Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

10/02/2015

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong Hiến pháp

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam từ Hội phản đế đồng minh (18-11-1930) - hình thức đầu tiên - đến các tổ chức Mặt trận mang những tên gọi khác nhau sau này như Phản đế liên minh (3/1935), Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế (10/1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (6/1938), Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương (11/1939), Việt Nam độc lập đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh) (19/5/1941), Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) (29/5/1946), Mặt trận Liên Việt (3/3/1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955), riêng ở miền Nam từ năm 1960 có thêm Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968) và đến nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4/2/1977) là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo các hình thức lôi cuốn, tập hợp các tầng lớp nhân dân phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Lịch sử ra đời, phát triển và trưởng thành của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của mọi người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và  xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thắng lợi huy hoàng của cách mạng Tháng Tám 1945 lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh chính là sự kế tục sự nghiệp cách mạng đã được chuẩn bị từ trước của Hội phản đế đồng minh (1930-1936) và của Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939). Tiếp theo Mặt trận Việt Minh là Mặt trận Liên Việt (hợp nhất từ Mặt trận Việt Minh và Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam ngày 3/3/1951) đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955) đã đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam (1968) đoàn kết nhân dân cả nước làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam,  hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Từ khi đất nước thống nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới.

Sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, nước ta bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội – một chế độ sẽ đem lại và bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn. Hiện tại, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, đại diện cho mỗi thành phần kinh tế là một bộ phận trong nhân dân, một lực lượng xã hội dẫn đến đa dạng các lợi ích, chính kiến; cùng với sự cạnh tranh kinh tế để phát triển là sự phân hoá giầu nghèo; đồng thời, do yêu cầu phát triển của cuộc sống, trong xã hội ngày càng có nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời; sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự giao lưu văn hoá sẽ tác động đến lối sống và cách nghĩ của mỗi người và của mọi tầng lớp trong xã hội;  dân chủ ngày càng được mở rộng;  mặt khác, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta... thì vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, xây dựng sự đồng thuận xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng để đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - hình thức hiện tại của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời từ năm 1930 – có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị đất nước. Trước đây, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, Mặt trận đã là nơi tập hợp các lực lượng yêu nước, cùng với Đảng đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời kỳ xây dựng đất nước hiện nay, Mặt trận tiếp tục đóng vai trò là nơi tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, “nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành độngcủa các thành viên để cùng với Đảng và Nhà nước phấn đấu vì mục tiêu chung là giữ gìn độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Việc quy định về đại đoàn kết và Mặt trận trong Hiến pháp và pháp luật là để chính thức hóa tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc ,  Mặt trận là tổ chức phù hợp, độc đáo đứng ra thực hiện vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc  và từ đó tạo cơ sở pháp lý cho Mặt trận hoạt động và phát huy vai trò của mình. Điều này có ý nghĩa lớn vì rằng ai cũng biết vị trí, vai trò Mặt trận là như vậy nhưng nếu không được Luật hóa thì Mặt trận cũng không thể thực hiện được. Trên thực tế điều này không phải tất cả đều chung nhận thức như vậy. Có ý kiến cho rằng Mặt trận cứ hoạt động vậy thôi, cần gì phải thể chế hóa. Khi đặt vấn đề qui định về Mặt trận trong Hiến pháp (bắt đầu từ Hiến pháp năm 1980) và sau này là quá trình xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc năm 1999 và những lần đề nghị sửa đổi, bổ sung sau đó cũng đã có không ít ý kiến như vậy được nêu đi nêu lại. Nói thế để thấy ý nghĩa lớn của việc quy định mà Hiến pháp đã làm và cũng để thấy công việc này còn cần phải tiếp tục hơn nữa trong các luật sau này.

Các Hiến pháp Việt Nam năm 1946, năm 1959 trước đây chưa có quy định. Bắt đầu từ Hiến pháp năm 1980 mới có quy định và ngày càng hoàn thiện dần qua các Hiến pháp sau này:

- Hiến pháp năm 1980 có một điều (Điều 9) quy định về Mặt trận Tổ quốc: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - bao gồm các chính đảng, Tổng công đoàn Việt Nam,  tổ chức liên hiệp nông dân tập thể Việt nam, Đoàn thanh niên công sản HCM, Hội liên hiệp phụ nữ Việt nam và các thành viên khác của Mặt trận - là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, giáo dục và động viên nhân dân đề cao ý thức làm chủ tập thể, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và  bảo vệ Tổ quốc” (Điều 10 về Tổng công đoàn Việt Nam và Điều 11 về tập thể nhân dân lao đông ở cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã , khu dân cư và các đơn vị cơ sở khác tham gia công việc của Nhà nước và xã hội).

- Tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước ” (bỏ điều 11 quy định về tập thể lao động nhưng vẫn giữ Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam).

- Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi bổ sung một số điều năm 2001) quy định :

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức nhà nước.

Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả.

- Tiếp sau Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 tại Điều 2 quy định 6 nhiệm vụ : “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ  tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Như vậy, những quy định trên đây đã tạo cơ sở pháp lý để Mặt trận hoạt động trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, có nhiều nội dung về Mặt trận còn chưa được thể hiện rõ và đầy đủ (như chưa bóc tách giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội gây hiểu lẫn lộn vị trí, chức năng của các tổ chức này; quy định gộp “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” là không chuẩn xác vì chỉ có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nói chung) mới là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, còn các tổ chức thành viên khác thì không phải tất cả đều là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; chưa quy định vai trò tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận mà chỉ quy định vai trò xây dựng chính quyền nhân dân…). Hơn nữa, trong thời kỳ mới của đất nước Mặt trận Tổ quốc có thêm nhiều chức năng nhiệm vụ mới cần được quy định như vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong khi đó, việc quy định về các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp chỉ có quy định về Công đoàn (Điều 10); chưa có quy định riêng về các tổ chức xã hội khác mà chỉ được  xác định “ẩn” trong quy định về Mặt trận Tổ quốc (các thành viên khác) và trong pháp luật về các tổ chức đó (ví như Nghị định về Hội là chưa phù hợp).

Vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã cố gắng khắc phục những khiếm khuyết và thể hiện các nội dung mới.

2. Những điểm mới về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013) quy định:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

2. Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động(Điều 9).

Có thể thấy, quy định về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (qua việc quy định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tại Hiến pháp lần này đã được điều chỉnh khá hợp lý, đó là:

- Về phương thức quy định:

+ Đã quy định tách biệt vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và thành hai khoản riêng biệt (khoản 1 và 2 Điều 9).

+ Đã dành một khoản riêng (khoản 2) để quy định về 5 tổ chức chính trị - xã hội: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (và còn có thể thêm nữa) chứ không chỉ quy định về Công đoàn Việt Nam như trước (Riêng Công đoàn Việt Nam, ngoài quy định chung tại Điều này, Hiến pháp vẫn giữ một điều (Điều 10) quy định thêm do tính chất đặc biệt của tổ chức này).

+ Đã có quy định về các tổ chức xã hội khác qua quy định ở khoản 3 Điều này: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác (TG nhấn mạnh) hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”;

Về nội dung quy định:

+ Đã quy định lại phù hợp hơn về vị trí của Mặt trận trong hệ thống chính trị của nước ta, theo đó chỉ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Tổ chức liên minh chính trị của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, chứ không phải “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như cách quy định cũ, vì rằng, nói Mặt trận Tổ quốc là đã bao hàm các tổ chức thành viên và trong các tổ chức thành viên của Mặt trận không phải tất cả đều là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân;

+ Đã xác định rõ và làm nổi bật hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay đặc biệt là vai trò “ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” và “giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” được hiểu là những hoạt động “tham chính” với Đảng và Nhà nước rất cần được tăng cường hiện nay.

+ Các nhiệm vụ về “tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” vẫn tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ;

+ Khẳng định trách nhiệm của Nhà nước “tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”

Có thể thấy, các quy định trên của Hiến pháp năm 2013 là phù hợp và hoàn chỉnh hơn. Đây chính là thành công lớn của Hiến pháp sửa đổi lần này.

Cụ thể hơn, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiến pháp lần này đã hoàn chỉnh quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã kế thừa và phát triển các quy định trước phù hợp và đầy đủ và nâng cao hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc. Hiến pháp năm 2013 đã:

+ Xác định rõ và đầy đủ và chuẩn xác hơn so với các Hiến pháp trước về vị trí, tính chất của Mặt trận Tổ quốc . Nếu như ở Hiến pháp năm 1980 mới xác định Mặt trận là “chỗ dựa của Nhà nước”, Hiến pháp năm 1992 thời kỳ đầu coi “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) xác định thêm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị” nhưng vẫn giữ “các tổ chức thành viên” trong mệnh đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”. Nay Hiến pháp năm 2013 chuẩn hóa: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – tổ chức liên minh chính trị của  tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp - là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, tức chỉ có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (với các thành viên của mình) mới là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, còn các tổ chức thành viên không phải tất cả đều là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

+ Ghi nhận các nhiệm vụ cơ bản của Mặt trận như về “tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đặc biệt là vai trò mới “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” và “giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước” là thể hiện vị trí, vai trò mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được hiến định. Cũng lần đầu tiên Hiến pháp hiến định vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một bước tiến mới của tiến trình thực hiện dân chủ là cơ hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của mình và đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình phát triển của đất nước. Nhưng cũng từ đây, đòi hỏi Mặt trận phải đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động. Có như vậy Mặt trận mới có thể hoàn thành được trọng trách mà nhân giao phó thông qua Hiến pháp năm 2013.

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận việc quy định cũng có những tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  hiện tại tập hợp 46 tổ chức thành viên (Bên cạnh đó còn có các thành viên khác là các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài). Các tổ chức thành viên của Mặt trận gồm có: tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Trước đây, Hiến pháp quy định chung vị trí vai trò của các tổ chức thành viên lẫn chung với Mặt trận Tổ quốc; Trong 5 tổ chức chính trị xã hội nòng cốt là công, nông, thanh, phụ, cựu mới chỉ qui định vai trò của Công đoàn. Nay Hiến pháp, như đã nói trên, đã quy định tách biệt vị trí, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Đã dành một khoản riêng (khoản 2) để quy định về 5 tổ chức chính trị - xã hội: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam (và còn có thể thêm nữa) chứ không chỉ quy định về Công đoàn Việt Nam như cũ. (Riêng Công đoàn Việt Nam, ngoài quy định chung tại Điều này Hiến pháp vẫn giữ một điều (Điều 10) quy định thêm do tính chất đặc biệt của tổ chức này). Hiến pháp xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội về “đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên tổ chức mình” “cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Đối với các tổ chức thành viên khác và chưa phải thành viên – tổ chức xã hội bên cạnh yêu cầu phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Hiến pháp quy định “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác hoạt động” chứ không chỉ tạo điều kiện cho “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động”  như trước.

Cũng còn một vài điểm thuộc nội dung quan trọng của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác đáng lẽ cần được đưa vào nhưng chưa được Hiến pháp thể hiện như về vai trò hiệp thương của Mặt trận; vai trò tập hợp ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, trong đó có cả các hiến kế, để phản ánh với Đảng và Nhà nước; về vị trí, vai trò của các tổ chức xã hội khác (được gọi là xã hội dân sự) vì chúng cũng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Hy vọng những vấn đề này sẽ được quy định đày đủ và cụ thể trong các Luật về Mặt trận và Luật về Hội sẽ được ban hành sau này.

3. Những vấn đề đặt ra để thi hành tốt các quy định của Hiến pháp về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hiến pháp năm 2013 với những nội dung mới về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như  của các tổ chức chính trị-xã hội các tổ chức xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận có hiệu lực thi hành từ 1.1.2014. Có thể xem đây là một cơ hội để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mình phát huy tốt hơn vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Trước đây có nhiều điều Mặt trận chưa được làm một cách chính thức như quyền “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” vì cho rằng chỉ có Quốc hội và Hội đồng nhân dân mới là cơ quan đại diện của nhân dân, Mặt trận không phải là cơ quan đại diện; hay “chức năng phản biện xã hội” được văn kiện Đảng nêu từ Đại hội X năm 2006 nhưng chưa được thể chế hóa, chưa được pháp luật quy định nên cũng không thực hiện. Hiện tại, trừ Mặt trận Thành phố Hà Nội đã có những hoạt động phản biện đối với các quyết sách của chính quyền thành phố theo Quy chế phản biện xã hội do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố ban hành, còn Mặt trận nói chung chưa có phản biện xã hội đúng nghĩa mà mới chỉ là những góp ý kiến, kiến nghị thông thường. Hay “quyền giám sát” tuy đã có quy định rồi nhưng nhiều chỗ chưa cụ thể và đày đủ nên chưa thống nhất. Nhiều nội dung giám sát chưa rõ như Mặt trận có giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng không, có giám sát Quốc hội không, có được thành lập đoàn giám sát riêng để giám sát hay chỉ đi theo các đoàn giám sát của cơ quan nhà nước v.v… Nay Hiến pháp năm 2013, cơ bản đã hiến định hóa tất cả các điều này tạo cơ sở pháp lý cần thiết và đầy đủ cho Mặt trận thực hiện các chức năng đó. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn xác định rõ: Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Những quy định mới, phù hợp hơn trên đây cùng với các quy định tại hai văn bản mới được Bộ Chính trị ban hành ngày 12-12-2013 là Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Quyết định số 217/QĐ/TW ngày 12/12/2013) và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền (Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/1013) sẽ tạo cơ sở pháp lý – chính trị - xung lực mạnh mẽ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống chính trị của đất nước, góp phần đắc lực vào việc xây dựng đất nước. Vấn đề đặt ra phải làm gì để tổ chức thi hành tốt các quy định đó.

Những yêu cầu đặt ra để có thể triển khai thi hành tốt các quy định của Hiến pháp, có mấy vấn đề sau:

- Trước hết, cần phải tổ chức nghiên cứu sâu rộng, quán triệt tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về Mặt trận Tổ quốc ; tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng các văn bản luật để cụ thể hóa, chi tiết hóa và tạo lập cơ pháp lý cần thiết để thực hiện các chức năng được Hiến pháp quy định. Ngay từ bây giờ phải tập trung hoàn chỉnh Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi đã và đang xúc tiến; cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Quy chế về giám sát và phản biện xã hội vừa được Bộ chính trị ban hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật khác có quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nữa (đến hơn 100 văn bản). 

- Hai là, tăng cường các bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với chính quyền nhà nước các cấp – bảo đảm về cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt của Mặt trận Tổ quốc. Xây dựng, nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận nói chung. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế tổ chức, chế độ chính sách đối với Mặt trân Tổ quốc cũng như cán bộ chuyên trách Mặt trận các cấp và đội ngũ cộng tác viên, trong đó đặc biệt là việc đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính bảo đảm tính độc lập, không bị phụ thuộc cho Mặt trận.

- Ba là, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, và các tổ chức nói chung. Nâng cao tính năng động và chủ động, bản lĩnh của tổ chức liên minh chính trị để tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Phải phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của tổ chức liên minh chính trị, cơ sở của chính quyền nhân dân, chức năng và trách nhiệm xây dựng Đảng và Nhà nước, góp ý kiến với Đảng và Nhà nước một cách chủ động từ khi đề ra, quyết định và tổ chức thi hành các chủ trương, chính sách, pháp luật; thực hiện vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật đó. Để làm được điều này, Mặt trận phải đổi mới phương thức từ chỗ chỉ tham gia một cách thụ động, cần phải chuyển sang tham dự vào hoạt động của chính quyền một cách chủ động theo tinh thần phối hợp một cách chặt chẽ.  Việc tổ chức các hình thức sinh hoạt, tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, thu thập, tập hợp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân, xây dựng bộ máy tổ chức, cải tiến phong cách làm việc, hội họp… đều không nên máy móc, dập khuôn, mà phải đúng với đặc điểm của tổ chức và hoạt động của Mặt trận. Cần phải nhanh chóng khắc phục tình trạng hành chính hóa, nhà nước hóa đã và đang là một trở ngại lớn đối với hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nói chung. Mặt trận Tổ quốc cần đổi mới phương thức lắng nghe và tập hợp ý kiến, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước theo hướng lắng nghe trực tiếp ý kiến của mọi lớp người thông qua đối thoại trực tiếp và các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức; lắng nghe những ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến bất đồng. Và điều quan trọng là Mặt trận dám phản ánh với Đảng và Nhà nước những ý kiến đó mà không “biên tập lại” cho tròn trịa. Đó là những hoạt động thiết thực để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần làm trong sạch Đảng, Nhà nước, chống tham nhũng, tệ quan liêu và các tiêu cực xã hội khác hiện nay. Đây là yêu cầu và nguyện vọng bức xúc của nhân dân đang gửi gắm đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.

PGS.TS. Bùi Xuân Đức

         Viện trưởng Viện NCKH Mặt trận-

                              Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam