Bộ Tư pháp dâng hương, báo công Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và khai trương Nhà chờ Khu di tích

16/08/2015
Bộ Tư pháp dâng hương, báo công Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống và khai trương Nhà chờ Khu di tích
Ngày 15/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ dâng hương và báo công tại Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp tại Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – đây là hoạt động thường niên và cũng là hoạt động mở đầu chuỗi các hoạt động ý nghĩa hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 - 28/8/2015).

Tham dự sự kiện quan trọng và ý nghĩa này có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Thuý Hiền; Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh; các Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Hoàng Thế Liên, Nguyễn Đức Chính, Phạm Quý Tỵ; đại diện một số Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự cùng đông đảo lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Bộ, ngành Tư pháp tiếp nối truyền thống và vươn lên trưởng thành vững mạnh

Cách đây 70 năm, trong không khí hào hùng của Cách mạng tháng Tám, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra tuyên cáo thành lập Nội các thống nhất Quốc gia gồm 12 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Kể từ đó, ngành Tư pháp của chế độ mới đã chính thức ra đời dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cùng với chính quyền nhân dân, ngành Tư pháp Việt Nam đã trải qua 70 năm xây dựng, phấn đấu trưởng thành và không ngừng phát triển.

Trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng được mở rộng, tăng cường, Bộ, ngành tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mình trong giai đoạn mới. Điều đó cũng đặt ra cho Bộ, ngành nhiều cơ hội và thách thức để tiếp tục vươn lên phát triển và trưởng thành vững mạnh.

Tại Lễ báo công, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối cách mạng và các bậc tiền bối ngành Tư pháp về những kết quả mà Bộ, ngành đạt được. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến hôm nay, sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tư pháp, với chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; thi hành án dân sự và hành chính; xử lý vi phạm hành chính; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp; đồng thời thực hiện các nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp; nghiên cứu khoa học pháp lý; báo chí, xuất bản trong lĩnh vực tư pháp, đã và đang tiếp tục góp phần xứng đáng vào việc xây dựng, hoàn thiện các nền tảng pháp luật và tư pháp dân chủ nhân dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật kiểu mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.  

Với những thành tích đạt được hằng năm, nhiều tập thể, cá nhân trong Ngành đã được tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý của Đảng và Nhà nước. Năm 1995, Ngành Tư pháp được tặng Huân chương mang tên Bác; năm 2010 được tặng Huân chương Sao vàng. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành, trong năm nay toàn Ngành được vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất.

Tiếp nối truyền thống “Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo” của Ngành, thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, Bộ trưởng xúc động xin hứa "sẽ không ngừng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, của các bậc tiền bối; nguyện một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân; tận tuỵ với công việc mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho; trong mọi suy nghĩ, việc làm đều lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất; quyết tâm đưa ngành Tư pháp vững bước đi tiếp trên con đường Đổi mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như lúc sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn”.

Tri ân tình cảm của đồng bào dân tộc đối với Bộ, ngành Tư pháp

Vào cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều Bộ, ngành Trung ương rời thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Tuyên Quang là địa danh vinh dự được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chọn làm Trung tâm cách mạng của cả nước, và được đồng bào cả nước gọi là "Thủ đô kháng chiến". Đây cũng là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1949 – 1951. Thời gian đóng trụ sở tại Tuyên Quang không nhiều nhưng đây lại chính là khoảng thời gian diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước và của ngành tư pháp.

Chính tại nơi đây, trong sự che chở đầy tình nghĩa của đồng bào xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, những cán bộ tư pháp đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác Tư pháp trong toàn quốc, giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Cũng tại nơi đây, với chức năng quản lý và thực hiện công tác Tư pháp, bao gồm cả hệ thống toà án và công tố, Bộ Tư pháp đã đề xuất và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh về cải cách bộ máy tư pháp và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hoá, làm cho Tư pháp thật sự gần dân và giúp dân. Năm 1950, Hội nghị học tập của cán bộ Tư pháp, với nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho thẩm phán, luật sư, công tố viên và cán bộ Tư pháp khác về tư duy chính trị pháp lý mới phục vụ nhân dân, đã vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm và nói chuyện. Những lời chỉ dạy của Bác tại Hội nghị này về bản chất công tác Tư pháp, về cốt cách, bản lĩnh của người cán bộ Tư pháp đã trở thành định hướng có ý nghĩa cốt yếu, nền tảng của sự nghiệp xây dựng, trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.

Tri ân tình cảm bà con các dân tộc nơi đây đối với sự phát triển của ngành Tư pháp từ những ngày đầu thành lập, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã tặng Bằng khen cho xã Minh Thanh và thôn Mới (xã Minh Thanh); trao quỹ cho Hội người cao tuổi của xã Minh Thanh; tặng quà cho thôn Mới và đặc biệt là tặng quà cho 20 cháu học sinh của thôn.

Khai trương công trình nhà chờ Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp

Khu di tích lịch sử trụ sở Bộ Tư pháp trong kháng chiến tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang được khánh thành tháng 8 năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp. Từ đó đến nay, đây chính là nơi gửi gắm tình cảm sâu nặng, sự tri ân của cán bộ tư pháp đối với các thế hệ đi trước – những người đã phấn đấu tận tuỵ vì nền Tư pháp Dân chủ, Nhân dân. Di tích lịch sử Bộ Tư pháp nằm giáp với Di tích của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một trong những di tích lịch sử cách mạng quan trọng ở Chiến khu Việt Bắc, đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào tháng 7/2005.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp, Bộ Tư pháp tiếp tục khai trương nhà chờ Khu di tích để đón Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức… tới thăm và tỏ lòng tri ân đối với thế hệ đi trước. 

Trước đó, trong sáng ngày 15/8, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã dâng hương tại Đền thờ Hồ Chủ tịch bên núi Thổ Sơn, thành phố Tuyên Quang; gặp gỡ và trao đổi với Bí thư tỉnh uỷ Tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn về công tác Tư pháp, thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ Tư pháp cũng đã tới thăm và nghe lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự Tuyên Quang báo cáo về tình hình công tác trong những tháng đầu năm.

Một số hoạt động tại Lễ dâng hương và báo công ở Khu di tích lịch sử Bộ Tư pháp

Lễ thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Hà Hùng Cường viết lưu niệm tại nhà chờ

Hoạt động trồng cây lưu niệm

 

 

Thiết bị Khu vui chơi trẻ em do Bộ Tư pháp và các nhà tài trợ tặng

 

Hoàng Vy Anh