Phát biểu của đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ III

01/01/0001

- Thưa đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

- Thưa các đồng chí đại biểu và các vị khách quý,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội thi đua yêu nước Ngành tư pháp lần thứ III đúng vào dịp toàn ngành long trọng kỷ niệm 65 năm thành lập và đón nhận Huân chương Sao vàng – phần thưởng cao quý nhất được Đảng và Nhà nước trao tặng; và tôi cũng rất vui mừng được gặp lại đông đủ những người đồng chí, người bạn là đại diện ưu tú nhất của các cơ quan tư pháp trong cả nước.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tình cảm thắm thiết, tôi xin gửi tới các đồng chí đại biểu, các vị khách quý và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành tư pháp lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Kính chúc các đồng chí và các quý vị đại biểu, khách quý sức khỏe và hạnh phúc. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Đại hội thi đua yêu nước Ngành tư pháp lần thứ III diễn ra trong không khí hào hùng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hoàn thành việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.  Đại hội đã mang đến một khí thế mới, hoà quyện vào các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, thôi thúc thêm niềm tự hào về truyền thống của Ngành.

Qua theo dõi và nghe báo cáo kết quả công tác thi đua của các đồng chí, tôi vui mừng nhận thấy 5 năm qua, phong trào thi đua trong Ngành tư pháp đã diễn ra rộng khắp, có chiều sâu, có sức lan toả rộng. Các đồng chí đã nhận thức và quán triệt đầy đủ tinh thần của công tác thi đua trong đội ngũ công chức như Bác Hồ đã dạy trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc năm 1948: “Nhân viên Chính phủ thi đua tận tuỵ làm việc phụng sự nhân dân”[1], đã gắn nhiệm vụ công tác tư pháp với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, với một nền tư pháp thực sự vì dân. Các cơ quan tư pháp trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương, đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, đạt nhiều thành tích, đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thông qua công tác soạn thảo, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tham mưu giúp Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp thực hiện chương trình xây dựng pháp luật 5 năm và hàng năm, Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã góp phần tích cực vào việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị đề ra. Các đạo luật của Quốc hội, văn bản của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp ban hành thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng và động lực mạnh mẽ để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tăng cường bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân.

Thể chế về tổ chức và hoạt động của Ngành tư pháp được hoàn thiện một bước đáng kể với nhiều đạo luật được ban hành như Luật công chứng, Luật luật sư, Luật trợ giúp pháp lý, Luật quốc tịch, Luật thi hành án dân sự, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật lý lịch tư pháp, Luật nuôi con nuôi, ... cùng với các mặt công tác khác như phổ biến giáo dục pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học pháp lý, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật được chú trọng ... đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tư pháp, đưa công tác tư pháp gần dân hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Có thể thấy, đội ngũ cán bộ tư pháp ở mỗi vị trí công tác của mình đã phát huy được truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển, đoàn kết, cùng chung ý chí, thống nhất hành động với ý thức trách nhiệm cao, đưa công tác tư pháp lên một bước phát triển mới, ghi thêm một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của ngành. Vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước tiếp tục được khẳng định, vị thế của Ngành tư pháp ngày càng được tăng cường. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hàng trăm tập thể, cá nhân tiêu biểu của Ngành đã được tặng thưởng huân chương các loại và các hạng, cũng như những phần thưởng cao quý của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của ngành năm nay, Ngành tư pháp vô cùng vinh dự và tự hào được đón nhận Huân chương Sao vàng – Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Cho phép tôi một lần nữa xin được nồng nhiệt chúc mừng và chung vui với các đồng chí!

Bên cạnh những thành tích đã nêu trong báo cáo, với tinh thần tự phê bình thẳng thắn, các đồng chí đã chỉ ra những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong tổ chức, hoạt động của ngành cũng như trong công tác thi đua thời gian qua. Đó là tình trạng một số dự án văn bản chưa được chuẩn bị và trình đúng thời hạn, chưa bảo đảm chất lượng; công tác thi hành án dân sự đã được củng cố về tổ chức nhưng chưa tạo ra được chuyển biến rõ rệt về chất, đặc biệt là vấn đề xử lý án tồn đọng; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn có nơi, có lúc làm theo lối phong trào, chưa có chiều sâu… Nhận thức về thi đua và phong trào thi đua chưa thật sự sâu sắc và đồng đều ở một số tập thể, cá nhân; còn có biểu hiện của bệnh hình thức, chạy theo thành tích; việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá sơ kết, tổng kết chưa được duy trì thường xuyên, nền nếp; tác động trực tiếp của phong trào thi đua có nơi, có lúc còn hạn chế, được biểu hiện ở năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác chưa cao, sự trì trệ của một số đơn vị, cá nhân trong ngành… Tôi đề nghị các đồng chí phân tích sâu sắc, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế, rút ra các bài học và đề ra giải pháp khắc phục để đưa công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới của mỗi đơn vị và toàn ngành đạt kết quả cao hơn.

Thưa các đồng chí,

Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng ta xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm phấn đấu để đến năm 2020 nước  ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Để đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức sâu sắc rằng: sẽ không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nếu không có một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, không chú trọng tăng cường thực thi Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn sự thống nhất, tôn nghiêm và quyền uy của pháp chế XHCN. Điều đó đặt l­ên vai Ngành tư­ pháp nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề và vẻ vang. Trong báo cáo, các đồng chí đã nêu ra nhiều giải pháp nhằm gắn các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011 – 2015 với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành. Về cơ bản, tôi đồng tình và xin nhấn mạnh thêm một số nội dung cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới:

Thứ nhất, Ngành tư pháp cần chú trọng đầu tư nhiều hơn cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là về các vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, tổ chức thực thi pháp luật có hiệu quả để tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật và tư pháp dài hạn của nước ta, trước mắt là tập trung cho việc góp ý hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XI và chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cùng với các cơ quan, tổ chức hữu quan, Bộ Tư pháp phải tham mưu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy của Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó. Đây là những nội dung rất quan trọng mà chúng ta phải tập trung triển khai sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thông qua các văn kiện.

Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ, chính quyền địa phương theo dõi tình hình chấp hành pháp luật nói chung, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu các vi phạm pháp luật, tội phạm. Có các giải pháp đột phá nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, công tác trợ giúp pháp lý, quản lý nhà nước về luật sư, giám định tư pháp, công chứng ... nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác cải cách tư pháp. Đồng thời, phát huy tính chủ động và sáng tạo hơn nữa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp chặt chẽ phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý, hướng các hoạt động này về cơ sở thường xuyên hơn, có chiều sâu hơn, làm thế nào để biến khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” thành hành động cụ thể và thiết thực của mỗi cán bộ, công chức và mỗi người dân.

Thứ ba, quan tâm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tư pháp là một lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, tác động trực tiếp, nhiều chiều đến sự phát triển của nền kinh tế, đến đời sống của mỗi người dân. Bởi vậy, năng lực của ngành Tư pháp không chỉ thể hiện ở chỗ nhạy bén với tình hình để xử lý chính xác và kịp thời các vấn đề mới phát sinh cần điều chỉnh bằng pháp luật, mà còn phải thể hiện ở khả năng tự đổi mới để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của từng địa phương.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị về  tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Mỗi cơ quan, đơn vị trong ngành cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu công tác của mình, tránh hình thức, rập khuôn, máy móc. Gắn các hoạt động thi đua trong Ngành với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác đối với cán bộ tư pháp: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tận tụy, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao và những kết quả đã đạt được trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Ngành tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong những năm tới. 

Xin chúc các đồng chí đại biểu, các vị khách quý sức khoẻ, hạnh phúc.

Xin trân trọng cám ơn!


 

[1] Chí Minh,  Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2000, Tập 5, tr. 444.