Bộ Tư pháp và UNDP tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 năm 2012

Bộ Tư pháp và UNDP tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 năm 2012

Ngày 23/11, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 2 năm 2012. Bên cạnh việc chia sẻ, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động cải cách tư pháp ở Việt Nam, nội dung chính của Diễn đàn lần này là trao đổi, thảo luận chuyên sâu về chủ đề “Quản lý hành chính tòa án ở Việt Nam”.

Nhiều cách hiểu khác nhau về “độc lập xét xử”

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, nền tư pháp Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt trên tất cả các mặt. Trong đó, hệ thống TAND đã có những chuyển biến tích cực nhất định trong giải quyết các vụ án. Tuy nhiên, để tạo được chuyển biến căn bản trong cải cách tư pháp, cần phải nghiên cứu tìm ra được giải pháp đột phá, đó là phải tiến hành cải cách ở khâu then chốt nhất – cải cách tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án theo đúng tinh thần của Nghị quyết 49.

Vì vậy, Ban thư ký Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì nghiên cứu về quản lý tòa án nhằm góp phần cung cấp thông tin một cách khác quan, kịp thời, trung thực cho Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình quyết định chính sách về cải cách tư pháp. Các kết quả của nghiên cứu đã được công bố tại Diễn đàn và theo nhận định của Thứ trưởng Liên thì “Báo cáo đã đánh giá được tương đối toàn diện thực trạng quản lý tòa án ở Việt Nam trên các mặt từ quản lý công tác hành chính tư pháp, quản lý công tác giải quyết vụ án, vấn đề bố trí ngân sách và điều kiện làm việc, công tác tổ chức cán bộ, công tác giám sát hoạt động tòa án địa phương và một số vấn đề cải cách tư pháp trong quản lý tòa án địa phương”.

 

 

Trình bày Báo cáo kết quả khảo sát “Thực trạng quản lý hành chính tòa án địa phương tại Việt Nam” (do Tiểu dự án Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương điều phối, giám sát), về nội dung quản lý công tác giải quyết vụ án, LS.Nguyễn Hưng Quang – Giám đốc Công ty NHQuang và cộng sự - khẳng định, nguyên tắc độc lập xét xử đã được hiến định nhưng đáng tiếc là không được giải thích rõ ràng bởi các quy định của pháp luật về phạm vi “khi xét xử” nên tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Tương tự như những khảo sát trước đây, theo nghiên cứu này, cơ chế “thỉnh án” vẫn tồn tại trong hệ thống tòa án Việt Nam. Cùng với vấn đề thỉnh án, tình trạng “thẩm phán trao đổi đường lối giải quyết vụ án với lãnh đạo tòa án” (còn gọi là “báo cáo án”) phổ biến tại tất cả các tòa án ở Việt Nam, ở nhiều thẩm phán với các trình độ kiến thức khác nhau.

 

 

Quan hệ tố tụng đang bị “hiểu lầm”

Qua khảo sát, có đến 29,2% thẩm phán cấp tỉnh và 22,8% thẩm phán cấp huyện đã trao đổi đường lối giải quyết vụ án với lãnh đạo tòa án đối với tất cả các loại vụ án; 63,9% thẩm phán cấp tỉnh và 67,7% thẩm phán cấp huyện cho biết là tòa án mình có “quy chế về báo cáo án”. “Việc thỉnh án hay báo cáo án đã tác động rất lớn tới tính độc lập của thẩm phán nói riêng và HĐXX. Đồng thời, việc thỉnh án hay báo cáo án cũng làm lu mờ đi nguyên tắc về tính đại diện của nhân dân trong hoạt động xét thông qua hội thẩm nhân dân” – ông Quang nhấn mạnh.

Bình luận về Báo cáo trên, Thứ trưởng Liên đặt vấn đề: “Quan hệ giữa Tòa án cấp trên và Tòa án cấp dưới là quan hệ tố tụng song hiện chúng ta đang hiểu đó là quan hệ hành chính. Vậy qua khảo sát, liệu Tòa cấp dưới có độc lập được với Tòa cấp trên?”. Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Liên, ông Quang cho rằng, từ các ý kiến của thẩm phán thì về mặt bản chất là Tòa án cấp huyện coi Tòa án cấp tỉnh là cơ quan cấp trên, chứ không “hình dung” đây là hai cấp xét xử độc lập.

 

 

Cũng theo ông Quang, mặc dù TANDTC đã có yêu cầu phải chấm dứt tình trạng thỉnh án, báo cáo án song một số ý kiến trong cuộc khảo sát bày tỏ lo lắng “nếu bỏ thì phải có giải pháp giữ được chất lượng của việc xét xử” khi các thẩm phán đang “vướng” với quy định không được bổ nhiệm lại nếu để xảy ra tình trạng án hủy, án sửa quá 1/116 bản án. Vì vậy, một giải pháp mà ông Quang kiến nghị là phải phát huy tốt vai trò giám sát của hội thẩm đối với hoạt động của tòa án nhằm hạn chế tình trạng thỉnh án hoặc “không tôn trọng vai trò của hội thẩm”…

Thứ trưởng Liên cho rằng, chất lượng phán quyết, các bản án và quyết định của tòa án là kết quả cuối cùng của cả một chuỗi hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử). Một bản án được tòa án tuyên công bằng, khách quan, đúng pháp luật luôn tạo ra sức mạnh, tính chân lý của cả hệ thống cơ quan tư pháp mới được người dân tin tưởng “tâm phục, công phục”. Thông qua hoạt động của tòa án, các cơ quan điều tra, truy tố, thi hành án cũng phải không ngừng nâng cao năng lực hoạt động của mình để bảo đảm tính đồng bộ, trách nhiệm. “Yêu cầu đầu tiên và cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo tính độc lập của tòa án. Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân của Việt Nam đã quy định rõ ràng khi xét xử, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, cần xây dựng tính độc lập của tòa án để giảm thiểu tối đa sự can thiệp từ bên ngoài vào hoạt động của tòa án” – Thứ trưởng Liên đúc rút.

Cẩm Vân