Công tác hành chính tư pháp, những thành tựu và hướng đổi mới

01/01/0001
Công tác hành chính tư pháp (bao gồm công chứng, hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp) là những lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Tư pháp. Cả bốn lĩnh vực chuyên môn nói trên hoặc là mới được hình thành hoặc là mới được chuyển giao từ các bộ khác về Bộ Tư pháp trong khoảng thời gian chưa nhiều, song cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

1. Công tác công chứng.

Được chính thức thành lập từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/1/1991 về Công chứng nhà nước, đến nay, chúng ta đã có một hệ thống công chứng với đầy đủ ý nghĩa của nó. Thống kê tại thời điểm cuối tháng 6/2005 cho thấy, cả nước có 122 phòng công chứng, trong đó thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mỗi địa phương 6 phòng, Hải Phòng, Đồng Nai, Gia Lai, Long An có mỗi địa phương 4 phòng, còn lại các tỉnh, thành phố khác có từ 1 đến 3 phòng. Đội ngũ công chứng viên của cả nước hiện có 353 người, (131 người là nữ, 222 người là nam). Về trình độ chuyên môn có 11 người có trình độ thạc sĩ luật trở lên, 150 người đại học luật chính quy, 191 người đại học luật tại chức, 1 người có trình độ cao đẳng kiểm sát. Về trình độ chính trị có 53 người có trình độ lý luận chính trị cao cấp, 300 người có trình độ lý luận chính trị trung và sơ cấp; 296 người là đảng viên. Phần lớn số công chứng viên đã qua đào tạo nghề công chứng hoặc đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về công chứng. Ngoài đội ngũ công chứng viên nói trên, hiện có khoảng 300 chuyên viên nghiệp vụ (những người có trình độ đại học luật giúp việc cho công chứng viên), khoảng 200 nhân viên khác (kế toán, văn thư, lưu trữ) và khoảng 200 nhân viên hợp đồng đang làm việc tại các phòng công chứng.

Bình quân mỗi năm, các phòng công chứng chứng nhận hàng trăm ngàn hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế v.v. hàng chục ngàn bản dịch, hàng triệu bản sao giấy tờ, văn bằng, tài liệu v.v.. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số các hợp đồng, giao dịch, giấy tờ, văn bằng, tài liệu do phòng công chứng chứng nhận đều bảo đảm tính xác thực và hợp pháp. Vì vậy, uy tín của công chứng đối với xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao - một uy tín có được không phải bằng quyền lực mà bằng vai trò của công chứng trong việc phòng ngừa tranh chấp, bảo đảm an toàn pháp lý của các hợp đồng, giao dịch. Chính vì vậy, mặc dù theo quy định của pháp luật hiện hành thì các loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng là rất ít nhưng trên thực tế có một số lượng rất lớn các hợp đồng, giao dịch do các bên ký kết tự nguyện yêu cầu công chứng (mặc dù pháp luật không bắt buộc phải công chứng) vì họ muốn có sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch đó. Có thể nói, gần 15 năm qua, hoạt động công chứng đã có những đóng góp rất hiệu quả vào sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta cũng như vào các hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong mọi lĩnh vực.

Nhận thấy vai trò quan trọng cũng như những đóng góp tích cực của công chứng, Chính phủ ta đã cho phép hợp tác với Cộng hòa Pháp triển khai trên diện rộng Dự án tin học hóa công chứng. Mục tiêu của Dự án này là áp dụng công nghệ tin học vào hoạt động chuyên môn và quản lý các phòng công chứng trên toàn quốc, xây dựng một mạng tin học công chứng (ITRANOT) kết nối tất cả các phòng công chứng trên toàn quốc với nhau và với các cơ quan quản lý, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu công chứng nhằm phục vụ cho hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý công chứng . Đến nay, Dự án tin học công chứng đang được triển khai tại 57 phòng công chứng và Trung tâm tin học công chứng của Bộ Tư pháp (đặt tại Vụ Hành chính tư pháp), bao gồm các hoạt động như: trang bị phần cứng (phòng nhỏ nhất được trang bị 4 máy trạm và 1 máy chủ, phòng lớn nhất được trang bị 12 máy trạm và 1 máy chủ), cài đặt phần mềm MASTER (phần mềm chuyên dụng trong công chứng do phía Pháp xây dựng), tập huấn việc sử dụng máy tính và phần mềm MASTER cho các công chứng viên và nhân viên phòng công chứng, các hoạt động bảo hành phần cứng, bảo trì phần mềm v.v.. Trong năm 2005 và 2006 Dự án tin học công chứng sẽ được tiếp tục triển khai tại các Phòng công chứng còn lại. Việc đưa công nghệ thông tin vào lĩnh vực công chứng đã và sẽ góp phần nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn và năng lực quản lý đối với lĩnh vực công chứng, hiện đại hóa ngành công chứng Việt Nam.

Ngoài những điểm mạnh nêu trên, hoạt động công chứng ở nước ta cũng đã bộc lộ một số điểm hạn chế bất cập sau đây: Một là, cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của công chứng còn rất hạn chế và thiếu thống nhất; Hai là, việc xác định chức năng của công chứng còn chưa rõ ràng, còn lẫn lộn giữa công chứng với tư cách là một hoạt động nghiệp vụ với chứng thực hành chính của cơ quan hành chính công quyền, do đó đã dẫn tới tình trạng quá tải về chứng nhận bản sao tại một số phòng công chứng lớn; Ba là tính bao cấp trong tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước đang là nguyên nhân cơ bản làm cho hoạt động công chứng bị hành chính hóa, quan liêu hóa, thiếu động lực phát triển; Bốn là, đội ngũ công chứng viên và số lượng phòng công chứng còn quá ít so với yêu cầu, trình độ của đa phần công chứng viên còn rất hạn chế. Những hạn chế nêu trên trong tổ chức và hoạt động công chứng nhất thiết phải được khắc phục một cách cơ bản trong thời gian tới nhằm làm cho ngành công chứng phát triển đáp ứng những yêu cầu của đời sống xã hội và quản lý nhà nước (đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sẽ gia nhập WTO).

Những giải pháp cơ bản để cải cách công chứng trong thời gian tới:

Một là, xây dựng Pháp lệnh Công chứng nhằm làm cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho tổ chức và hoạt động công chứng. Pháp lệnh Công chứng cần phải giải quyết rõ ràng vấn đề chức năng, nhiệm vụ của công chứng, tách biệt hai loại hoạt động: công chứng và chứng thực hành chính để trên cơ sở đó chuyển giao hoàn toàn việc chứng thực bản sao giấy tờ các loại cho Uỷ ban nhân dân (chủ yếu là cấp xã), chuyên nghiệp hóa hoạt động công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế v.v.; khẳng định giá trị pháp lý của văn bản công chứng, điạ vị pháp lý của công chứng viên, đổi mới mô hình tổ chức phòng công chứng cho phù hợp với thực tiễn v.v..

Hai là , từng bước thực hiện xã hội hóa về tổ chức và hoạt động công chứng. Xã hội hóa công chứng đã được khẳng định trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và đã được khẳng định lại trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Xã hội hóa công chứng là giải pháp đúng đắn nhằm khắc phục những nhược điểm về tính chất hành chính, quan liêu của công chứng như đã nêu trên, đồng thời cũng tạo điều kiện về tài chính, nhân lực cho việc phát triển ngành công chứng, không phụ thuộc vào sự hạn hẹp của ngân sách cũng như hạn chế về biên chế công chức của Nhà nước. Xã hội hóa công chứng không có nghĩa là làm mất đi tính chất nhà nước của công chứng và do đó làm hạn chế giá trị pháp lý của văn bản công chứng như một số người vẫn lo ngại. Dĩ nhiên, để thực hiện xã hội hóa công chứng, chúng ta cần phải tiến hành từng bước, giải quyết từng vấn đề thích hợp.

Ba là, tăng cường về số lượng và chất lượng của đội ngũ công chứng viên để mở thêm nhiều phòng công chứng nhằm phục vụ một cách tốt nhất đối với người dân. Mục tiêu của chúng ta là phải xây dựng một mạng lưới công chứng có mặt ở mọi địa bàn cấp huyện để thuận tiện cho người dân, thậm chí những huyện lớn có đông dân cư, địa bàn rộng thì phải có nhiều phòng công chứng. Muốn đạt được mục tiêu đó thì chúng ta không thể theo mô hình mỗi phòng công chứng có ít nhất 3 công chứng viên như hiện nay mà phải chia nhỏ ra, mỗi phòng chỉ cần một công chứng viên, số nhân viên nghiệp vụ có thể theo chế độ hợp đồng lao động. Trong điều kiện xã hội hóa công chứng và trong bối cảnh quan hệ kinh tế quốc tế giữa nước ta với các nước trên thế giới ngày càng phát triển thì bắt buộc các công chứng viên phải có trình độ chuyên môn cao mới có thể hành nghề công chứng được. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ công chứng viên có trình độ chuyên môn cao là hết sức cần thiết. Muốn làm được như vậy thì trước hết cần phải lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất để đào tạo nghề công chứng cho họ. Trong điều kiện xã hội hóa công chứng (công chứng viên không nhất thiết là công chức nhà nước) thì chúng ta có thể tận dụng cả nguồn nhân lực như các thẩm phán, kiểm sát viên, các cán bộ làm công tác pháp luật đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe và có năng lực chuyên môn tốt để bổ nhiệm làm công chứng viên.

2. Công tác hộ tịch.

a. Công tác hộ tịch trong nước.

Bộ Tư pháp tiếp nhận công tác hộ tịch từ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ năm 1987, đến nay đã được 18 năm. Thời gian đầu công tác này còn gặp nhiều khó khăn bởi thiếu sự quan tâm của các cấp chính quyền và của người dân. Trước năm 1999, tỷ lệ đăng ký khai sinh của trẻ em chỉ đạt bình quân 50 %, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này chỉ đạt 30 %, thậm chí có nhiều “vùng trắng” về đăng ký khai sinh. Đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch chuyên trách ở cấp xã chưa được củng cố, hệ thống sổ sách, biểu mẫu hộ tịch chưa được chính thức hóa v.v.. Từ khi ban hành Nghị định số 83/1998/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch, đến nay công tác này đã có bước phát triển vượt bậc. Điều đó thể hiện ở các mặt như: Hệ thống cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch được củng cố từ Trung ương đến cấp cơ sở. Đội ngũ cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã được hình thành và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ một cách hệ thống. Các loại sổ sách, biểu mẫu hộ tịch được chuẩn hóa và thống nhất trên toàn quốc và ở cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài. Sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và của toàn xã hội đối với công tác hộ tịch đã được nâng thêm một bước rõ rệt. Đặc biệt trong các năm từ 2001 đến 2004 các địa phương đã tích cực hưởng ứng chiến dịch đăng ký khai sinh cho trẻ em và chiến dịch đăng ký hôn nhân thực tế do Bộ Tư pháp phát động. Kết quả của hai chiến dịch này là rất lớn với hơn 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh (đạt 94,8 % số trẻ em chưa đăng ký khai sinh đã được rà soát) và hơn 1 triệu trường hợp hôn nhân thực tế được đăng ký (đạt 87,5 % số hôn nhân thực tế được rà soát). Cũng thông qua chiến dịch đăng ký khai sinh nói trên, các địa phương đã cải chính, điều chỉnh thống nhất về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh được ghi trong giấy khai sinh và trong các giấy tờ cá nhân, văn bằng, học bạ của các em học sinh, cơ bản xóa bỏ tình trạng không thống nhất giữa các giấy tờ nói trên. Có thể nói, đến nay công tác hộ tịch đã đi vào nền nếp và phục vụ đắc lực cho các hoạt động quản lý nhà nước và các giao dịch dân sự của người dân. Những thành tựu của công tác hộ tịch, đặc biệt là trong đăng ký khai sinh cho trẻ em, trong những năm gần đây đã được các tổ chức quốc tế và hội nghị quốc tế công nhận như là một điển hình. Trong các hội nghị quốc tế về đăng ký khai sinh cho trẻ em các nước Châu á được tổ chức gần đây tại các nước như Thái Lan, Inđônêxia, Campuchia v.v. báo cáo về những kinh nghiệm của Việt Nam luôn được các đại biểu và Đoàn chủ tịch hội nghị đánh giá cao. Chính vì vậy, ngày 12/4/2005 Tổ chức quốc tế PLAN đã lựa chọn xã Húc Nghì, huyện đakrông, tỉnh Quảng Trị của Việt Nam làm một trong 40 điểm trên thế giới phát động chiến dịch đăng ký khai sinh toàn cầu.

Ngoài những thành tích cơ bản nêu trên, công tác hộ tịch trong những năm qua cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: thủ tục đăng ký còn rườm rà, nặng về giấy tờ quan liêu, việc phân cấp chưa hợp lý (cấp tỉnh còn ôm đồm quá nhiều việc đăng ký hộ tịch), trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã còn yếu, tác phong làm việc còn thụ động, trách nhiệm chưa cao, tình trạng sách nhiễu trong đăng ký hộ tịch đã xuất hiện ở một số địa phương và có nguy cơ phát triển. Xuất phát từ tình hình đó, nhiệm vụ quan trọng trong công tác hộ tịch trong thời gian tới là phải quán triệt tinh thần cải cách hành chính, phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã, đơn giản hóa và thông thoáng hóa thủ tục đăng ký, tạo mọi điều kiện thuận tiện cho người dân để khuyến khích người dân đăng ký hộ tịch, đề cao trách nhiệm và tính chủ động của cán bộ làm công tác hộ tịch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong trong công tác hộ tịch, v.v. Những vấn đề này đã được Bộ Tư pháp nghiên cứu và đưa vào dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch.

b. Công tác hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

Trong những năm gần đây, do chính sách mở cửa của Nhà nước ta nên quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cũng phát triển ngày càng nhanh. Tính từ năm 1995 đến nay, số vụ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người Đài Loan đã lên đến hơn 90.000 (chiếm hơn 80 % số vụ kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, nói chung). Có thể nói, việc phát triển của quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài càng làm phong phú thêm, bền chặt thêm các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội giữa nước ta với các nước khác. Mặt khác, tính chất của những vụ việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, đặc biệt là kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với đàn ông Đài loan cũng đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực như: động cơ kết hôn không lành mạnh, hoạt động môi giới hôn nhân nhằm mục đích trục lợi của một số cá nhân, tổ chức đã xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ v.v.. Để khắc phục những hạn chế, tiêu cực nêu trên Bộ Tư pháp đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/2002/CT-TTg ngày 25/2/2005 về tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó chỉ đạo các địa phương áp dụng các biện pháp đấu tranh chống môi giới hôn nhân bất hợp pháp, tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình trong nhân dân, tăng cường biện pháp phỏng vấn để loại trừ những trường hợp kết hôn không lành mạnh, không phù hợp với nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của Luật Hôn nhân và gia đình (các biện pháp này cũng đã được bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2002/NĐ-CP mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2005). Số vụ kết hôn có yếu tố nước ngoài tăng nhanh thì số vụ ly hôn cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng. Tính từ năm 1999 đến hết năm 2004 Bộ Tư pháp đã xem xét công nhận và cho ghi chú vào sổ hộ tịch 6.322 bản án, quyết định ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa công dân Việt Nam với nhau do Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết.

3. Công tác quốc tịch.

Công tác quốc tịch được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Tư pháp từ năm 1993. Trong bối cảnh di dân quốc tế từ Việt Nam ra các nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam qua các thời kỳ tương đối đông, vấn đề quốc tịch cũng trở nên rất sôi động chứ không còn là chuyện cá biệt như những thập kỷ trước đây. Từ 1993 đến nay Bộ Tư pháp đã xử lý hồ sơ và trình Chủ tịch nước quyết định cho hơn 50.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài và giải quyết 70 trường hợp người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam. Trong năm 2004 và nửa đầu năm 2005, Bộ Tư pháp đã tích cực hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương giải quyết vấn đề quốc tịch và hộ tịch cho hơn 46.000 Việt kiều từ Campuchia trở về đang định cư ở các tỉnh, thành phố phía Nam để tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống. Hiện nay, các tỉnh, thành phố phía Nam đang tích cực giải quyết vấn đề này. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng thủ tục giải quyết các việc quốc tịch theo quy định hiện hành vẫn còn nhiều phiền phức, trong khi trình độ nghiệp vụ của cán bộ làm công tác quốc tịch của các địa phương còn hạn chế vì vậy tốc độ giải quyết rất chậm. Có những hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần mất hàng năm trời mà vẫn không xong. Vì vậy, trong thời gian tới cần thiết phải cải tiến các thủ tục hành chính trong giải quyết các việc quốc tịch mới có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác này.

4. Về quản lý lý lịch tư pháp.

Lý lịch tư pháp là loại lý lịch ghi nhớ các án tích của những người can án. Ngoài ra lý lịch tư pháp cũng có thể ghi nhớ các phán quyết khác của Tòa án đối với cá nhân có liên quan như: cấm một số quyền dân sự, tước một số quyền làm cha, mẹ đối với con, tước quyền thừa kế, mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự v.v.. Việc ghi nhớ các phán quyết nêu trên của Tòa án đối với cá nhân là rất quan trọng để phục vụ cho việc thi hành các bản án, quyết định đó cũng như nhằm phục vụ cho hoạt động tố tụng và quản lý hành chính nhà nước. Công tác quản lý lý lịch tư pháp của Ngành Tư pháp chỉ mới thực sự bắt đầu từ sau khi ban hành Thông tư liên tịch số 07/1998/TTLT giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về cấp phiếu lý lịch tư pháp. Hiện nay, bình quân mỗi năm các Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan công an xác minh và cấp ra hàng trăm ngàn phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân để sử dụng trong các việc như xuất cảnh, xin việc làm ở các công ty nước ngoài, thành lập doanh nghiệp v.v.. Có thể nói, yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp thay thế cho lý lịch chính trị (tức là loại lý lịch trong đó khai rõ không chỉ lịch sử của cá nhân mà còn khai cả lịch sử của các thành viên trong gia đình) đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh giao lưu quốc tế ngày càng phát triển. Mặc dầu vậy, công tác quản lý lý lịch tư pháp hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập: Một là, chúng ta chưa xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp theo đúng yêu cầu của công tác này nên việc cấp phiếu lý lịch tư pháp chủ yếu phải dựa vào dữ liệu tàng thư căn cước can phạm của Ngành Công an; Hai là, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp còn rườm rà, thời gian quá dài (có trường hợp kéo dài 2 tháng) do sự phối hợp giữa cơ quan công an và tư pháp chưa tốt. Để khắc phục tình trạng nêu trên và để đưa công tác quản lý lý lịch tư pháp vào nền nếp, hiện nay Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng Pháp lệnh Lý lịch tư pháp để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trước mắt, các Sở tư pháp cần phối hợp tốt với cơ quan công an cấp tỉnh để rút ngắn thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp. Mặt khác cần kiên quyết chống mọi hành vi tiêu cực, sách nhiễu hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp.

Tóm lại, công tác hành chính tư pháp tuy đã đạt được một số thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm, phải cải tiến thì mới đáp ứng được những yêu cầu bức thiết về phía người dân cũng như về quản lý nhà nước.

TS. Trần Thất - Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp