Giới thiệu

Giới thiệu

Giới thiệu Trang thông tin "Hợp tác quốc tế về pháp luật"

Sau gần 20 năm tiến hành sự nghiệp Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp đã có những tiến bộ quan trọng. Những thành tựu này bao gồm: quy trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được đổi mới; hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn để hỗ trợ Nhà nước quản lý bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, v.v. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Hệ thống pháp luật nước ta vẫn chưa đồng bộ, thiếu tính thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền, phố biến, giao dục pháp luật còn nhiều hạn chế và yếu kém. v.v.
Những đóng góp cho những tiến bộ nêu trên không chỉ xuất phát từ nguồn nội lực, mà còn từ những hỗ trợ tích cực và to lớn của cộng đồng quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật. Thông qua sự hợp tác quốc tế, Việt Nam đã nhận được nhiều lợi ích trong việc đẩy nhanh việc hài hoà hoá hệ thống pháp luật trong nước với các tiêu chuẩn pháp luật khu vực và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu cấp bách và đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển lâu dài và ổn định. Đặc biệt, công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, cải thiện thiết chế thi hành luật pháp, tăng cường sự tiếp cận hệ thống pháp luật của người dân, và nâng cao hiểu biết và văn pháp pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật và tư pháp của chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại như: thiếu chủ động trong hợp tác quốc tế, thiếu tính cân bằng trong các chủ đề hợp tác (thường tập trung vào cải cách thể chế và bỏ qua các lĩnh vực khác trong cải cách pháp luật và cải cách tư pháp), phạm vi hợp tác chủ yếu tập trung ở cấp trung ương, và đặc biệt là sự chồng chéo trong các hoạt động hợp tác. Những tồn tại này đã hạn chế hiệu quả và tác động của sự hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu thay đổi chất lượng ngày càng cao.
Trong số các nhà tài trợ, UNDP, trong gần 20 năm qua, đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp tại Việt Nam thông qua sự phối hợp với Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan và viện nghiên cứu pháp lý khác có liên quan. Gần đây, Dự án VIE/02/015 ‘Hỗ trợ Triển khai Chiến lược Phát triển Hệ thống Pháp luật Việt Nam đến năm 2010’ (Dự án LSDS) đã hỗ trợ việc tăng cường và triển khai chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Với việc Dự án LSDS kết thúc vào tháng 6 năm 2009, Bộ Tư pháp và UNDP đã tiến hành thảo luận về cơ chế hợp tác trong tương lai để giải quyết các ưu tiên trong lĩnh vực tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam. Sau các cuộc thảo luận vào đầu năm 2009, Bộ Tư pháp và UNDP đã phê duyệt dự án mới về ‘Tăng cường Tiếp cận Công lý và Bảo vệ quyền tại Việt Nam’, với Bộ Tư pháp làm cơ quan chủ quản.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 48 và 49-NQ/TW, một trong những giải pháp được đề xuất về việc hỗ trợ hợp tác quốc tế trong công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp là tăng cường kênh thông tin và cơ chế phối hợp trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp với các quốc gia và tổ chức quốc tế. Bên cạnh các phương thức truyền thông truyền thống – như tuyên truyền, phổ biến qua TV, đài, báo, v.v. – giải pháp công nghệ thông tin cho phép đa dạng hoá hình thức kênh liên lạc và thông tin pháp luật, và nâng cao tính hiệu quả trong việc thi hành và nhận thức pháp luật, đồng thời giúp cắt giảm chi phí. Dự án đã tiến hành xem xét và xác định các hoạt động cần tiến hành dựa trên cơ sở cân nhắc các hình thức mới của kênh liên lạc và thông tin.
Trong bối cảnh hiện nay, cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin hiệu quả là rất cần thiết. Bên cạnh đề xuất về diễn đàn đối tác pháp luật, dự án đề xuất xây dựng một trang thông tin điện tử về cơ chế hợp tác viện trợ trong lĩnh vực pháp luật. Việc thành lập một trang thông tin điện tử phục vụ Chính phủ, nhà tài trợ và các bên liên quan sẽ tăng cường cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin. Trang thông tin điện tử này sẽ cung cấp thông tin liên quan đến công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, các hoạt động hợp tác viện trợ trong công cuộc cải cách pháp luật và cải cách tư pháp. Trang thông tin điện tử này sẽ cung cấp công cụ trao đổi thông tin trực tuyết về đối tác pháp luật và hợp tác pháp luật tại Việt Nam. Thông qua trang điện tử, Chính phủ, các nhà tài trợ và các bên liên quan có thể tăng cường sự hợp tác và chia sẻ thông tin nhằm có thể kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Mọi tài liệu được đăng tải trên trang thông tin điện tử này sẽ được Bộ Tư pháp, Ban Quản lý Dự án (PMU) và các tiểu dự án soạn thảo và kiểm duyệt với sự tham vấn chặt chẽ với UNDP.

​​