“Ông Trung voi”- Người có duyên với công tác hoà giải

01/01/0001

* Ngẫu nhiên “bén duyên” với nghề

Là người chiến sỹ từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, sau giải phóng ông Nguyễn Văn Trung về làm giảng viên giảng dạy tại Học viện Hậu Cần. Năm 1986, về công tác tại Quân Khu 1. Năm 1992, về nghỉ chế độ tại địa phương. Với kinh nghiệm và vốn sống phong phú, sự trải nghiệm của mình, một lần ông đã được dòng họ giao nhiệm vụ giải quyết chuyện mâu thuẫn vợ chồng của người cháu, phân tích thiệt hơn cho vợ chồng người cháu về những thiệt hại, tổn thất do ly hôn để cả 2 cùng suy nghĩ. Hôm đó có mặt cả đồng chí Trưởng thôn ở đó và ông “tình cờ” trở thành Hoà giải viên từ ấy.

* Người có biệt danh “ Trung voi”

Về Đại Lâm vào một ngày đầu mùa Hạ cùng đồng chí Trưởng phòng Tư pháp huyện Lạng Giang nói chuyện về công tác Hoà giải ở cơ sở, tôi luôn thấy đồng chí Trưởng thôn và các Bô lão trong làng nhắc tới “ Trung voi” như một điển hình về công tác hoà giải nơi đây vì những thành tích đã đạt được trong nhiều năm công tác. Khi biết tôi có ý định viết bài dự thi “gương sáng Tư pháp” về ông, đồng chí trưởng thôn đã vui vẻ nhận lời dẫn chúng tôi tới gặp. Đón chúng tôi tại nhà riêng trong cái bắt tay đầy thân mật và ấm áp tình người với kinh nghiệm của một người từng trải ông Trung tâm sự “Mình làm gì cũng vậy, cốt là ở tấm lòng, lúc nào cũng hết lòng vì quyền lợi của bà con và vì bình yên của làng xóm”.

Ở thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang không ai không biết đến “Trung voi” người ta gọi ông với cái tên trìu mến ấy vì ông là người có dáng vóc cao to vạm vỡ, mỗi lần ông xuất hiện ở đâu là ở đó ồn ào nhộn nhịp, vui vẻ hẳn lên. 18 năm làm công tác hoà giải ông không quản nắng mưa, gió bão với tấm lòng đầy nhiệt huyết cùng niềm đam mê công việc ông đã đem đến niềm vui cho bao người, bao gia đình, dòng họ. Hàng năm, ông hoà giải thành từ 7 đến 10 vụ việc, trong đó có rất nhiều vụ việc phức tạp nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề, tận tụy trong công tác hoà giải là nghị lực cho ông và Tổ hoà giải luôn thành công trong các vụ hoà giải góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

* Thành công và những bài học kinh nghiệm

Sinh năm 1953, ông là Tổ trưởng Tổ hoà giải thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang từ năm 1992 đến nay. Ngồi nghe ông kể chuyện hoà giải tôi thấy mắt ông sáng lên niềm vui, ông nói rằng làm công tác hoà giải phải tế nhị hài hoà, hợp tình hợp lý như vậy sẽ khiến các bên tranh chấp như được xoa dịu không khí căng thẳng. Ông bộc bạch với tôi về những thuận lợi, khó khăn của nghề hoà giải: Công việc của tôi nghe đơn giản vậy thôi nhưng khi vào cuộc thì không hề đơn giản chút nào vì ở cơ sở tâm lý “hơn thua” và tâm lý “dòng họ” còn rất nặng nề. Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến thấy đánh thì đi” thế mà công việc của tôi thì ngược lại. Từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ Tư pháp toàn quốc năm 1951: “Các cô chú xét xử đã tốt rồi nếu không phải xét xử thì sẽ càng tốt hơn” nên hễ ở đâu có to tiếng mâu thuẫn, xích mích là tôi tìm đến để hoà giải, hoặc có vụ việc gì đó mới manh nha hình thành là chúng tôi cũng tìm đến tìm cách giải quyết với tâm lý “ việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”.

Trong quá trình hoà giải ông luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của làng xóm không trái với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý có tình nhằm thuyết phục 2 bên đi đến thoả thuận vui vẻ. Không chỉ dừng lại ở đó trong từng trường hợp cụ thể ở những tình huống, vụ việc hoà giải ông Trung đúc kết ra kinh nghiệm: “Gặp những vụ việc có mâu thuẫn lớn, tôi đến tận nhà tiến hành hoà giải đơn phương để tìm ra nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của các bên, tôi đưa vấn đề ra thảo luận với các thành viên trong Tổ hoà giải để cùng đưa ra kế hoạch hoà giải cho sát với vụ việc như thế sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Đối với những vụ việc xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau khi đưa ra hoà giải 2 bên thường nói xấu nhau, không bên nào chịu nhận lỗi hoà giải thường khó thành. Rút kinh nghiệm những vụ việc này ông sẽ nhờ những người có uy tín trong dòng họ hoặc những người cao tuổi 2 bên cùng tham gia hoà giải thì vụ việc sẽ đạt kết quả cao hơn. Ông cũng chia sẻ: Các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế rất đa dạng phong phú và rất phức tạp. Trong các vụ hoà giải các bên đều cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và không bên nào chịu nhận lỗi. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy nếu tổ Hoà giải nắm rõ các quy định của pháp luật vừa vận dụng tình cảm thuyết phục, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ vừa phân tích cái đúng cái sai, cái thiệt cái hơn cũng như đọc các điều khoản quy định của pháp luật về việc đó cho họ nghe thì sẽ giúp họ đi đến thoả thuận. Ông nói rằng càng gắn bó lâu với nghề ông càng thấy yêu nó hơn và cũng trăn trở hơn vì ông thấy xã hội càng phát triển mâu thuẫn phát sinh càng nhiều, hàng ngày ông chứng kiến cảnh tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhặt ở thôn, xóm… ông càng nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa trong công việc để đem bình yên đến với xóm làng. Ngồi nghe ông Trung nói tôi có cảm nhận hình như việc hoà giải đã ăn sâu vào con người ông, gắn bó máu thịt với ông, mọi kinh nghiệm tâm huyết đều xuất phát từ lòng yêu công việc và con người.

Từ những lời bộc bạch của ông Trung mới thấy hết được sự vất vả của người làm hoà giải, cho thấy mỗi vụ việc hoà giải thành là sự khẳng định phương pháp hoà giải đúng, sự vận dụng đầy đủ linh hoạt của pháp luật vào cuộc sống cũng như thái độ nhẹ nhàng, ôn hoà đúng mực đặc biệt là xuất phát từ tình cảm, lòng nhân ái bao dung vì sự bình yên của xóm làng.

Chia tay ông Trung khi cái nắng đầu mùa đã về chiều nhưng vẫn rực rỡ tôi càng khâm phục ông với công việc lặng lẽ, đầy cao quý của mình đã vun đắp cho tình làng nghĩa xóm, xoá tan mâu thuẫn góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội của địa phương. Xe đã lăn bánh trong tôi vẫn vang vọng câu nói của ông: “Làm việc vì cái chung mà, tất cả là để xã hội ổn định hơn, cuộc sống phát triển hơn…”.

Tâm huyết với nghề ông còn tặng tôi mấy khổ thơ về hoà giải:

                                      “…Phải làm sao để đổi thay tất cả

                                      Cho xóm thôn giàu đẹp văn minh

                                      Cho ấm êm ở mỗi gia đình

                                      Hoà giải viên phải lao tâm khổ tứ

                                      Mọi lúc mọi nơi với những lời giản dị

                                      Tối lửa, tắt đèn hàng xóm có bên nhau

                                      Nghĩa vợ, tình chồng mối quan hệ bền lâu

                                      Gạn đục, khơi trong mang đến tình đoàn kết

                                      Hoà giải viên những người không biết mệt

                                      Đem bình yên cho xóm thôn ta

                                      Đem ấm êm cho mỗi căn nhà

                                      Hàng trăm hộ một lòng chung ý chí

                                      Hoà giải viên mang cái tên bình dị

                                      Như những con đò đầy ắp tình yêu"

Với những gì đã đóng góp cho tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và trong công tác hoà giải ở địa phương ông Nguyễn Văn Trung đã giành được nhiều giải thưởng lớn trong các Hội thi của tỉnh, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý như :

- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba năm 1979

- Huân Chương Chiến sỹ vẻ vang Hạng Nhì năm 1982

- Huân chương Chiến sỹ vẻ vang Hạng Nhất năm 1988

- Huy Chương kháng chiến Hạng Nhì năm 1998

- Giải Ba Hoà giải viên giỏi tỉnh Bắc Giang năm 2004

- Giải Nhất Hội thi Cán bộ Dân vận khéo tỉnh Bắc Giang năm 2003

- Giải Nhất Hội thi Hoà giải viên giỏi tỉnh Bắc Giang năm 2008

- Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở giai đoạn 1998-2007./.

Nguyễn Thị Lý - Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang