Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất

01/01/0001

Thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương,

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội,

Thưa các đồng chí và các quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất, Đại hội đánh dấu sự trưởng thành mang tính lịch sử của nghề luật sư ở nước ta. Tôi nhiệt liệt chúc mừng các vị đại biểu tham dự Đại hội. Nhân dịp này, tôi gửi đến toàn thể luật sư trong cả nước những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc quý vị dồi dào sức khoẻ, thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với truyền thống đoàn kết yêu nước, phụng sự nhân dân rất đáng tự hào của các thế hệ luật sư Việt Nam.

Thưa các quý vị đại biểu,

Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc hôm nay khẳng định sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức và hoạt động của luật sư Việt Nam sau 64 năm xây dựng và trưởng thành. Chúng ta tự hào vì ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, các luật sư tiền bối - những trí thức yêu nước nhiệt thành như luật sư Phan Anh, luật sư Vũ Trọng Khánh, luật sư Trần Công Tường, luật sư Nguyễn Văn Hưởng và nhiều luật sư khác đã đoàn kết, quy tụ dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện tận tuỵ phấn đấu vì công lý, công bằng cho mọi người dân trong một Nhà nước độc lập, tự do, dân chủ. Chính các luật sư đó đã tham gia đặt nền móng cho một nền tư pháp mới theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng không thể quên những thế hệ luật sư với những tên tuổi tiêu biểu như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo… đã sẵn sàng dấn thân vào con đường gian khổ, cứu dân, cứu nước, góp phần đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đến thắng lợi cuối cùng. Truyền thống vẻ vang đó lại được tiếp nối bởi lớp luật sư được đào tạo từ các giảng đường của chế độ xã hội chủ nghĩa hoặc trưởng thành từ phong trào sinh viên “Dậy mà đi - Hát cho đồng bào tôi nghe”, những người đang đồng hành cùng góp phần khẳng định vị trí và sứ mệnh cao cả của luật sư trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Hôm nay, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân, tôi muốn nói lời tri ân chân thành nhất với các thế hệ luật sư Việt Nam đi trước và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của giới luật sư Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thưa các vị đại biểu,

Sự phát triển của tổ chức và hoạt động luật sư với việc thành lập Liên đoàn luật sư Việt Nam hôm nay không chỉ là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, phụng sự nhân dân của luật sư mà cũng là sự khẳng định tính đúng đắn của đường lối đổi mới và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp.

Sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nhận thức ngày càng cao của người dân, của các nhà doanh nghiệp về vai trò của luật sư đã làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý, mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động hành nghề luật sư. Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của luật sư trong việc mở rộng tranh tụng. Thực tiễn thực hiện cải cách tư pháp vừa qua đã chứng minh rằng, không thể có phiên toà xét xử theo tinh thần cải cách, nếu thiếu sự tham gia tranh tụng của các luật sư có năng lực, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Suy rộng ra, cải cách tư pháp không thể thành công nếu không có sự đồng bộ, song hành giữa cải cách tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp (toà án, kiểm sát, điều tra) và sự đổi mới tổ chức, hoạt động của luật sư cùng với các hoạt động bổ trợ tư pháp khác như công chứng, giám định tư pháp. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã và đang hết sức quan tâm đến việc đổi mới về thể chế, tổ chức, hoạt động của luật sư. Luật Luật sư ban hành năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành tạo thành khuôn khổ pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Nhờ đó, luật sư Việt Nam đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, góp phần tích cực bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Và gần đây nhất, ngày 30/3/2009, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển tổ chức và hoạt động của luật sư, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, một văn kiện có ý nghĩa quan trọng, đề cao vai trò, vị trí, cũng như trách nhiệm của luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong hệ thống chính trị của đất nước.

Tuy nhiên, cùng với vận hội phát triển, nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn vào hàng thấp trên thế giới; chất lượng hành nghề luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu dịch vụ tư vấn ở trong nước và quốc tế, ý thức rèn luyện về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một bộ phận luật sư chưa cao, một số luật sư chưa gương mẫu chấp hành pháp luật về hành nghề luật sư, có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, nhận thức chính trị, thậm chí phạm tội, đã bị xét xử. Điều đó đã làm mờ đi hình ảnh của một nghề vốn là đáng trân trọng trong xã hội. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo củng cố, kiện toàn đoàn luật sư; công tác quản lý nhà nước về luật sư còn những bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thưa các vị đại biểu,

Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ vận hội mới rất to lớn, nhưng đồng thời cũng gặp phải những khó khăn, thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, đòi hỏi của đất nước, của nhân dân đối với đội ngũ luật sư ngày càng to lớn. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước về luật sư gần đây đã khẳng định, việc chăm lo kiện toàn tổ chức luật sư, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động củat đội ngũ luật sư không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, mà cũng chính là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Trước tiên, nói về trách nhiệm của luật sư. Hơn bao giờ hết, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách tư pháp, luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề. Luật sư có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước. Bên cạnh đó, uy tín và danh tiếng nghề nghiệp đòi hỏi luật sư phải tự giác, gương mẫu tuân thủ pháp luật đồng thời phải tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động xã hội khác. Muốn vậy, bản thân mỗi luật sư cần có ý thức và hành động nỗ lực hết mình để không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức, bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, hoàn thiện kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệp thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Tiếp theo, tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Từ ngày hôm nay, giới luật sư nước ta đã có ngôi nhà chung của mình là Liên đoàn Luật sư Việt Nam - tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất của các đoàn luật sư và luật sư trong cả nước. Để Ngôi nhà chung của luật sư Việt Nam thật bền vững, khang trang, như Báo cáo chính trị tại Đại hội đã nêu, thì vai trò của Ban lãnh đạo Liên đoàn và vai trò của cá nhân các luật sư, các đoàn luật sư thành viên của Liên đoàn là một trong những yếu tố quyết định và cần được phát huy mạnh mẽ.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam có trách nhiệm góp phần hoàn chỉnh và củng cố hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư từ trung ương đến địa phương; thực hiện tốt chức năng làm đầu mối thống nhất đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, các đoàn luật sư; đóng góp vào những vấn đề chung của Đảng, Nhà nước; tăng cường và mở rộng giao lưu quốc tế của luật sư Việt Nam với luật sư các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trách nhiệm cơ bản, quan trọng và lâu dài nhất của Liên đoàn Luật sư là phối hợp cùng với cơ quan quản lý nhà nước về luật sư để phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Liên đoàn cần chú trọng công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ nhất là kỹ năng tranh tụng và tư vấn pháp luật cho đội ngũ luật sư. Phấn đấu đến năm 2020, nước ta xây dựng được đội ngũ luật sư cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của xã hội công nghiệp hoá, theo hướng hiện đại và các đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thưa các vị đại biểu,

Thực tiễn đã chứng minh, ở nước ta, sự phát triển lớn mạnh của tổ chức và hoạt động luật sư không thể tách dời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, sau Đại hội này, Liên đoàn luật sư Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương, các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời tích cực triển khai Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Qua triển khai, tiếp tục nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trên địa bàn; kiện toàn tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, chú trọng những nơi chưa thành lập được đoàn luật sư hoặc còn qúa ít luật sư; định hướng và hỗ trợ phát triển đội ngũ luật sư về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về luật sư, chú trọng cơ chế đảm bảo, nâng cao hiệu quả tranh tụng của luật sư tại phiên toà và hoạt động tư vấn pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

Song song đó khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020, tầm nhìn xa hơn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư, đồng thời phát huy vai trò của Liên đoàn luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư, đảm bảo các hoạt động của luật sư thực hiện theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thưa các vị đại biểu,

Sự ra đời của Liên đoàn luật sư Việt Nam là mốc son trong sự phát triển về tổ chức và hoạt động luật sư của Việt Nam. Đây cũng chính là ý Đảng, lòng dân, nhu cầu của xã hội và tâm nguyện của giới luật sư cả nước. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự ủng hộ mạnh mẽ, tâm huyết và nhiệt thành của các luật sư, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm tinh thần trách nhiệm cao của các luật sư, các thành viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Liên đoàn luật sư Việt Nam sẽ đoàn kết chặt chẽ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên những bước đường phát triển của luật sư Việt Nam. Để thực hiện được điều này, thì việc bầu cử tại Đại hội là hết sức quan trọng. Tôi đề nghị các vị đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao trước sứ mệnh được luật sư cả nước tin cậy, giao phó sáng suốt lựa chọn được những đại diện xứng đáng vào Hội đồng luật sư toàn quốc và các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn luật sư Việt Nam - những người hội đủ những tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ và bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, có khả năng quy tụ đội ngũ luật sư trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, hết lòng vì sự phát triển của tổ chức và hoạt động của luật sư.

Chúc Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất thành công tốt đẹp trên tinh thần đoàn kết, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Xin cảm ơn!