Căn cứ nội dung, chương trình thi đua, các đơn vị trong ngành đã tổ chức phát động phong trào thi đua một cách sâu rộng, tổ chức ký kết giao ước thi đua phấn đấu 100% cán bộ, công chức đạt lao động tiên tiến, trên 20% cán bộ, công chức đạt chiến sĩ thi đua cơ sở được tặng Bằng khen của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh.
Xuất phát từ tình hình thực tế, các đơn vị trong ngành đã phát động phong trào thi đua cụ thể, thiết thực hướng tới các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc với các chỉ tiêu cụ thể. Vì vậy, 6 tháng đầu năm 2010, ngành Tư pháp Nghệ An đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên từng lĩnh vực cụ thể như :
Về công tác xây dựng văn bản QPPL đã làm tốt vai trò cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành chương trình XDVB QPPL. So với năm 2009, chương trình XD VB QPPL của tỉnh năm 2010 được ban hành sớm, điều chỉnh kịp thời. Đã góp ý 109 lượt văn bản QPPL, thẩm định 55 lượt dự thảo văn bản QPPL theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh (vượt 30% so với cùng kỳ năm 2009). Chất lượng góp ý, thẩm định đã được nâng cao, hầu hết các ý kiến thẩm định đều được cơ quan soạn thảo, ban hành tiếp thu, do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất các văn bản có nội dung trái pháp luật; Công tác tư vấn pháp luật đã tham mưu tích cực cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc tư vấn pháp luật. So với cùng kỳ năm ngoái, 6 tháng đầu năm nay, số vụ việc tư vấn liên quan đến đầu tư, hợp đồng, liên doanh chiếm tỷ lệ chủ yếu. Qua các vụ việc tư vấn, Sở đã phát huy được vai trò là cơ quan tham mưu về pháp luật, tư vấn một cách kịp thời, đúng pháp luật, hợp lý hợp tình, nhờ đó giúp UBND tỉnh và các ban ngành ở địa phương áp dụng pháp luật một cách chính xác, qua đó làm tăng thêm uy tín của ngành Tư pháp ở địa phương.
Công tác kiểm tra, theo dõi thi hành văn bản QPPL: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tự kiểm tra và kiểm tra văn bản QPPL năm 2010 và đã trực tiếp kiểm tra theo kế hoạch tại 07 huyện (đạt 100% theo KH đề ra) với 11.412 văn bản (gồm: 303 văn bản QPPL; 11109 văn bản hành chính); phát hiện 43 văn bản có nội dung trái pháp luật; 281 văn bản sai sót về thể thức. Phương thức kiểm tra văn bản QPPL do huyện gửi đến cũng rõ nét hơn (đã kiểm tra 70 văn bản, phát hiện 16 văn bản sai sót về thể thức); đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn đôn đốc, chấn chỉnh HĐND, UBND các huyện, thành, thị gửi văn bản đến Sở Tư pháp để kiểm tra theo quy định. Qua kiểm tra, đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung và hình thức; góp phần đưa hoạt động ban hành văn bản ở địa phương đi vào nề nếp, hạn chế tình trạng ban hành văn bản QPPL trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân; Công tác theo dõi thi hành văn bản QPPL: Là một trong những địa phương được chọn làm thí điểm triển khai sớm nhiệm vụ theo dõi thi hành văn bản QPPL, bên cạnh việc quán triệt nhiệm vụ, đã kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề về tổ chức, nhân sự và kinh phí đảm nhiệm nhiệm vụ mới.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt được nhiều kết qủa đáng ghi nhận: Làm tốt vai trò Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, bên cạnh việc tham mưu các nhiệm vụ định kỳ sơ, tổng kết công tác PBGDPL, Sở Tư pháp đã trình UBND tỉnh ban hành 09 văn bản liên quan đến hoạt động của HĐ như: Quyết định 150/QĐ-UBND về kế hoạch PBGDPL; Quyết định 151/QĐ-UBND ban hành kế hoạch PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và các hướng dẫn về nghiệp vụ, kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục chủ trì thực hiện có chất lượng và đảm bảo thời gian các KH, chương trình của Trung ương và của tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện KH triển khai Đề án “Củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL” (đã hướng dẫn cấp huyện; phối hợp Trường Chính trị mở lớp tập huấn; biên soạn sổ tay nghiệp vụ PBGDPL); Thực hiện Đề án Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2010. Hiện nay, đang tích cực triển khai kế hoạch tổ chức cuộc thi “Doanh nghiệp với pháp luật”; biên soạn cuốn cẩm nang Pháp luật cho doanh nghiệp; Triển khai KH Đề án 4 Chương trình 212; biên soạn sổ tay Hỏi đáp pháp luật cho cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn; hướng dẫn cấp huyện tổng kết 05 năm thực hiện đề án. Tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Phát hành 04 số tập san Pháp luật và Đời sống theo các chuyên đề: Luật Thuế - Mừng Đảng, mừng Xuân; Triển khai công tác tư pháp gắn phát động tham gia cuộc thi “Gương sáng Tư pháp”; Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; về an toàn giao thông, về pháp luật lao động; Biên soạn 02 cuốn cẩm nang: “Nghiệp vụ PBGDPL dành cho Luật sư, Luật gia, Trợ giúp viên, tư vấn viên pháp luật và Báo cáo viên cấp tỉnh”, “Những quy định PL cần cho người dân cơ sở (cho đội ngũ cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên, hoà giải viên); Tổ chức hội nghị tập huấn dành cho Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Thực hiện kịp thời và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ của Tiểu ban Tuyên truyền pháp luật giao thông - Ban An toàn giao thông tỉnh; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 09/2010/CT-UBND ngày 11/6/2010 hướng dẫn thực hiện QĐ số 06/2010/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật;
Về Hoạt động Trợ giúp pháp lý (TGPL): Tham mưu cho UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2010. Đã thụ lý thực hiện 1166 vụ việc. Tổ chức 8 đợt TGPL lưu động; tuyên truyền cho gần 1.960 người và trợ giúp pháp lý cá biệt 333 vụ việc. Nhìn chung, chất lượng TGPL được nâng cao, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tư pháp, góp phần giảm bớt việc khiếu nại, tố cáo không có cơ sở do sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân; Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý tiếp tục được tăng cường, nhất là trong hoạt động tố tụng. Nhìn chung, dù có những khó khăn nhất định về kinh phí, về trụ sở hoạt động nhưng hoạt động TGPL vẫn ổn định (tăng 33 vụ việc so với cùng kỳ năm 2009); trợ giúp pháp lý lưu động được triển khai từ trong quý đầu tiên. Số lượng Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tăng góp phần mở rộng mạng lưới hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở; hoạt động phối hợp, trao đổi về nghiệp vụ được tăng cường, chú trọng.
Công tác hành chính tư pháp (Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch): Đã cấp giấy chứng nhận kết hôn 43 cặp; ghi chú kết hôn 147 trường hợp; khai sinh 13 trường hợp; nhận cha, mẹ, con 03 trường hợp. Bảo đảm việc cung cấp, phục vụ biểu mẫu, sổ sách hộ tịch theo nhu cầu của cơ sở, nhất là biểu mẫu hộ tịch 4 loại miễn phí trên địa bàn tỉnh để đăng ký mua tại Bộ Tư pháp; Cấp phiếu lý lịch tư pháp: tiếp nhận 1651 hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp; đã cấp 1407 trường hợp; đảm bảo đúng thời gian và tính chính xác. Nhìn chung, đã tích cực cải cách hành chính, đơn giản hoá quy trình, thủ tục, rút gọn thời gian, kịp thời đáp ứng yêu cầu cho người dân và tổ chức khi có nhu cầu;
Công tác Bổ trợ tư pháp đạt được nhiều kết quả: Công tác quản lý nhà nước về Luật sư, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn (hiện nay, Đoàn Luật sư Nghệ An có 17 văn phòng luật sư, 02 Công ty Luật, 02 chi nhánh Văn phòng luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội và Đoàn Luật sư Hải Phòng với 56 luật sư chính thức, 9 người tập sự); Xây dựng Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Đề án của Chính phủ về phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 - 2020. Quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần; xây dựng Đề án thành lập đề án thành lập Trung tâm pháp y tỉnh. Xây dựng Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp của Chính phủ. Công tác công chứng, tập trung tham mưu thực hiện Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2012. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 tổ chức hành nghề công chứng; 18 công chứng viên; Thường xuyên tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện vi phạm, lệch lạc: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng; Về kết quả nghiệp vụ công chứng nhà nước: Phòng Công chứng số I công chứng 2.817 vụ việc; thu 976.926.000.000đ. Phòng Công chứng số II đã công chứng 1999 hợp đồng, giao dịch, thu lệ phí công chứng là 370.383.000đ.
Quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản: Đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2652/QĐ-UBND ngày 21/6/2010 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và hiện nay đang chủ trì chuẩn bị các nội dung để triển khai Kế hoạch. Về kết quả nghiệp vụ: Đã ký kết 61 hợp đồng trị giá 10.659.377.400 đồng. Tổ chức bán đấu giá 53 hợp đồng, trị giá 9.945.153.000 đ (tăng 244% so với cùng kỳ năm 2009), thu 236.524.500đ.
Ngoài những kết quả về chuyên môn, ngành Tư pháp còn còn tổ chức thực hiện tốt công tác Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính, Quy chế dân chủ trong cơ quan, công tác tổ chức, xây dựng ngành...
Phát huy những kết quả đạt được, trong những tháng còn lại của năm 2010, Tư pháp tỉnh tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị địa phương và lập thành tích chào mừng ngày truyền thống của ngành Tư pháp./
Nguyễn Quế Anh - Sở Tư pháp Nghệ An