Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp

01/01/0001
Những thành tựu đã đạt được. 1.1. Sự phát triển không ngừng. Ngày 25/02/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Bộ Tư pháp, theo đó, Học viện Tư pháp có chức năng đào tạo nghiệp vụ thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên và các chức danh tư pháp khác; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho chấp hành viên, công chứng viên, luật sư và các cán bộ có chức danh tư pháp khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Ngoài ra, Học viện Tư pháp còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tư pháp phục vụ công tác đào tạo. Bằng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Học viện Tư pháp đã khẳng định một quan diểm mới, có sự thay đổi lớn lao của Đảng và Nhà nước về vị trí và vai trò của công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tư pháp và nghiên cứu khoa học tư pháp đối với sự phát triển của đất nước.

Khởi nguồn là một cơ sở đào tạo chỉ được giao nhiệm vụ chính là đào tạo nghiệp vụ thẩm phán. Cùng với sự phát triển của đất nước, Học viện đã không ngừng phát triển và trưởng thành, được Chính phủ giao thêm các nhiệm vụ khác như đào tạo nghiệp vụ công chứng viên, thư ký toà án, chấp hành viên, luật sư và kiểm sát viên. Tính từ năm 1998, khi còn là Trường Đào tạo các chức danh tư pháp đến nay, Học viện Tư pháp đã đào tạo được 8 khóa đào tạo thẩm phán với tổng số 2.013 học viên, 3 khóa luật sư tập sự, 4 khoá nguồn luật sư với tổng số 4.179 học viên, 2 khóa nghiệp vụ thư ký tòa án với 103 học viên, 5 khóa công chứng viên với tổng số 247 học viên, 3 khóa chấp hành viên với 489 học viên và 2 khóa kiểm sát viên với 261 học viên; và bồi dưỡng cho 7.180 lượt cán bộ có chức danh tư pháp và những người tham gia hoạt động bổ trợ tư pháp.

Năm 1998, Trường Đào tạo các chức danh tư pháp có 02 khoa và 04 phòng với đội ngũ cán bộ, công chức là 16 người. Về trình độ: Thạc sỹ luật học 01, Đại học 06, Trung cấp 02 và 07 nhân viên; tương ứng về ngạch viên chức có: 05 giảng viên, 01 thư viện viên, 01 chuyên viên, 02 cán sự và 07 nhân viên. Đến nay, Học viện có 12 đơn vị gồm 04 khoa, 06 phòng và 02 đơn vị tương đương cấp phòng với với đội ngũ cán bộ, công chức gồm 64 người, trong đó: về trình độ chuyên môn có: Tiến sĩ: 10 người; Thạc sĩ luật: 16 người; Đại học luật: 25 người; Đại học khác: 2 người; về trình độ chính trị: Cao cấp: 8 người; Trung cấp: 48 người; về trình độ ngoại ngữ: 13 người có trình độ đại học ngoại ngữ hoặc đã được học đại học, cao học hoặc nghiên cứu sinh ở nước ngoài... Học viện Tư pháp tiếp tục tuyển dụng công chức để nâng tổng biên chế của học viện trong năm 2005 lên 123 người.

Tham gia giảng dạy tại Học viện, ngoài đội ngũ giảng viên còn có khoảng 350 giáo viên kiêm chức là những thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên giàu kinh nghiệm được mời từ các Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án các cấp trong cả nước; các luật sư giỏi của các Đoàn luật sư...; các chuyên gia pháp luật chuyên ngành có uy tín của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ...; các giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Luật Đại học Quốc gia, Viện Nhà nước và Pháp luật.

1.2. Những đóng góp và những kết quả nổi bật .

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Học viện Tư pháp đã có những đóng góp ở các lĩnh vực chủ yếu sau đây:

- Xây dựng được một Chương trình đào tạo cho các chức danh tư pháp với một cơ cấu hợp lý, thể hiện quan điểm đào tạo hiện đại, phù hợp với thực tiễn Việt Nam trên cơ sở học tập những kinh nghiệm của nước ngoài;

- Hình thành và phát triển triết lý và công nghệ đào tạo mới nhằm giải phóng sự trì trệ và tăng cường tính năng động sáng tạo của người dạy và người học;

- Áp dụng phương pháp đào tạo mới lấy người học làm trung tâm và lấy hồ sơ thực tế làm nền tảng cho việc dạy và học; giảng dạy kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn trên cơ sở hai, ba hoặc nhiều giảng viên cùng đứng lớp một lúc về cùng một vấn đề;

- Xây dựng một đội ngũ giảng viên, từ đội ngũ giáo viên cơ hữu của học viện cho đến đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm, mà phần lớn là những nhà hoạt động thực tiễn, khoảng 350 người để tham gia vào quá trình đào tạo các chức danh tư pháp;

- Biên soạn một hệ thống giáo trình, sổ tay nghiệp vụ, hồ sơ thực tế, bài tập tình huống và các bộ phiếu kỹ thuật phục vụ giảng dạy và học tập

- Biên soạn một hệ thống ngân hàng đề thi nhằm đánh giá chất lượng học viên theo tiêu chí thực tiễn bằng phương pháp dùng thực tiễn để kiểm nghiệm lý thuyết và nhằm tạo khả năng tư duy sáng tạo của học viên khi làm bài trên cơ sở đánh giá trình độ từ thấp đến cao;

Các chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp về cơ bản được kết cấu bởi ba phần (xem hình trên): Phần lý luận nhằm bổ sung, cập nhật những kiến thức mới liên quan đến nghề nghiệp của chức danh được đào tạo. Phần rèn luyện kỹ năng nhằm trang bị những kỹ năng hành nghề theo từng chức danh. Trong phần này lại được cơ cấu theo các module. Mỗi module gồm ba phần (xem hình bên): Phần giới thiệu, Phần giải quyết tình huống (bao gồm hai kết cấu là giải bài tập (excercise) và phần rèn luyện kỹ năng (skill development) và cuối cùng là đối thoại (dialog). Phần thực tập là phần kiểm tra lại những gì đã học qua thực tiễn. Trong phần này, học viên được về để thực tập tại các cơ sở hành nghề.

Nguyên lý đào tạo của Học viện Tư pháp được xây dựng theo các tiêu chí sau:

- Không giảng dạy lý thuyết thuần tuý mà chỉ cập nhật kiến thức mới.

- Sử dụng hồ sơ thực tế để rèn luyện kỹ năng và nhắc lại lý thuyết.

- Học bài thông qua diễn án - “simulation”.

- Học bài thông qua thực hành - “learning by doing” tại Trung tâm thực hành nghề luật.

- Học bài thông qua quá trình làm bài thi.

- Rèn luyện kỹ năng nói thông qua thi hùng biện.

- Rèn luyện kỹ năng viết qua viết tiểu luận, soạn thảo văn bản tố tụng.

- Công nghệ đào tạo được kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghe, nhìn, nói, viết và thực hành:

+ Nghe: nghe giảng bài, nghe tranh luận, thảo luận....;

+ Nhìn: xem các đoạn film ngắn, các đoạn video minh hoạ, các bộ film về phiên toà, điều tra, bào chữa...

+ Nói: đối thoại trực tiếp với giáo viên, với đồng nghiệp trên lớp. Tham gia thi hùng biện, diễn án, hội thảo;

+ Viết: làm các bài thi, viết tiểu luận, viết bài bào chữa, bản án và các văn bản tố tụng...

+ Thực hành: đóng vai các chức danh tư pháp trong các phiên toà giả định, tư vấn trực tiếp cho khách hàng tại Trung tâm thực hành nghề luật.

Phương pháp đào tạo mới lấy người học làm trung tâm và lấy hồ sơ thực tế làm nền tảng cho việc dạy và học; giảng dạy kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn trên cơ sở hai, ba hoặc nhiều giảng viên cùng đứng lớp một lúc về cùng một vấn đề. Đây không phải là phương pháp mới trên thế giới nhưng được áp dụng tại Học viện Tư pháp với nhiều kết hợp có tính toán và thực tế đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trước hết, các hồ sơ thực tế được lấy từ các cơ quan tố tụng là cơ sở của việc dạy và học. Các hồ sơ này được biên tập cho phù hợp với yêu cầu của bài học và được phát trước cho các học viên và giáo viên. Học viên sẽ chuẩn bị hồ sơ trước khi đến lớp theo yêu cầu đã đặt ra: đọc hồ sơ, tóm tắt, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, thành phần chủ thể, hướng giải quyết tối ưu, văn bản pháp luật áp dụng và những vấn đề vướng mắc cần giải quyết có thể xẩy ra... Khi giải các hồ sơ này bao giờ cũng đi theo hai bước: bước một là giải bài tập và bước hai là rèn luyện kỹ năng. Giải bài tập được xem là bước tập dượt, rèn luyện kỹ năng là giải quyết vụ án bằng cách học viên tự mình thao tác các hành vi tố tụng có hướng dẫn và đánh giá của giảng viên. Ngoài ra các học viên có thể tiến hành thực tập tại chỗ thông qua diễn án. Diễn án cũng là một phương pháp học nghề rất hiệu quả. Diễn án bao gồm nhiều kiểu khác nhau. Diễn theo nhóm, diễn theo lớp và diễn thành phiên toà như thật. Các buổi diễn án phải được chuẩn bị chu đáo. Học viên được phát hồ sơ sau đó nghiên cứu hồ sơ để tóm tắt vụ án, xây dựng cho mình một đề cương cho vai diễn của mình... Học viên còn phải viết Bản án và Bản thu hoạch hoặc Bản góp ý cho các vai diễn khác... Việc giảng dạy theo nhóm giảng viên cũng là một phương pháp được áp dụng thường xuyên tại Học viện Tư pháp. Phương pháp này trước hết được áp dụng cho tất cả các module rèn luyên kỹ năng với hai giảng viên, một lý thuyết (thường là giảng viên của các cơ sở đào tạo hoặc Viện nghiên cứu) và một giảng viên thực hành (thường là người đang hành nghề) với mục đích là bổ sung cho nhau để tạo cho học viên một bức tranh đầy đủ nhất về vấn đề quan tâm. Sau đó mô hình này (hai người) được phát triển thành giảng ba người, bốn người hoặc theo nhóm và tọa đàm theo các chuyên đề. Việc giảng dạy theo nhóm giáo viên là một phương pháp rất tốt giúp giữa người học, người dạy có sự đối thoại trực tiếp, ngoài ra giữa các giảng viên với nhau cũng học tập nhau rất nhiều, từ đó, càng ngày họ càng truyền đạt các kiến thức một cách tốt hơn.

Một hệ thống giáo trình, sổ tay nghiệp vụ, hồ sơ thực tế, bài tập tình huống và các bộ phiếu kỹ thuật phục vụ giảng dạy và học tập và một hệ thống ngân hàng đề thi theo phương pháp mới là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo trên cơ sở tiếp thu các kinh nghiệm của nước ngoài như Pháp, Canada, Nhật Bản; kết hợp với thực tiễn đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam nhằm đánh giá chất lượng học viên theo tiêu chí thực tiễn bằng phương pháp dùng thực tiễn để kiểm nghiệm lý thuyết, tạo khả năng tư duy sáng tạo của học viên khi làm bài trên cơ sở đánh giá trình độ từ thấp đến cao. Đây cũng là một đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp đào tạo các chức danh tư pháp. Để thực hiện tốt yêu cầu về chất lượng đào tạo ngay từ đầu, Học viện đã tập trung sức lực, huy động trí tuệ của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trong nước, các nhà làm công tác thực tiễn để xây dựng các bộ giáo trình, sách chuyên khảo, hồ sơ, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập như: xuất bản 5 bộ giáo trình nghiệp vụ thẩm phán, 4 tập bài giảng đào tạo luật sư, 1 giáo trình đào tạo công chứng viên, một tập bài giảng đào tạo nghiệp vụ chấp hành viên, một tập bài giảng đào tạo nghiệp vụ thư ký tòa án; xuất bản một số sổ tay nghiệp vụ theo chuyên ngành như: Sổ tay Thẩm phán, Sổ tay Luật sư, Cẩm nang Hội thẩm; xuất bản ngân hàng đề thi môn kỹ năng giải quyết các vụ án kinh tế và ngân hàng đề thi môn kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự cho đào tạo thẩm phán; xuất bản Bộ phiếu kỹ thuật kỹ năng xét xử tập 1 và 2. Sắp tới học viện sẽ hoàn thành và xuất bản 4 cuốn giáo trình chung cho các lớp đào tạo luật sư - thẩm phán - kiểm sát viên, Bộ phiếu kỹ thuật phục vụ đào tạo chấp hành viên, công chứng viên, giáo trình chấp hành viên và chỉnh lý biên soạn cuốn Cẩm nang Thẩm phán. Học viện đã sưu tầm, tập hợp hàng ngàn bộ hồ sơ các vụ án hình sự, các vụ án và việc dân sự, các vụ việc về công chứng, thi hành án để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của Học viện.

Một đội ngũ giáo viên vừa cơ hữu vừa kiêm nhiệm trên cơ sở kết hợp các giảng viên lý thuyết (giỏi về lý luận) với những người làm công tác thực tiễn (có kỹ năng nghề nghiệp) để vừa bổ sung cho nhau vừa giúp học viên được trang bị những kiến thức đa chiều và hữu ích nhất.

Ngoài ra, về cơ sở vật chất, các phòng học được trang bị tương đối hiện đại để có thể sử dụng nhiều ứng dụng của công nghệ tin học vào giảng dạy. Thư viện có 2.642 đầu sách với 20.097 cuốn phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và học viên. Học viện đã xây dựng trang Web làm nơi chuyển tải thông tin về hoạt động của Ngành, của Bộ Tư pháp, của Học viện Tư pháp và là nơi giao lưu giữa giáo viên với nhau, giáo viên với học viên và giữa các học viên với nhau. Mạng LAN của Học viện Tư pháp phục vụ cán bộ, giảng viên, học viên 24/24 nhằm nâng cao chất lượng công tác và chất lượng cuộc sống.

Học viện Tư pháp đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những công tác trọng tâm của Học viện. Đến năm 2005, Học viện đã hoàn thành nghiên cứu hai nhánh đề tài khoa học cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ, nghiệm thu 4 đề tài cấp Học viện, thực hiện và bảo vệ thành công tiểu đề tài nhóm 3 trong khuôn khổ đề án Đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010. Năm 2005 Học viện triển khai thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà trường gồm: “Những tác động của luật đất đai năm 2003 tới hoạt động nghề nghiệp của một số chức danh tư pháp”; đề tài “Công tác đào tạo các chức danh tư pháp phục vụ công cuộc cải cách tư pháp”; đề tài “Các biện pháp cưỡng chế thi hành án - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”; xuất bản thường xuyên Tạp chí Nghề Luật nhằm mục đích mở rộng kênh thông tin và là diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học.

Học viện Tư pháp cũng có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các nước như: Pháp, Nhật Bản, CHLB Đức, Thụy Điển, Canada, CHDCND Lào… và một số tổ chức quốc tế khác nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm cũng như tranh thủ sự giúp đỡ, phục vụ cho sự phát triển của Học viện. Đồng thời, Học viện cũng tham gia đào tạo, tư vấn giúp đỡ Trung tâm Đào tạo Thẩm phán của CHDCND Lào về chương trình và nội dung đào tạo thẩm phán và luật sư.

2. Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp.

2.1. Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động tư pháp thời gian qua.

Khi đánh giá chung về giáo dục đại học ở nước ta, GS. Hà Minh Đức một nhà nghiên cứu lớn về giáo dục hiện nay đã nhận xét: “Đầu vào tương đối tốt nhưng đầu ra thì dang dở, sinh viên ra trường hành trang còn thiếu thốn, chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nên thường phải đào tạo thêm mới có thể làm việc được” (1). Nhận xét này rất đúng với công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động tư pháp thời gian qua ở nước ta cụ thể như sau:

Mục tiêu là đào tạo đại học luật hiện nay chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp các kiến thức mặt bằng về pháp luật cho sinh viên tốt nghiệp. Vì vậy, cử nhân luật hiện nay được đào tạo đa ngành nghề về luật, biết nhiều nhưng không chuyên sâu về một lĩnh vực hay nghề nghiệp cụ thể nào, khi ra trường gặp rất nhiều khó khăn nếu được giao thực hiện một công việc cụ thể. Đặc biệt, muốn trở thành một chức danh tư pháp hay bổ trợ tư pháp cần phải đào tạo thêm mới làm được. Do ở chương trình cử nhân luật chưa có định hướng nghề nghiệp tư pháp nên khi vào học tại Học viện Tư pháp, đa số các học viên đều bị thiếu hụt các kiến thức chuyên ngành, trong lúc đó, thời gian ở Học viện Tư pháp lại chủ yếu tập trung rèn luyện kỹ năng hành nghề nên việc giảng dạy và học tập gặp rất nhiều khó khăn mà chất lượng không cao.

Trong một số trường hợp khác, tuy mục tiêu đề ra là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp, có địa chỉ sử dụng, nhưng kết quả đạt được không phù hợp với các điều kiện bổ nhiệm. Ví dụ, học viên tốt nghiệp Cao đẳng Kiểm sát hiện nay được đào tạo chuyên ngành nghề về công tác kiểm sát, nhưng chỉ ở trình độ cao đẳng không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm Kiểm sát viên. Đối với các học viên tốt nghiệp các Học viện Cảnh sát và An ninh tuy được đào tạo kỹ về nghiệp vụ ngành công an, nhưng trình độ về luật để đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều tra trong hoạt động tư pháp thì còn thiếu, dễ dẫn đến tình trạng hình sự hóa các vụ việc có tính chất dân sự và ngược lại.

Trong thời gian qua, tuy Học viện Tư pháp đã góp phần đào tạo nguồn cho các chức danh tư pháp phục vụ công cuộc cải cách tư pháp, nhưng vẫn chưa bao trùm hết các lĩnh vực của hoạt động tư pháp. Chưa có đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp mà ngoài chuyên môn sâu theo lĩnh vực còn thành thạo ngoại ngữ và giỏi về công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Chưa có đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp theo các lĩnh vực chuyên sâu do đó chúng ta có nhiều chuyên gia đa ngành nhưng lại thiếu chuyên gia chuyên ngành giỏi như thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ... Chưa có đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động bổ trợ tư pháp ở xã phường với quan điểm là nâng cao vị trí vai trò của tư pháp xã phường trong việc hòa giải, giải quyết các tranh chấp phi hình sự ở cơ sở mà làm tốt công tác này sẽ khắc phục được rất nhiều tình trạng khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp và khiếu kiện tập thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước như hiện nay. Chưa có chuẩn hóa có tính định hướng sớm và tính chiến lược lâu dài về đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp từ bậc phổ thông hoặc từ bậc đại học (đào tạo liên thông) để dần dần thay thế cho việc phải đào tạo chắp nối như hiện nay vừa tốn thời gian vừa phải đào tạo lại nhiều lần, lãng phí thời gian và tiền bạc mà chất lượng không cao.

2.2. Xây dựng Học viện Tư pháp thành một Trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp.

Tháng 4 năm 2005 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Đề án về Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xu hướng hội nhập quốc tế và ưu khuyết điểm của công tác đào tạo cán bộ tư pháp thời gian qua, Đề án Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra những quan điểm và mục tiêu lớn về đào tạo cán bộ tư pháp trong giai đoạn 2005 - 2020 như sau: “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp đặc biệt là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng tiêu chuẩn hóa đối với từng loại cán bộ về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm, kiến thức xã hội; vừa phải đào tạo chung về kiến thức cơ bản đồng thời đào tạo chuyên sâu về từng nghiệp vụ cụ thể; tăng cường bồi dưỡng ngắn ngày trong quá trình công tác tiến tới thực hiện chế độ thi tuyển đối với một số chức danh”; “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, các cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp cao và kiến thức thực tiễn” và “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp; các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phối hợp chặt chẽ với Học viện Tư pháp để chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo và bố trí sử dụng có hiệu quả những cán bộ đã được đào tạo”.

Triển khai việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2005 - 2015 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3 năm 2005.

Hiện nay, Học viện Tư pháp đã có kế hoạch để thực hiện tốt những nhiệm vụ đã được giao và sẵn sàng thực hiện tốt những nhiệm vụ mới mà Đảng và Nhà nước giao cho trong thời gian tới như: Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp mà ngoài chuyên môn sâu theo lĩnh vực còn thành thạo ngoại ngữ và giỏi về công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động bổ trợ tư pháp ở xã phường gồm đào tạo nghiệp vụ hoạt động bổ trợ tư pháp cho đội ngũ cán bộ đang làm việc và đào tạo nghiệp vụ hoạt động bổ trợ tư pháp cho đội ngũ cán bộ kế cận, thay thế có trình độ trung cấp luật hoặc cử nhân luật để có thể từng bước thay thế đội ngũ cũ trong tương lai; đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp của hoạt động tư pháp từ bậc phổ thông hoặc từ bậc đại học theo hướng chính quy, hiện đại, chuẩn hóa và có chuyên môn sâu về một nghề nghiệp nhất định... để góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Từ Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp đến Học viện Tư pháp, khoảng thời gian 8 năm chưa phải là dài, nhìn lại chặng đường phát triển và trưởng thành của mình, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên cùng toàn thể học viên của Học viện Tư pháp có quyền tự hào với những thành quả đạt được bằng chính sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đổi mới không ngừng và quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, mà trực tiếp là của Đảng bộ Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành hữu quan; sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm phấn đấu vươn lên không ngừng của tập thể cán bộ, công chức của Học viện, Học viện Tư pháp tin tưởng rằng, cơ sở vật chất của Học viện sẽ sớm được xây dựng, nguồn nhân lực sẽ sớm được bổ sung, nguyên lý đào tạo, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo của Học viện sẽ sớm được hoàn thiện để Học viện Tư pháp tiếp tục vươn xa, vươn cao thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mới được giao, xứng đáng là một trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp của cả nước.

1. “Nghĩ về chuẩn mực và chất lượng của giáo dục đại học” trong “Kỷ yếu hội thảo đổi mới giáo dục đại học Việt Nam hội nhập và thách thức” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

TS. Phan Hữu Thư - Giám đốc Học viện Tư pháp

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp