Nhìn lại 7 năm thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách

01/01/0001
1. Khái quát về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Nói một cách chung nhất, trợ giúp pháp lý là việc giúp đỡ pháp lý (tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện, bào chữa, kiến nghị) miễn phí của Nhà nước và xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật nhằm giải toả vướng mắc pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật để họ tự mình biết cách ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

1.1. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, thực hiện nguyên tắc Hiến định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm khắc phục những tiêu cực vốn có của nền kinh tế thị trường. Cùng với việc đổi mới kinh tế, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nhằm “thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”, “vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (1). Để thực hiện các mục tiêu trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quan tâm chỉ đạo: “... Cần phải mở rộng loại hình tư vấn pháp luật phổ thông, đáp ứng nhu cầu rộng rãi, đa dạng của các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật và ứng xử pháp luật của công dân trong quan hệ đời sống hàng ngày...; cần nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền để hướng dẫn nhân dân sống và làm việc theo pháp luật” (2); Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tiếp tục khẳng định cần “tổ chức hình thức tư vấn pháp luật cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí…” (3).

Ngày 21/5/2002 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đến 2010 nhằm mục đích chung là “tạo môi trường tăng trưởng nhanh, bền vững và xoá đói, giảm nghèo”, trong đó đã xác định rõ: “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường trợ giúp pháp lý và khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật” (4). Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách được coi là một trong những chính sách của Chiến lược.

Để thể chế hoá chủ trương, Nghị quyết của Đảng, ngày 6/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách. Nhằm tăng cường hoạt động phối hợp giữa các ngành, các cấp trong hoạt động trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động, đưa hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, ngày 01/3/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý. Ngày 6/6/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 734/TTg và Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan soạn thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều địa phương, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt các quan điểm của Đảng về trợ giúp pháp lý và ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả, tạo nên cơ chế đưa chủ trương, chính sách xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đáp ứng kịp thời nhu cầu cần được giúp đỡ pháp luật của người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số được các ngành, các cấp đồng tình ủng hộ và đông đảo quần chúng nhân dân hoan nghênh.

1.2. Dưới góc độ quản lý, xét về mặt bản chất, hoạt động trợ giúp pháp lý là chức năng xã hội của Nhà nước pháp quyền, thể hiện bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhân dân cần có sự giúp đỡ và bảo vệ của Nhà nước và pháp luật. Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý vừa là hình thức, vừa là nội dung thể hiện mối quan hệ hữu cơ, bình đẳng giữa Nhà nước và công dân. Trợ giúp pháp lý là quyền của mỗi công dân và là chức năng xã hội, là trách nhiệm của Nhà nước, bảo đảm đưa pháp luật vào cuộc sống của mọi tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật.

1.3. Tổ chức trợ giúp pháp lý không chỉ góp phần đưa chủ trương, chính sách xoá đói, giảm nghèo về mặt pháp luật, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống mà còn tạo ra cơ chế bảo đảm cho mọi công dân dù giàu hay nghèo đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tiếp cận với dịch vụ pháp lý như nhau trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường.

1.4. Trợ giúp pháp lý ra đời đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí pháp lý và ý thức pháp luật để cho nhân dân tự mình biết cách ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật, tự mình sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trên cơ sở đó góp phần làm lành mạnh quan hệ xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý mà phát hiện được sự chồng chéo, thiếu đồng bộ và không phù hợp của hệ thống pháp luật và sự bất cập trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, của hoạt động công vụ. Từ đó hoạt động trợ giúp pháp lý sẽ có những kiến nghị cần thiết góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện bộ máy nhà nước và nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.

2. Một số kết quả về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua.

2.1. Về xây dựng tổ chức trợ giúp pháp lý.

Để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 734/TTg và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Thành uỷ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương. Ơ cấp Trung ương có Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp và các Chi nhánh của Cục Trợ giúp pháp lý tại thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên; ở cấp tỉnh có 64 Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp của 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, hướng hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thành lập các Chi nhánh hoặc Tổ trợ giúp pháp lý (Tổ cộng tác viên) ở cấp huyện và cấp xã. Đến nay, toàn quốc đã có 606 Chi nhánh, Tổ trợ giúp pháp lý thuộc các Trung tâm đặt tại Phòng Tư pháp cấp huyện và hơn 100 điểm trợ giúp pháp lý cấp xã (5). Một số tỉnh đã thành lập thí điểm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; Hòm thư trợ giúp pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân dễ tiếp cận, kịp thời giải đáp các vướng mắc pháp luật của người dân ngay tại cơ sở, góp phần nâng cao ý thức pháp luật để người dân ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật và giảm bớt khiếu kiện vượt cấp.

Cùng với việc xây dựng, củng cố, kiện toàn các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, Bộ Tư pháp đã phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ các các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Luật gia; Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội luật gia Hà Nội…) thành lập thí điểm Trung tâm (Văn phòng) tư vấn pháp luật miễn phí cho các thành viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn và tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.

2.2. Về xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các ngành và các cấp chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ của các Trung tâm đã từng bước được củng cố và tăng cường. Đến nay các tổ chức trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã có 423 chuyên viên trợ giúp pháp lý. Đa số các Trung tâm có từ 4-5 chuyên viên và 1 kế toán chuyên trách, một số Trung tâm có 7 - 10 biên chế như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa, Cần Thơ, Cà Mau, Lâm Đồng, Gia Lai... Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số Trung tâm chưa có đủ biên chế, chỉ có 2 đến 3 người như: Phú Yên, Quảng Nam, Nam Định… Nhìn chung, đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng, chưa tương xứng với nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày một tăng của nhân dân. Một số Trung tâm sắp xếp cán bộ không ổn định, thường xuyên bị thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động (6).

Để khắc phục tình trạng thiếu biên chế, nhằm huy động mọi lực lượng xã hội có đủ điều kiện tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của nhân dân, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của cộng tác viên kèm theo Quyết định số 358/ QĐ-BTP ngày 15/8/2003 (thay thế Quyết định số 459/ 1998/QĐ-BTP ngày 03/6/1998 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và chỉ đạo các Sở Tư pháp xây dựng đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến hết năm 2003, trong toàn quốc đã có 6.464 người là cộng tác viên của các tổ chức trợ giúp pháp lý (bình quân mỗi tổ chức TGPL có 100 cộng tác viên), trong đó có 1.287 cộng tác viên cấp tỉnh và 1.623 cộng tác viên cấp huyện, còn lại là cộng tác viên cấp xã. Trung tâm có số cộng tác viên lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh: 848 người, Cần Thơ: hơn 200 người, Hà Nội: 193 người, Quảng Trị: 189 người… Tuy nhiên, vẫn còn một số Trung tâm có ít cộng tác viên như Vĩnh Long: 17 người, Quảng Ngãi: 16 người, Phú Yên: 14 người, (7)... Đội ngũ cộng tác viên TGPL trong thời gian qua không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển và tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí một cách tích cực và có hiệu quả cho người nghèo và đối tượng chính sách, đặc biệt hầu hết các vụ đại diện, bào chữa theo yêu cầu của đối tượng đều do các cộng tác viên là Luật sư đảm nhiệm.

Nhằm tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý, hàng năm, Cục Trợ giúp pháp lý đều tổ chức các lớp tập huấn toàn quốc để cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Giám đốc Trung tâm và chuyên viên trợ giúp pháp lý. Trong khuôn khổ hoạt động của các Dự án hợp tác với một số tổ chức quốc tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản lý dự án, quản lý hồ sơ, kỹ năng khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, phương pháp tiếp cận khung logic, phương pháp tập huấn cùng tham gia… nhằm trang bị cho lãnh đạo và các chuyên viên trợ giúp pháp lý của các Trung tâm trợ giúp pháp lý kiến thức quản lý, kỹ năng tập huấn, bảo đảm cho việc thực hiện Dự án có hiệu quả. Sau khi tham dự các lớp tập huấn do Bộ tổ chức, các Trung tâm trợ giúp pháp lý đều đã tổ chức tập huấn lại cho các chuyên viên và cộng tác viên tại địa phương. Các lớp tập huấn đã tạo điều kiện cho tất cả các chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương kịp thời cập nhật kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

2.3. Về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.

Tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách ra đời ở Việt Nam mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế nên được các Chính phủ và tổ chức phi Chính phủ quốc tế quan tâm hợp tác hỗ trợ, góp phần không nhỏ trong việc tăng cường năng lực cho các tổ chức trợ giúp pháp lý và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp. Đến nay đã có 8 tổ chức quốc tế: Tổ chức phi Chính phủ về hợp tác và phát triển quốc tế Hà Lan (NOVIB), Tổ chức hợp tác và phát triển Thụy Sỹ (SDC), Tổ chức phát triển quốc tế Sida (Thụy Điển), Tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển (SCS), Viện nhân quyền Đan Mạch (DIHR), Quỹ Châu á (the Asia foundation), Tổ chức phát triển quốc tế Canada - Newzeland (Cida - NZAID) và UNDP đều có Dự án ở những mức độ khác nhau hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý ở Việt Nam. Các Dự án đều tập trung hỗ trợ cho Cục Trợ giúp pháp lý và 55 Trung tâm Trợ giúp pháp lý về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc thiết yếu như: máy vi tính, máy photocopy, sách, tài liệu pháp luật, xe máy phục vụ trợ giúp pháp lý lưu động; kinh phí tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, toạ đàm và thù lao cho luật sư tham gia đại diện, bào chữa cho đối tượng. Hiện nay, Cục Trợ giúp pháp lý đang cùng các nhà tài trợ nghiên cứu xây dựng dự án chung của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho tất cả các Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày một tăng của nhân dân.

2.4. Về kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trợ giúp pháp lý.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ khi thành lập (năm 1998) đến hết năm 2004, Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện được 495.966 vụ việc cho 516.205 lượt đối tượng, trong đó tư vấn pháp luật 443.558 vụ; bào chữa 17.005 vụ; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho đương sự là 5.970 vụ; kiến nghị 5.515 vụ và tham gia hòa giải 6.535 vụ. Riêng trong năm 2004, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện được 94.630 vụ việc, trong đó có 74.726 vụ tư vấn pháp luật; 1.765 vụ cử luật sư bào chữa ; 73 vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đương sự; 466 vụ kiến nghị và 217 vụ hoà giải cho 99.164 đối tượng, trong đó có 31.458 người nghèo; 12.027 đối tượng chính sách; 21.779 người dân tộc; 2.132 trẻ em, còn lại là các đối tượng khác (8). Các vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp luật: đất đai - nhà ở, dân sự, hôn nhân - gia đình, hành chính, khiếu nại, tố cáo, hình sự, lao động và chế độ chính sách. Nhiều vụ việc phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến giảm lòng tin của đối tượng đối với pháp luật của Nhà nước đã được các tổ chức trợ giúp pháp lý hướng dẫn, giải quyết dứt điểm, giải toả những vướng mắc pháp luật góp phần giảm bớt tranh chấp và khiếu kiện trong nhân dân.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các vụ việc cụ thể tại trụ sở và trợ giúp pháp lý lưu động, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng triệu lượt người. Để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho nhân dân, hướng dẫn đối tượng xử sự phù hợp với pháp luật, chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật, Cục Trợ giúp pháp lý đã in ấn trên 50 loại tờ gấp pháp luật với hơn 3 triệu tờ về các lĩnh vực: hình sự, tố tụng hình sự; khiếu nại, tố cáo; xử phạt vi phạm hành chính; tố tụng hành chính; hôn nhân gia đình; hộ tịch; công chứng; giám định; đất đai - nhà ở; hợp đồng dân sự; thừa kế; chính sách đối với người có công v.v., phát hành gần 200 ngàn cuốn cẩm nang pháp luật về các lĩnh vực pháp luật khác nhau và 45 ngàn cuốn Đặc san trợ giúp pháp lý (2 tháng/số) (9) cho các Trung tâm để phát miễn phí cho đối tượng trợ giúp pháp lý. Một số Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc (Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...) đã tổ chức in ấn, phát hành tờ gấp pháp luật, băng cátset bằng tiếng dân tộc để phát rộng rãi cho đồng bào dân tộc. Nhiều địa phương đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý trên báo, đài, truyền hình địa phương, qua loa phóng thanh tại thôn, xã, cụm dân cư với thời lượng phát sóng cao vào các giờ cao điểm.

Để phổ cập pháp luật cho nhân dân và tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, được phép của Bộ Văn hoá - Thông tin, Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp trong việc tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhân dân biết để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của mình khi có yêu cầu.

Thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức tư vấn pháp luật, hoà giải, đại diện, bào chữa, kiến nghị, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng, các tổ chức trợ giúp pháp lý đã giúp đối tượng nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức pháp luật để họ ứng xử phù hợp với pháp luật, thực hiện pháp luật, giải toả vướng mắc pháp luật, giảm khiếu kiện vượt cấp, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời giúp các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp giải quyết vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và kịp thời cho đối tượng, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nhìn chung, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương, bao gồm Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Chi nhánh, tổ trợ giúp pháp lý ở cấp huyện, cấp xã và từng bước được củng cố, kiện toàn. Một số Trung tâm đã được bố trí trụ sở làm việc riêng, được cấp phương tiện, trang thiết bị làm việc và kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng bước được củng cố và tăng cường, được cập nhật kiến thức pháp luật mới và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp. Đội ngũ cộng tác viên không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của nhân dân.

Thực tiễn hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng về việc thành lập và phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý ở nước ta là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Các tổ chức trợ giúp pháp lý đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giúp đỡ pháp lý cho đông đảo người nghèo, các đối tượng chính sách và một số đối tượng khác, đồng thời trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống pháp luật của xã hội. Hoạt động của các tổ chức trợ giúp pháp lý đã góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tạo lập cơ chế thực hiện nguyên tắc Hiến định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm công bằng xã hội; góp phần giữ vững và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động trợ giúp pháp lý có những thận lợi rất cơ bản, đó là: được Đảng quan tâm, chỉ đạo, kịp thời có chủ trương và Nghị quyết đúng đắn về việc thành lập tổ chức tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Nhà nước đã coi hoạt động trợ giúp pháp lý là một trong những chức năng xã hội của Nhà nước, là một chính sách trong Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo quốc gia. Nhà nước đã kịp thời thể chế hoá chủ trương, Nghị quyết của Đảng về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thành lập tổ chức, triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân.

Hoạt động trợ giúp pháp lý đã có những đóng góp nhất định vào sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với đường lối đổi mới toàn điện đất nước của Đảng và nguyện vọng của quần chúng nhân dân nên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, tổ chức từ Trung ương tới địa phương và sự hưởng ứng, hoan nghênh của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên đây, trong quá trình xây dựng tổ chức và triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, các tổ chức trợ giúp pháp lý còn gặp những khó khăn, vướng mắc sau đây:

- Nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý còn chưa đầy đủ: Việc quán triệt quan điểm của Đảng về hoạt động trợ giúp pháp lý của một số cơ quan, ban ngành chưa đầy đủ, thường xuyên dẫn đến nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp còn chưa đầy đủ và chưa thống nhất. Do vậy, ở một số địa phương, tổ chức trợ giúp pháp lý còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức về biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động.

- Hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh toàn diện các quan hệ trợ giúp pháp lý phát sinh: Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý có hiệu lực pháp lý chưa cao, thiếu đồng bộ và chưa có sự thống nhất với các văn bản pháp luật khác có liên quan, chưa điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Nhiều vấn đề mang tính nguyên tắc như vị trí pháp lý của người làm công tác trợ giúp pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của họ trong hoạt động tố tụng; cơ chế phối hợp giữa tổ chức trợ giúp pháp lý với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác trong hoạt động trợ giúp pháp lý; mức độ tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp còn hạn chế do thiếu nguồn lực và chưa có cơ chế bảo đảm v.v.

- Đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý còn thiếu về số lượng và chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động trợ giúp pháp lý: Hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý được thành lập trong thời điểm Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính, tinh giảm biên chế nên nhiều Trung tâm chưa được bố trí đủ cán bộ chuyên trách ở mức tối thiểu. Là hoạt động rất mới mẻ ở Việt Nam nên đội ngũ cán bộ trợ giúp pháp lý nói chung chưa được đào tạo kỹ năng cơ bản, chưa có nhiều kinh nghiệm đòi hỏi phải tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý trong tương lai;

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và kinh phí hoạt động còn thiếu thốn và hạn chế: Nhiều Trung tâm trợ giúp pháp lý còn chưa có trụ sở riêng, nơi tiếp đối tượng còn chật hẹp hoặc không thuận tiện cho dân tiếp cận; thiếu trang thiết bị làm việc và phương tiện phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý thiết yếu như máy vi tính, máy photocopy, tủ sách pháp luật…; kinh phí dành cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các địa phương nghèo còn rất hạn chế.

- Chưa có cơ chế phối hợp có hiệu quả của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp trong hoạt động trợ giúp pháp lý: Do hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật tố tụng nên chưa tạo ra cơ chế phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Hiện tại các tổ chức trợ giúp pháp lý rất khó có thể cử chuyên viên trợ giúp pháp lý tham gia đaị diện, bào chữa cho đối tượng trước cơ quan tiến hành tố tụng, trừ một số địa phương (Lào Cai, Lai Châu, Hà Nội…) có chương trình phối hợp giữa ngành tư pháp với cơ quan tiến hành tố tụng. Nhiều cơ quan, đơn vị khi nhận được kiến nghị của tổ chức trợ giúp pháp lý với đầy đủ căn cứ pháp lý nhưng chưa dành thời gian nghiên cứu, trả lời theo đúng quy định. Thậm chí có trường hợp không trả lời và không giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, vượt cấp làm mất niềm tin của đối tượng vào pháp luật và bộ máy nhà nước.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.

Để khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong đời sống xã hội, nhằm đạt được mục đích, ý nghĩa đích thực của hoạt động trợ giúp pháp lý trong thực tiễn, góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng vào cuộc sống, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Đảng và Nhà nước cần có chính sách tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức trợ giúp pháp lý, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và cộng tác viên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong phạm vi, trên tất cả các lĩnh vực, cho tất cả đối tượng bằng nhiều hình thức, phương thức trợ giúp pháp lý, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý đa dạng và ngày một tăng của nhân dân. Trong những năm trước mắt cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

3.1. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, Ban Bí thư Trung ương Đảng cần ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác trợ giúp pháp lý, trong đó đưa ra những định hướng, quan điểm chỉ đạo để nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội đối với công tác trợ giúp pháp lý; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác trợ giúp pháp lý; tạo cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị vào công tác trợ giúp pháp lý, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước, huy động các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và toàn xã hội tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

3.2. Để tạo cơ sở pháp lý có hiệu lực cao, điều chỉnh toàn diện các quan hệ trợ giúp pháp lý nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Dự án Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý trình Chính phủ để Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) xem xét, ban hành và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý ngay sau khi Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý có hiệu lực thi hành.

3.3. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cần xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các lực lượng xã hội tích cực tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa các tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, thực hiện đa dạng hóa các mô hình và hình thức trợ giúp pháp lý, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý phong phú, đa dạng của nhân dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp có liên quan đến hoạt động tố tụng cần xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công An về việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Để thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý và thực hiện trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện thông tin cần xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Văn hóa Thông tin về việc phối hợp giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan thông tin đại chúng trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

3.4. Tiếp tục củng cố, kiện toàn các tổ chức trợ giúp pháp lý hiện có; phát triển mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý ở cấp huyện và cấp xã để thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý của tư pháp cấp huyện và tư pháp cấp xã được quy định tại Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ, Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 06/01/2004 của Bộ trưởng Bộ nội vụ và Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-TP-NV ngày 05/5/2005 của Liên bộ Tư pháp, Nội vụ.

3.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên trợ giúp pháp lý đủ về số lượng và nâng cao về chất lượng. Các cấp chính quyền cần quan tâm bảo đảm cho các tổ chức trợ giúp pháp lý có đủ đội ngũ cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý ở mức tối thiểu, ít nhất mỗi lĩnh vực pháp luật phải có một chuyên viên chuyên sâu về một lĩnh vực đó đảm nhiệm. Để khắc phục hạn chế về biên chế, cần mở rộng và tăng cường đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, có chính sách để thu hút các chuyên gia pháp luật, luật sư, người có đủ điều kiện và tiêu chuẩn lam cộng tác viên tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật mới, kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và đạo đức nghề nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất chính trị và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần phục vụ nhân dân.

3.6. Tăng cường năng lực hoạt động cho các tổ chức trợ giúp pháp lý. Các ngành, các cấp cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị, phương tiện làm việc thiết yếu để các tổ chức trợ giúp pháp lý có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trợ giúp pháp lý da dạng và ngày một tăng của nhân dân.

1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 129.

2. Thông báo số 485/CV-VPTW ngày 31/5/1995 của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

3. Nghị Quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII).

4. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 2685/VPCP-QHQT ngày 21/5/2002. Hà Nội, 5/2002, tr. 69.

5. Báo cáo số 165/TGPL-NV ngày 20/5/2004 của Cục Trợ giúp pháp lý về kết quả 7 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, tr. 4.

6. Báo cáo số 165/TGPL-NV ngày 20/5/2004 của Cục Trợ giúp pháp lý về kết quả 7 năm thực hiện Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính, tr. 5

7. Tài liệu đã dẫn, tr. 5.

8. Báo cáo số 404/BC-TGPL ngày 10/11/2004 của Cục Trợ giúp pháp lý về công tác trợ giúp pháp lý năm 2004 và kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2005 , tr. 5.9. Xem Báo cáo số 165/CTGPL-NV ngày 20/5/2004 của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, tr. 7.

9. Xem Báo cáo số 165/CTGPL-NV ngày 20/5/2004 của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, tr. 7.

TS. Trần Huy Liệu - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp