Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội : Ngành Tư pháp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh hoạt động để công tác tư pháp triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm

01/01/0001
Tại Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2004 được tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào cuối tháng 12/2003, Đồng chí Nguyễn Văn An, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Sau khi đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong năm qua, Đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh về một số nhiệm vụ mang tính chiến lược mà Ngành Tư pháp cần triển khai trong năm 2004 và các năm tiếp theo.

Thưa các đồng chí!

Qua theo dõi hoạt động của Ngành Tư pháp và qua Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2003 tại Hội nghị này, tôi vui mừng ghi nhận những nỗ lực và thành quả mà Ngành Tư pháp đã đạt được trong năm nay. Toàn Ngành Tư pháp, mà trước tiên là các đồng chí lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Sở, ngay từ đầu năm đã quyết tâm đổi mới việc chỉ đạo, điều hành theo hướng tập trung mọi nguồn lực để từng bước giải quyết một cách cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của công tác tư pháp.

Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã góp phần tích cực trong việc thực hiện tốt Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và ban hành các văn bản hướng dẫn của Chính phủ cũng như của các cấp chính quyền địa phương, trong đó có những luật, bộ luật lớn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với 19 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo được ban hành, tuy chưa đáp ứng đòi hỏi nhưng là sự cố gắng rất đáng ghi nhận. Việc thẩm định hơn 200 dự thảo văn bản và kiểm tra hàng ngàn văn bản của các bộ, ngành, địa phương là những đóng góp của Ngành Tư pháp vào việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự, toàn ngành đã chủ động, sáng tạo triển khai sáu giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác này, nhất là trong thi hành những bản án; quyết định tồn đọng và giải quyết khiếu nại bức xúc, kéo dài. Chúng ta hoan nghênh và trân trọng những sáng kiến, những cách làm mới, có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương của các cấp chính quyền, các cơ quan thi hành án.

Hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách đã có những kết quả rõ nét hơn sau gần một năm thực hiện Chương trình của Chính phủ về phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007. Việc kết hợp các hình thức thông tin, tuyên truyền mới và truyền thống được đẩy mạnh đã có sức thu hút, làm cho pháp luật dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn đối với nhân dân, trong đó hoạt động của các báo, tạp chí thuộc Ngành Tư pháp có nhiều đóng góp tích cực.

Các hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp như hộ tịch, công chứng, giám định tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật là các hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người công dân đã được ngành chú trọng triển khai theo hướng đơn giản hơn về thủ tục hành chính, chặt chẽ hơn về nội dung, công khai và minh bạch hơn về tiếp nhận và giải quyết, do đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của đời sống xã hội.

Các yêu cầu của Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đối với việc củng cố tổ chức, tăng cường năng lực cán bộ tư pháp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý, nâng cao chất lượng đào tạo luật và đào tạo nghề cho các chức danh tư pháp được nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn, đã khẩn trương triển khai với các chương trình, đề án cụ thể, tạo tiền đề để phát triển ngành trong những năm tiếp theo, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn pháp lý cao đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đang triển khai ở nước ta.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và hoan nghênh những cố gắng và những thành tích nói trên của Ngành Tư pháp trong năm 2003.

Trong năm 2004 và những năm tiếp theo, xây dựng Nhà nước pháp quyền nói chung và xây dựng Ngành Tư pháp nói riêng, vẫn là một định hướng chiến lược, một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng và toàn dân ta.

Đối với Ngành Tư pháp, các đồng chí cần tập trung làm tốt một số công việc sau đây:

1. Tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi hoan nghênh Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các ngành hữu quan đầu tư công sức, thời gian để giúp Chính phủ xây dựng Dự thảo Chiến lược về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đây là một việc làm rất cần thiết, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước, là một trong những nhân tố quan trọng chỉ đạo việc xây dựng chương trình kế hoạch lập pháp của Quốc hội; lập quy của Chính phủ và các ngành các cấp, đáp ứng đòi hỏi xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân đang tiến hành ở nước ta. Ngành Tư pháp với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ hoàn thiện Dự thảo Chiến lược mà nội dung trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, minh bạch, sao cho pháp luật thực sự phát huy vai trò và hiệu lực là một phương tiện chủ yếu, mạnh mẽ để quản lý xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu trong 5 năm tới hệ thống pháp luật của nước ta trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội đều được điều chỉnh bằng các bộ luật, đạo luật. Hiện nay, trong lĩnh vực tư pháp chúng ta đã có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, còn Bộ luật Tố tụng dân sự dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2004. Trên lĩnh vực hành chính và thi hành án cũng cần xúc tiến xây dựng thành các bộ luật như xử lý vi phạm hành chính (phần chung), Bộ luật Thi hành án. Theo hướng đó, chúng ta phấn đấu đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, rút ngắn thời gian để đến năm 2020 hệ thống pháp luật nước ta tương đối hoàn thiện, theo kịp các nước có hệ thống pháp luật đã được xây dựng hàng trăm năm nay.

Chiến lược phải là những định hướng khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa phải đáp ứng được những yêu cầu trước mắt, vừa phải có tính chất lâu dài, ổn định phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên, xã hội và con người Việt Nam trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, dễ tiếp cận đối với mọi người dân và phải được thi hành nghiêm chỉnh. Theo tinh thần đó, tôi đề nghị tiếp tục hoàn thiện về nội dung của Dự thảo Chiến lược.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đòi hỏi tính khoa học và tính thực tiễn rất cao của văn bản. Tôi đề nghị Bộ Tư pháp cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành hữu quan sớm hoàn thiện Dự thảo Chiến lược trình cấp có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Mặc dù mấy năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo có bước chuyển biến tích cực, nhưng so với đòi hỏi của công cuộc đổi mới và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều bất cập, ý thức pháp luật của nhân dân chưa được nâng lên tương xứng với nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật.

Hiện nay đang diễn ra tình trạng sự hiểu biết pháp luật của nhân dân ta, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức chưa theo kịp tốc độ xây dựng và hoàn thiện pháp luật của Nhà nước ta. Sự không đồng bộ giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật đã hạn chế hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước bằng pháp luật; pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tăng cường đúng mức; tình trạng nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong bộ máy nhà nước chậm được khắc phục. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tư pháp được Nhà nước giao là tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hơn ai hết, các đồng chí phải nhận thức sâu sắc và tập trung làm tốt công tác này.

Trước mắt, tôi đề nghị Ngành Tư pháp cần triển khai ngay việc thực hiện rộng khắp và có hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Đồng thời bám sát đời sống pháp luật của đất nước, tìm kiếm các hình thức và phương tiện phù hợp thiết thực, kịp thời tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong đội ngũ cán bộ, công chức.

3. Về thi hành án dân sự.

Tôi nhất trí với chủ trương của Ngành Tư pháp về tiếp tục tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác thi hành án dân sự, triển khai thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự (sửa đổi) sắp được thông qua, đồng thời triển khai nghiên cứu, soạn thảo để sớm trình Quốc hội xem xét Dự thảo Bộ luật Thi hành án. Với chủ trương đó, nếu được triển khai toàn diện và có sự nỗ lực của toàn ngành, của lực lượng thi hành án dân sự, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành tư pháp với các cấp, các ngành hữu quan, tôi tin rằng tình trạng tồn đọng nhiều bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành như hiện nay sẽ giảm nhiều so với các năm trước đây. Người làm công tác tư pháp nói chung, thi hành án nói riêng, nếu chỉ dựa vào cơ chế, chính sách thì chưa đủ, mà cần phải thật sự năng động, sáng tạo, không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý, mà phải có tấm lòng trong sáng, có bản lĩnh và phải là tấm gương chấp hành pháp luật. Bộ Tư pháp cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn đối với công tác này.

Do công tác thi hành án dân sự trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án cũng như người phải thi hành án, nên nhiệm vụ đặt ra cho cơ quan tư pháp các cấp là phải giải quyết kịp thời và đúng pháp luật các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án dân sự; bảo đảm các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh.

4. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp.

Những năm đầu tái lập Bộ Tư pháp, Ngành Tư pháp đã xác định nhiệm vụ đào tạo cán bộ pháp lý là then chốt. Hiện nay, việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ vẫn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành. Sắp tới, Học viện Tư pháp sẽ đi vào hoạt động, tôi đề nghị lãnh đạo Bộ Tư pháp quan tâm đặc biệt đến chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy của Học viện cho phù hợp, thiết thực với đối tượng là các chức danh tư pháp trong điều kiện đẩy mạnh cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay trong năm 2004, Bộ Tư pháp cần chỉ đạo Học viện có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng các chức danh: thẩm phán, luật sư, chấp hành viên phục vụ việc tăng thẩm quyền xét xử cho toà án cấp huyện, mở rộng tranh tụng tại phiên toà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới được Quốc hội thông qua. Chúng ta phải nhận thức rằng, đào tạo các chức danh tư pháp là một công việc quan trọng, rất cần thiết, nhưng ở nước ta lại thiếu kinh nghiệm, thiếu đội ngũ giảng viên vừa lành nghề vừa có phương pháp sư phạm; thiếu nhiều phương tiện thông tin, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, nên cần phải quyết tâm lớn và có các giải pháp cụ thể mới đào tạo, bồi dưỡng đạt được kết quả như mong muốn.

Trường Đại học Luật Hà Nội cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy, học tập theo phương châm kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa học và hành, tiến tới xây dựng bộ giáo trình chuẩn về các môn học pháp luật để có thể sử dụng làm tài liệu giảng dạy và học tập cho các cơ sở đào tạo luật khác trong cả nước. Nhà trường cần phải có kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời coi trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học pháp lý.

Ngoài những vấn đề tôi vừa nhấn mạnh trên đây, trong năm 2004, Ngành Tư pháp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp... làm cho công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp