm nối lại quan hệ hợp tác pháp luật song phương, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thi hành bản Hiến pháp mới và hai nước đang tích cực kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2015. Hai Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong thời gian gần đây giữa hai Bộ Tư pháp và các cơ quan pháp luật và tư pháp khác, như việc đã tiến hành thảo luận tại cấp chuyên viên liên ngành chủ trương sửa đổi, hiện đại hóa Hiệp định Tương trợ tư pháp, việc hai bên đang hoàn tất đàm phán Hiệp định chuyển giao người bị kết án; mong muốn hai bên tiếp tục trao đổi, ký kết các Hiệp định Tuơng trợ tư pháp trong các lĩnh vực khác, như lĩnh vực hình sự; dẫn độ; dân sự, thương mại. Việc ký kết các văn kiện hợp tác về tương trợ tư pháp với Cộng hòa Séc đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai bên đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và thực tế đang có một cộng đồng lớn người Việt làm ăn sinh sống tại Cộng hòa Séc. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Séc trên cả hai phương diện cấp quốc gia (thông qua việc ký kết mới các Hiệp định tương trợ tư pháp trên các lĩnh vực hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án... để thay thế cho Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự đã được hai quốc gia ký kết cách đây hơn 30 năm (từ năm 1982) và các văn kiện hợp tác ở cấp Bộ Tư pháp, cụ thể là việc đàm phán và ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị hai bên sớm tiến hành đàm phán ở cấp kỹ thuật để ký kết được các văn kiện hợp tác quan trọng này trong năm 2015, năm kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao hai nước.

Trong cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng đã thông tin cho nhau về tình hình phát triển kinh tế - xã hội; về tiến trình và kinh nghiệm cải cách pháp luật, tư pháp của mỗi nước; trao đổi về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; chia sẻ những vấn đề chuyên môn sâu thuộc chức năng quản lý Nhà nước của hai Bộ Tư pháp, nhấn mạnh trọng trách lớn của Bộ Tư pháp trong việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, đặc biệt là khâu rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; việc Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì một số dự án lớn như Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Chứng thực, Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp…

Liên quan tới những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong tương lai, ngoài việc xúc tiến triển khai rà soát, hiện đại hóa, ký kết các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trên các lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân hai nước, hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đề xuất và thống nhất những nội dung hợp tác dựa trên nhu cầu và thế mạnh, lợi thế so sánh của hai bên như kinh nghiệm về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật, vấn đề tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp; các vấn đề về bổ trợ tư pháp, đặc biệt là việc xã hội hóa và phát triển các nghề tư pháp mà Cộng hòa Séc có nhiều kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi như luật sư, công chứng, thừa phát lại; vấn đề hợp tác về tương trợ tư pháp, về đào tạo pháp luật, đào tạo nghề tư pháp...

Về nhiệm vụ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ luật sư, Bộ trưởng nhấn mạnh ba (03) Đề án quan trọng: Đề án  tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Đề án đào tạo luật sư hội nhập quốc tế với mục tiêu đến năm 2020, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, là dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật, tư pháp của đất nước; mong rằng quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo hai nước sẽ hỗ trợ tốt cho việc triển khai 3 Đề án quan trọng này.

Kết thúc Hội đàm, hai Bộ trưởng một lần nữa vui mừng và đánh giá cao việc hai Bộ Tư pháp nối lại quan hệ hợp tác sau nhiều năm gián đoạn, mong muốn hai Bộ Tư pháp xúc tiến triển khai các nội dung đã thảo luận và thống nhất tại cuộc hội đàm, bắt đầu trước hết bằng việc xây dựng, ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ, góp phần vào các sự kiện quan trọng nhằm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2015. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới đây hai Bộ Tư pháp sẽ triển khai được các hoạt động hợp tác hiệu quả; qua đó sẽ giúp các bên tăng cường hiểu biết về hệ thống pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật; đặc biệt là cùng nhau xây dựng và có tiếng nói chung trên các diễn đàn pháp luật quốc tế. Thông tin thêm với Bạn về việc hiện nay, với xu thế mở rộng hợp tác quốc tế nhằm cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển, Bộ Tư pháp Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với 20 Bộ Tư pháp các nước trên thế giới.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác 03 ngày tại Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ thăm và làm việc với các cơ quan quan trọng khác của Séc như  Ủy ban Hiến pháp và Pháp luật của Hạ viện Séc, Viện Công tố, Tòa án Hiến pháp, Học viện Tư pháp, Hiệp hội luật sư, Hiệp hội Công chứng, Hiệp hội Thừa phát lại của Cộng hòa Séc; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ và nhân viên Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại Séc.