Trường Đại học Luật Hà Nội - trung tâm đào tạo, nghiên cứu và truyền bá pháp lý của ngành Tư pháp và đất nước

01/01/0001
Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở thống nhất Khoa luật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Trường Cao đẳng Pháp lý. Thời kỳ đầu, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lý Hà Nội. Ngày 6 tháng 7 năm 1993, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Luật Hà Nội. Nhiệm vụ của Trường là đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ luật học; tổ chức nghiên cứu và ứng dụng khoa học pháp lý; tham gia vào các hoạt động xây dựng, giáo dục, phổ biến pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Khi mới được thành lập, Trường đã gặp rất nhiều khó khăn: Đội ngũ cán bộ, viên chức chỉ có 67 người, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập hầu như không có. Trường lại ở cách xa Hà Nội hơn 17 km, cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện làm việc và đời sống của cán bộ, giáo viên và sinh viên hết sức khó khăn. Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường đã nhất trí đề cao tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ và tinh thần vượt khó, quyết tâm phấn đấu, nguyện làm “người lính đi đầu” trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu luật học của đất nước. Với tinh thần đó, chỉ sau 4 tháng, ngày 7/3/1980, Trường đã tổ chức khai giảng khoá học mới hệ đại học luật chính quy. Tại lễ khai giảng này, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Đảng và Nhà nước về dự và có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh phải xây dựng Trường trở thành: “Trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, Trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”. Cùng với việc tổ chức chiêu sinh và đào tạo các khoá học mới, Trường tiếp tục thực hiện việc đào tạo các khóa đại học chính quy I, II, III do Khoa Luật Đại học Tổng hợp Hà Nội chiêu sinh từ năm 1976, 1977, 1978. Tháng 10/1980, Trường đã tổ chức bế giảng và cấp bằng tốt nghiệp cho 67 sinh viên khoá I - Khoá đại học Luật đầu tiên được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, Trường Đại học Luật Hà Nội đã vinh dự là cái nôi của đội ngũ luật gia có trình độ đại học luật hệ chính quy đầu tiên được đào tạo một cách cơ bản, có hệ thống bằng nội lực của Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, đưa Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và truyền bá pháp luật lớn của ngành và của đất nước. Quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Luật Hà Nội đã trải qua một số giai đoạn cơ bản sau đây:

- Giai đoạn thứ nhất (11/1979 - 11/1989): Nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra là ổn định tổ chức; khẩn trương xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo của 3 hệ: Trung cấp, cao đẳng và đại học; giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và đời sống của cán bộ, giáo viên và sinh viên.

- Giai đoạn thứ hai (11/1989 - 11/1999): Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là đổi mới tư duy pháp lý, tiếp tục củng cố tổ chức, đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ; đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng giáo trình tài liệu giảng dạy và học tập; phát triển nguồn lực tài chính, nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống thông tin thư viện, cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập và làm việc; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

- Giai đoạn thứ ba, từ tháng 11/1999 đến nay: Nhiệm vụ trọng tâm của Trường được xác định là tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của Trường đi vào chiều sâu, thực hiện 5 chương trình hành động là: (1) Đổi mới công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên và đổi mới công tác quản lý nhà trường; (2) Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo các hệ của Trường Đại học Luật Hà Nội (3) Đổi mới công tác khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế; (4) Đổi mới công tác tư tưởng, đổi mới phương thức tổ chức hoạt động của Đảng, đoàn thể và công tác sinh viên; (5) Đổi mới công tác quản lý tài chính, tăng cường nguồn lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho đạo tạo và nghiên cứu khoa học.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư pháp, sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, các luật gia và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những bước phát triển cơ bản, toàn diện, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng đội ngũ luật gia có trình độ cao, xây dựng hệ thống khoa học pháp lý Việt Nam và tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra.

1. Xây dựng đội ngũ và phát triển bộ máy tổ chức.

Nhận thức rõ vị trí vai trò của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong nhà trường đại học, trong 25 năm qua, Nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có đủ trình độ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với chính sách “chiêu hiền”, thu hút cán bộ giỏi về công tác tại Trường, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, 25 năm qua đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường đã có bước phát triển vượt bậc và Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo luật có đội ngũ cán bộ, giáo viên đông đảo và mạnh nhất ở nước ta. Hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội có 446 cán bộ, giáo viên, bao gồm 245 giáo viên và 199 cán bộ, viên chức khác, trong đó có 07 giáo sư và phó giáo sư, 48 tiến sĩ, 138 thạc sĩ, 7 nhà giáo ưu tú, 77 giảng viên chính và 170 giảng viên. Sau 26 năm, số lượng cán bộ giáo viên của Trường đã tăng hơn 6,6 lần, đội ngũ giáo viên tăng 14,5 lần, số cán bộ, giáo viên có học hàm, học vị tăng hơn 40 lần. Trong xây dựng đội ngũ, Trường đã và đang chú trọng đúng mức tới công tác cán bộ nữ. Hiện nay, số cán bộ, giáo viên nữ của Trường có học vị thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 46,5%, trong đó số có học vị tiến sĩ chiếm 32%. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, Trường luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ và tin học. Đến nay, 100% giáo viên của Trường đã được học qua các lớp bồi dưỡng kiến thức sư phạm và tâm lý giáo dục; đa số cán bộ, giáo viên của Trường có trình độ ngoại ngữ C và trên C, hầu hết giáo viên của Trường có khả năng sử dụng thành thạo máy vi tính và các phương tiện giảng dạy hiện đại; 100% chuyên viên được đào tạo qua các lớp tin học, có thể sử dụng máy vi tính trong công việc hàng ngày.

Tổ chức bộ máy của Trường ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh các khoa, bộ môn trực thuộc và các phòng ban chức năng đã được kiện toàn, các trung tâm nghiên cứu khoa học, Tạp chí Luật học đã được thành lập để góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học. Đồng thời, các cơ cấu tổ chức nhằm thực hiện việc mở rộng quan hệ hợp tác và thực hiện các dự án quốc tế được củng cố và tăng cường.1

2. Công tác đào tạo.

Công tác đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những bước phát triển lớn, thể hiện ở những mặt sau đây:

Thứ nhất,Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học lớn nhất ở Việt Nam. Đội ngũ giáo viên của Trường đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có thể đảm nhận được tất cả các bộ môn khoa học thuộc chương trình đào tạo của các hệ.

Thứ hai,với năng lực của mình, Trường Đại học Luật Hà Nội sớm trở thành cơ sở có tất cả các hệ đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đại học đến cao học và tiến sĩ luật học. Từ năm 1992, Trường đã được giao đào tạo sau đại học và đến nay, Trường đã thực hiện 6 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ luật học2 và đang hợp tác với những trường đại học có uy tín cao về đào tạo luật của nước ngoài như Đại học Pari II của Cộng hoà Pháp và Đại học Lund của Vương quốc Thụy Điển để đào tạo Cao học Luật bằng tiếng Pháp và tiếng Anh tại Trường.

Thứ ba,mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo của Trường không ngừng đổi mới và hoàn thiện. Hiện nay, các chương trình đào tạo cử nhân đại học, thạc sĩ và tiến sĩ của Trường đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, bảo đảm tính khoa học, tính hiện đại và tính liên thông giữa các chương trình và giữa các chuyên ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của đất nước, từng bước tiếp cận với xu hướng đào tạo luật của các nước trong khu vực và thế giới.3 Trường cũng đã góp phần quan trọng vào việc tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng chương trình khung đào tạo đại học ngành luật để áp dụng cho các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam. Là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp, Trường luôn gắn các hoạt động đào tạo của Trường với sự nghiệp xây dựng ngành và cải cách tư pháp: Trường đã tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo cán bộ của Ngành Tư pháp, Toà án và các cơ quan trong khối nội chính, khắc phục tình trạng thiếu cán bộ pháp lý trầm trọng đã diễn ra trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước, tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng, luân huấn và đào tạo cán bộ tư pháp cơ sở; đào tạo cán bộ pháp lý có trình độ cao để từng bước thực hiện tiêu chuẩn hoá cán bộ của ngành và của đất nước.

Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, Trường đã sớm đầu tư và tổ chức áp dụng các phương pháp và công nghệ đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường cũng đã đẩy mạnh việc đầu tư, hiện đại hóa công tác đào tạo, tin học hóa hệ thống thông tin, thư viện và xây dựng các phòng học chuẩn có trang thiết bị hiện đại để áp dụng các phương pháp và công nghệ đào tạo mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ tư,để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ cán bộ pháp lý có trình độ cao cho đất nước, Trường đã mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý và thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo theo hướng chú trọng quy mô đào tạo hệ chính quy, giữ quy mô đào tạo hệ không chính quy ở mức độ hài hoà với hệ chính quy, bảo đảm tỷ lệ giáo viên/sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh một cách hợp lý theo tiêu chí khoa học, bảo đảm chất lượng đào tạo đồng thời tạo điều kiện để góp phần xây dựng một xã hội học tập. Hiện nay, quy mô đào tạo của Trường là 12.000 người, trong đó 4.300 sinh viên đại học hệ chính quy, 1.500 sinh viên đại học hệ văn bằng hai, 5.000 sinh viên hệ tại chức, 260 học viên cao học và nghiên cứu sinh, hơn 1000 học sinh hệ trung cấp. Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, không ngừng nâng cao trình độ của cán bộ đã có bằng đại học luật hiện đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, nhà trường chủ trương mở rộng loại hình bồi dưỡng sau đại học theo chuyên đề.

Thứ năm,công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên được thực hiện chặt chẽ, chất lượng đào tạo được củng cố và không ngừng nâng cao. Kết quả khảo sát của Dự án 877/2000 đã cho thấy các cơ quan, ban ngành ở Trung ương và địa phương, giới luật gia và dư luận xã hội nói chung đều có nhận xét tích cực rằng. Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo có sự quản lý chặt chẽ và nghiêm túc quá trình đào tạo và có chất lượng đào tạo luật tốt nhất ở nước ta hiện nay.

Thứ sáu,Trường Đại học Luật Hà Nội luôn đi tiên phong trong các vấn đề về đào tạo luật học tại Việt Nam. Là cơ sở đào tạo đã cho ra đời các khoá đại học luật đầu tiên được đào tạo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ năm 1980); là nơi thực hiện các khoá đào tạo nghề nghiệp thẩm phán và các chức danh tư pháp đầu tiên ở Việt Nam (từ năm 1996); là nơi có các chương trình, giáo trình đào tạo đại học và sau đại học sớm nhất và hoàn thiện nhất được các cơ sở đào tạo luật khác sử dụng và học hỏi; là nơi thực hiện sớm nhất việc đào tạo cán bộ pháp luật ở trình độ đại học và sau đại học cho các lưu học sinh nước ngoài và cũng là nơi thực hiện sớm nhất chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học bằng tiếng Anh và tiếng Pháp tại Việt Nam.

Thứ bảy,trong 25 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội đã đào tạo cho đất nước 51.472 cán bộ pháp luật,4 trong đó có 50 tiến sĩ luật học, 500 thạc sĩ luật học, 46.556 cử nhân luật, 417 cao đẳng luật và 4.079 trung cấp luật và hàng nghìn cán bộ đã được Trường đào tạo qua các lớp luân huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Đội ngũ cán bộ do Trường đào tạo đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có nhiều đồng chí hiện đang giữ những trọng trách trong các cơ quan nhà nước và các cơ quan, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế, hơn 50% thẩm phán, chấp hành viên, công chứng viên, luật sư, cán bộ của các cơ quan tư pháp hiện đang công tác là cựu sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của Trường. Bên cạnh việc đào tạo cán bộ pháp luật cho Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng có nhiều đóng góp cho việc đào tạo cán bộ pháp luật cho các nước. Trong 25 năm qua, Trường đã đào tạo được 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và hơn 60 cử nhân luật cho các nước Lào, Cămpuchia, Yêmen và tiếp nhận các thực tập sinh từ các nước như Thuỵ Điển, Nhật Bản, … đến học tập, nghiên cứu tại trường.

3. Công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Luật Hà Nội đã có những giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường đã chủ trì và tham gia thực hiện 80 đề tài khoa học, trong đó có 12 đề tài khoa học cấp nhà nước, 37 đề tài cấp bộ, hơn 30 đề tài khoa học cấp cơ sở và tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng, giải thích pháp luật và giải quyết các vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra. Tạp chí luật học của Trường đã trở thành một trong hai tạp chí khoa học pháp lý có uy tín cao ở Việt Nam, là diễn đàn khoa học của các nhà khoa học, các nhà giáo và luật gia. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được đẩy mạnh.5 Sinh viên đã thực hiện 1000 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có hơn 100 đề tài được giải thưởng của Trường và 18 đề tài đã đạt giải các cuộc thi do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức.

Hệ thống giáo trình, tài liệu và hệ thống thông tin, thư viện của Trường Đại học Luật Hà Nội có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, Trường đã có 97 đầu sách do cán bộ, giáo viên nhà trường viết được sử dụng cho quá trình giảng dạy, học tập và nghiên cứu, bao gồm 43 giáo trình và 2 tập bài giảng cho hệ đại học, 21 giáo trình cho hệ trung học và 31 sách chuyên khảo, tham khảo. Thư viện nhà trường đã được tin học hóa, phần mềm Thư viện Libol đã được đưa vào ứng dụng có hiệu quả. Bên cạnh hệ thống sách báo, tạp chí, thông tin tư liệu ngày càng phong phú và nhiều loại, bao gồm hơn 100.000 giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo, 150 báo, tạp chí bằng tiếng việt và tiếng nước ngoài và hàng nghìn khoá luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, thư viện của trường còn kết nối với các hệ thống dữ liệu luật học lớn ở trong nước và quốc tế.

4. Công tác Đảng và đoàn thể.

Đảng bộ nhà trường không ngừng được củng cố và phát triển, phát huy vai trò là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Liên tục từ năm 1989 đến nay, Đảng bộ luôn được công nhận là cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Trong 25 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ nhà trường đã kết nạp được 500 Đảng viên mới và chuyển chính thức cho 413 đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể của Trường Đại học Luật Hà Nội được củng cố và phát huy vai trò tích cực trong các mặt hoạt động của nhà trường. Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh nhà trường đã chủ động thực hiện các hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, tham gia tích cực vào các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, thực hiện dân chủ trong nhà trường, củng cố kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nếp sống văn hóa công nghiệp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào thanh niên tình nguyện, hiến máu nhân đạo, phòng chống các tệ nạn xã hội… Các đoàn thể xã hội liên tục được công nhận là cơ sở tiên tiến xuất sắc, được tặng nhiều bằng khen và các phần thưởng cao quý của các cấp, các ngành.

5. Xây dựng cơ sở vật chất và hiện đại hóa nhà trường.

Với nỗ lực lớn, đến nay cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động của nhà trường đã được tăng cường và từng bước hiện đại hóa. Hiện nay, Trường đã có các giảng đường, phòng học khá khang trang, hiện đại; điều kiện giảng dạy, học tập, nghiên cứu đã biến đổi cơ bản. Trường đã xây dựng song mạng tin học nội bộ và đã kết nối Internet phục vụ cho công tác chuyên môn và quản lý. Hệ thống máy tính với hơn 300 máy cùng các thiết bị hiện đại khác đã được trang bị để phục vụ cho giảng dạy, học tập và công tác. Các phần mềm quản lý đào tạo và quản lý sinh viên đã được ứng dụng rộng rãi. Ký túc xá sinh viên với các phòng ở khép kín có thể phục vụ cho 1000 sinh viên, cảnh quan, môi trường sư phạm được cải thiện.

Nguồn lực tài chính của nhà trường được tăng cường. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp, Trường đã tạo dựng được những nguồn thu từ những hoạt động đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ và hợp tác quốc tế để bảo đảm cho các hoạt động của nhà trường được tiến hành một cách chủ động, ổn định, hiệu quả; đời sống của cán bộ, giáo viên và sinh viên không ngừng được cải thiện.

6. Công tác hợp tác quốc tế.

Quan hệ hợp tác quốc tế của Trường ngày càng mở rộng. Trường đã có quan hệ chính thức với 14 cơ sở đào tạo luật của các nước và các tổ chức quốc tế,6 đã và đang thực hiện một số dự án quốc tế về đào tạo và nghiên cứu luật học.7 Kết quả hợp tác quốc tế đã góp phần bổ sung nguồn lực cho nhà trường, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên đi học tập, nghiên cứu và trao đổi khoa học ở nước ngoài để nâng cao trình độ và học hỏi kinh nghiệm. Trường đã hợp tác với Trường đại học Paris II của Cộng hòa Pháp để đào tạo cao học luật học bằng tiếng Pháp và hợp tác với Trường đại học Lund của Vương quốc Thuỵ Điển để đào tạo cao học luật bằng tiếng Anh tại Trường. Trong những năm vừa qua đã có hàng trăm cán bộ, giáo viên của Trường được đi học tập, nghiên cứu vàgiảng dạy ở nước ngoài và đã có hơn 40 giáo sư nước ngoài đến giảng dạy tại Trường đại học Luật Hà Nội. Số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và thực tập sinh nước ngoài đến học tập tại Trường Đại học Luật Hà Nội ngày càng nhiều. Đến nay, đã có 1 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và hơn 60 cử nhân luật và một số thực tập sinh sau đại học là người nước ngoài đã tốt nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ thực tập tại Trường.

7. Chấp hành đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trong 25 năm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn trong nhà trường, không có trường hợp cán bộ, giáo viên và sinh viên có sai lệch về chính trị và vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý.

Trường luôn chú trọng việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm và pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong các mặt hoạt động của nhà trường. Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Thành uỷ Hà Nội và luôn có quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn trong nhà trường và trên địa bàn.

8. Thành tích và khen thưởng.

Với những thành tích đã đạt được và sự đóng góp tích cực cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và truyền bá pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội đã nhiều lần được công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao và đã được đón nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước, của các cơ quan, ban ngành và các tổ chức chính trị xã hội: Được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương, trong đó có một Huân chương Độc lập hạng ba, ba Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì và hạng ba; Được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Luân lưu của Chính phủ năm 1993; Sáu lần được nhận Cờ thi đua Ngành Tư pháp và của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội; Tám lần được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.

Đảng bộ nhà trường luôn được công nhận là Đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh. Năm 2004 được chọn là đảng bộ được tổ chức đổi thẻ đảng viên lần đầu. Công đoàn nhà trường 12 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Công đoàn. Nhiều năm liền đựơc công nhận là cơ sở Đoàn và Hội tiên tiến xuất sắc, được tặng cờ thi đua và bằng khen của Trung ương Đoàn và Trung ương Hội, bằng khen của Thành đoàn và Thành Hội, bằng khen của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Hội Cựu chiến binh từ khi thành lập đến nay liên tục đạt thành tích xuất sắc, được tặng Bằng khen của Trung ương Hội, Thành Hội Thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội…

Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đang đặt ra cho nhà trường những nhiệm vụ mới rất vinh quang nhưng cũng rất nặng nề. Để hoàn thành xuất sắc hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới, Trường Đại học Luật Hà Nội tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, định huớng giáo dục, đào tạo đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiếp tục phấn đấu để tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển quy mô đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, đưa Trường Đại học Luật Hà Nội nhanh chóng trở thành trường trọng điểm quốc gia, thực sự trở thành “Trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý” có chất lượng và uy tín cao của ngành và đất nước.

GS.TS. Lê Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp