Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã cung cấp thông tin, giới thiệu kinh nghiệm giải quyết các quyết định cuối cùng của Tòa án tối cao khi phát hiện có sai lầm tại các quốc gia như Thụy Sỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và của Tòa án nhân quyền Châu Âu. Tại các quốc gia nêu trên, hệ thống luật pháp quy định rất chặt chẽ về trình tự, thủ tục giải quyết đối với các quyết định cuối cùng của Tòa án tối cao, theo đó, các quốc gia đều đặt sự ổn định và chắc chắn của hệ thống pháp luật lên hàng đầu; quyết định của Tòa án tối cao là quyết định chung thẩm và cao nhất, không cơ quan nào có quyền can thiệp vào hoạt động của Tòa án. Sự độc lập của hệ thống tư pháp được bảo đảm bằng Hiến pháp. Các cơ quan tư pháp độc lập trong thực thi quyền lực tư pháp của mình và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật các nước cũng có một số điều khoản quy định việc xem xét lại quyết định cuối cùng đó nếu quyết định đó bị phát hiện có sai lầm liên quan đến quyền tự do của con người quy định trong luật hình sự. Đối với các quyết định của Tòa án tối cao về các lĩnh vực khác, nếu phát hiện có sai lầm sẽ được giải quyết theo Luật Bồi thường của Nhà nước với điều kiện người khởi kiện phải chứng minh được việc Thẩm phán đã vi phạm pháp luật trong việc sử dụng quyền lực của mình để đưa ra phán quyết không hợp lý. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia quốc tế, quyền phán quyết xem những quyết định đó là có sai lầm hay không thuộc về Tòa án, do đó, trên thực tế, thủ tục này rất hiếm xảy ra.
Theo Toaan.gov.vn