Mãi mãi là Diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, thông tin về khoa học pháp lý đáng tin cậy của bạn đọc cả nước

01/01/0001
Trong điều kiện kinh tế thị trường, báo chí đã thể hiện vai trò xuất sắc trong việc tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội, là vũ khí sắc bén chống tệ tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lẽ phải, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, xu hướng thương mại hoá báo chí cũng đã dần xuất hiện. Hoà trong dòng chảy sôi động của báo giới, nhưng Tạp chí Dân chủ và Pháp luật vẫn kiên trì định hướng phấn đấu trở thành diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, thông tin về khoa học pháp lý đáng tin cậy của bạn đọc cả nước.

Những bước khởi đầu...

Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, nước nhà hoàn toàn thống nhất, một sự kiện quan trọng đối với Ngành Tư pháp lúc bấy giờ là việc ra đời Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa thuộc Uỷ ban Pháp chế của Hội đồng Chính phủ (theo Giấy phép số 1925/VP15 ngày 29/5/1975 của Phủ Thủ tướng). Ngày 20/12/1977, Toà soạn Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức được thành lập (theo Quyết định số 106-20/UBPC của Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp chế — Luật sư Trần Công Tường). Với những căn cứ pháp lý nói trên, ấn phẩm đầu tay của Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa đã được ra đời vào tháng 2 năm 1978.

Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái lập, Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức trở thành cơ quan ngôn luận đầu tiên của Ngành Tư pháp.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động báo chí cũng bắt đầu khởi sắc và sôi động. Trước tình hình mới, được sự đồng ý của Ban Tuyên huấn Trung ương (Công văn số 636/TH-TW ngày 30/10/1987) và Bộ Thông tin (Công văn số 573/BTT ngày 10/12/1987), Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa chính thức được đổi thành Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Sau gần 15 năm hoạt động, với nhiệm vụ nghiên cứu lý luận, phổ biến kinh nghiệm, tuyên truyền chỉ đạo hướng dẫn công tác tư pháp và thông tin khoa học pháp lý cho toàn Ngành Tư pháp, ngày 01/03/1992, Tạp chí Pháp chế xã hội chủ nghĩa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đổi tên thành Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.

Một số thành tựu...

Là cơ quan của Bộ Tư pháp, với tính chất là tạp chí lý luận chuyên ngành, là diễn đàn của các nhà khoa học và thực tiễn trao đổi về khoa học pháp lý và hoạt động tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần bảo đảm dân chủ trong đời sống xã hội; là công cụ phục vụ cho sự hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ về công tác tư pháp; thực hiện nghiên cứu và phổ biến khoa học pháp lý nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp trên toàn quốc; trao đổi kinh nghiệm, thông tin các hoạt động tư pháp ở trong nước và nước ngoài.

Xuất phát từ tôn chỉ, mục đích được giao, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật xác định phạm vi, giới hạn hoạt động của mình, từ đó đã thể hiện bản sắc và diện mạo riêng so với một số tạp chí cùng nghiên cứu về nhà nước và pháp luật như: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật của Viện Nhà nước và Pháp luật; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp của Văn phòng Quốc hội; Tạp chí Kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tạp chí Toà án nhân dân của Toà án nhân dân tối cao...

Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cũng xác định đối tượng phục vụ chính của mình là các cán bộ, công chức làm công tác pháp luật trong khối cơ quan nội chính của Trung ương và địa phương; cán bộ, công chức làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành; cán bộ, công chức công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng; một bộ phận nhân dân có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

Trong những năm qua, Tạp chí luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của ngành Tư pháp, ngoài việc đảm bảo các số tạp chí phát hành định kỳ trong năm, Tạp chí đã xuất bản nhiều số chuyên đề phục vụ tủ sách xã, phường như: Chuyên đề về Tư pháp cơ sở; về thực hiện Luật Hợp tác xã; về an toàn trật tự công cộng; về thực hiện pháp luật đất đai; pháp luật về nhà trường; về Luật Bầu cử; về phòng chống tệ nạn xã hội; về thi hành án; về hôn nhân gia đình; pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản; về luật sư, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; về hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp; về thực hiện quyền dân chủ của công dân ở cơ sở; pháp luật dân sự trong đời sống làng xã; về văn hoá pháp lý… Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu về tài liệu tham khảo cho các cơ quan tư pháp địa phương, phục vụ sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp đối với toàn ngành, Tạp chí đã xuất bản nhiều số chuyên đề chuyên sâu như: Chuyên đề về Bộ luật Hình sự (năm 1985, năm 1999); chuyên đề về Bộ luật Tố tụng hình sự (năm 1988); chuyên đề về cải cách hành chính và cải cách tư pháp (năm 1995); chuyên đề về Toà Hành chính và việc giải quyết các khiếu kiện hành chính của công dân (năm 2001); Chuyên đề về Luật sư và tổ chức luật sư (năm 2001); Chuyên đề về Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (năm 2002); số đặc biệt về Bộ luật Dân sự (năm 1995 và năm 2005); chuyên đề Mười năm thi hành án dân sự, phục vụ kịp thời Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành án dân sự; chuyên đề về “Hiệp định Thương mại Việt Nam — Hoa Kỳ” dành cho các luật sư phục vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế; chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và tư pháp”; “Hoà giải trong thi hành án dân sự”; “Cưỡng chế thi hành án dân sự và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án”. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng đã xuất bản một số đầu sách nghiệp vụ như: Hai tập sách về Nghiệp vụ Đăng ký giao dịch bảo đảm; Sổ tay Hội thẩm; Sổ tay Chấp hành viên và 17 tập văn bản pháp luật về Công tác Tư pháp. Tất cả các ấn phẩm trên đã được bạn đọc trong và ngoài ngành cả nước quan tâm, khen ngợi.

Tạp chí cũng rất chú trọng công tác cộng tác viên và công tác bạn đọc, chủ động tổ chức nhiều cuộc tập huấn về nghiệp vụ báo chí cho cộng tác viên ở các vùng miền trên cả nước, như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Hà Nam); các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc (Phú Thọ); các tỉnh miền Trung (Nghệ An, Đà Nẵng), khu vực Tây Nguyên (Đăk Lăk), đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ)… Qua các hội nghị này, Tạp chí đã củng cố và mở rộng đội ngũ cộng tác viên trong cả nước, góp phần làm phong phú nội dung của các số tạp chí, bắt nhập hơi thở của đời sống xã hội.

Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật còn tham gia nghiên cứu ở nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành có giá trị khoa học cao. Với tổng số 15 cán bộ (10 cán bộ biên chế và 5 cán bộ hợp đồng), trong đó có 3 tiến sĩ luật học, 1 thạc sĩ luật học và 11 cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cán bộ của Tạp chí đã tham gia vào nhiều công trình nghiên cứu khoa học pháp lý, như: Đề tài “Rà soát hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật” và biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật” thuộc khuôn khổ Dự án VIE/98/01; Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Những căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện chế định hội thẩm trong cải cách tư pháp ở Việt Nam”; Đề tài nhánh “Quản lý nhà nước về công tác thi hành án” trong Đề tài cấp Nhà nước độc lập “Cơ sở lý luận và thực tiễn đổi mới công tác thi hành án ở Việt Nam”; Đề tài KX.04.01 “Cơ sở lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân”; Đề tài KX. 04.06 “Cải cách các cơ quan tư pháp, hoàn thiện hệ thống các thủ tục tư pháp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực xét xử của toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” (trong Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền giai đoạn 2001 - 2005); Đề tài nhiệm vụ cấp Nhà nước “Hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam về môi trường đến năm 2010”; Đề tài trọng điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội “Hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”; Đề tài khoa học cấp Bộ — “Dịch vụ pháp lý tại Việt Nam — Thực trạng, nhu cầu và định hướng phát triển”… Kết quả tham gia nghiên cứu khoa học của cán bộ Tạp chí được các Ban chủ nhiệm đề tài đánh giá cao.

Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí là một khối thống nhất, đoàn kết, lập trường tư tưởng vững vàng, luôn trau dồi phẩm chất đạo đức và ý chí cách mạng. Hoạt động của các đoàn thể quần chúng trong Tạp chí cũng được phát huy và đạt hiệu quả tốt. Trong nhiều năm liền, Tạp chí được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Năm 2004, Tạp chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích công tác trong ba năm (2001 — 2003). Đồng thời, cũng trong năm 2004, cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Ngành Tư pháp.

Hướng tới tương lai...

Hiện nay, Tạp chí vẫn duy trì ổn định các chuyên mục trong nội dung các số định kỳ là: Nghiên cứu trao đổi, pháp luật kinh tế, thực tiễn pháp luật, diễn đàn luật sư, tư pháp cơ sở, văn hóa pháp lý, thông tin pháp lý, tin tức sự kiện... bên cạnh đó, hàng tháng có các số chuyên đề đi sâu về một lĩnh vực hoạt động của công tác tư pháp. Đây chính là diễn đàn đáng tin cậy, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu lập pháp, các nhà hoạt động thực tiễn công tác tư pháp nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề khoa học pháp lý nói chung và hoạt động tư pháp nói riêng.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Ngành Tư pháp và Đại hội Thi đua Ngành Tư pháp lần thứ hai, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như góp phần vào việc xây dựng phim tư liệu “Tư pháp Việt Nam - 60 năm xây dựng và phát triển”, ra các số chuyên đề chuyên sâu về kỷ niệm Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp; Công tác thi đua Ngành Tư pháp; cuốn sách “Người tốt việc tốt” trong Ngành Tư pháp... Đồng thời, định hướng nội dung của các số tạp chí thời gian tới sẽ đề cập đến các vấn đề tổng kết lý luận trong việc xây dựng và phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nghiên cứu, trao đổi về các vấn đề cơ bản của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện Đề án Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006 — 2010, mà trong đó, chú trọng về việc nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách và một số dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Bước vào thời kỳ mới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật sẽ tiếp tục phấn đấu để mãi mãi là một diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, thông tin về khoa học pháp lý đáng tin cậy của bạn đọc cả nước.

TS. Đặng Vũ Huân

Theo Tạp chí Dân chủ pháp luật - Số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp