Ban hành Mẫu Hồ sơ mời thầu xây lắp mới

Thực hiện quy định tại Điều 67 của Nghị định 85/2009/NĐ-CP (Nghị định 85/CP) hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng được ban hành ngày 15/10/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/12/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Thông tư số 01/2010/TT-BKH ngày 6/01/2010 (TT01) quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2010.

 

Sau khi có hiệu lực, mẫu HSMT xây lắp mới sẽ thay thế mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm theo Quyết định số 731/2008/QĐ-BKH ngày 10/6/2008 của Bộ KH&ĐT trên cơ sở Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008. Mẫu HSMT xây lắp mới ban hành để phù hợp với những quy định mới tại Nghị định 85/CP thay thế Nghị định 58/CP.

Theo một chuyên viên của Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT – đơn vị chủ trì soạn thảo, Dự thảo mẫu HSMT xây lắp đã được đưa ra thảo luận tại nhiều cuộc họp, được gửi cho các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn, đồng thời được đăng tải trên trang web của Bộ KH&ĐT để lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước. Ngoài ra, một số vấn đề vướng mắc trong quá trình soạn thảo, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tài chính đã được lấy ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc phổ biến những nội dung về đấu thầu trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật số 38/2009/QH12) và Nghị định 85/CP tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2009, đồng thời được bàn thảo với đại diện một số cơ quan tài chính, công ty kiểm toán nhằm đảm bảo khi ban hành sẽ phù hợp với thực tế.

Mẫu HSMT xây lắp mới được ban hành kèm theo TT01 bao gồm 3 phần: Chỉ dẫn đối với nhà thầu; Yêu cầu về xây lắp và Yêu cầu về hợp đồng. Ngoài ra, Thông tư còn có các Phụ lục bao gồm các ví dụ minh hoạ về tiêu chuẩn đánh giá, bảng tiên lượng để cán bộ làm công tác đấu thầu tham khảo. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung chính như sau:

Bỏ quy định về nhà thầu phụ quan trọngvì qua khảo sát, lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho thấy, việc sử dụng nhà thầu phụ quan trọng không phổ biến ở các gói thầu xây lắp mà chỉ ở các gói thầu EPC và gói thầu mua sắm hàng hoá.

Cụ thể hoá quy định về việc cho phép nhà thầu bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập, chứng chỉ chuyên môn phù hợp và các tài liệu khác theo yêu cầu của HSMT’’ theo quy định tại Điều 29 Nghị định 85/CP. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong trường hợp nhà thầu có tư cách pháp nhân, có các tài liệu nêu trên nhưng do sơ xuất không nộp trong hồ sơ dự thầu (HSDT).

Quy định về ngôn ngữ sử dụng cũng được sửa đổitrên cơ sở xác định một thứ tiếng có giá trị pháp lý trong trường hợp HSMT được lập bằng hai thứ tiếng. Mẫu HSMT mới hướng dẫn đối với đấu thầu quốc tế, trường hợp HSMT bằng tiếng Anh thì HSDT lập bằng tiếng Anh; trường hợp HSMT bằng tiếng Anh và tiếng Việt thì nhà thầu có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc tiếng Việt để lập HSDT căn cứ vào nội dung của bản HSMT bằng tiếng Anh”. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước lập HSDT, đồng thời giải quyết được tình huống trong trường hợp có sự khác nhau giữa HSMT bằng tiếng Anh và bằng tiếng Việt thì HSMT bằng tiếng Anh sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, nhà thầu trong nước căn cứ vào HSMT bằng tiếng Anh để lập HSDT, tổ chuyên gia đấu thầu sẽ căn cứ vào HSMT bằng tiếng Anh để đánh giá, tạo một mặt bằng cho nhà thầu trong nước và nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu quốc tế.

Cụ thể hoá quy định trong Nghị định 85/CP về sử dụng lao động nước ngoài. Chủ đầu tư sẽ chỉ quy định về sử dụng lao động nước ngoài khi gói thầu có yêu cầu. Trường hợp gói thầu có quy định về sử dụng lao động nước ngoài thì nhà thầu xem xét, chào trong HSDT việc sử dụng lao động nước ngoài nhưng phải đảm bảo tuân thủ quy định của HSMT, Nghị định 85/CP và quy định của pháp luật về lao động (Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam).

Hướng dẫn quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Thứ nhất, kinh nghiệm thi công xây dựng được xác định qua tiêu chuẩn số lượng các hợp đồng xây lắp tương tự đã thực hiện với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ. Quy định trước đây chỉ cho phép nhà thầu kê khai các hợp đồng đã thực hiện với tư cách là nhà thầu chính. Thứ hai, hệ số k trong công thức tính yêu cầu về doanh thu được giảm từ 2 đến 2,5 xuống còn 1,5 đến 2. Đồng thời có hướng dẫn riêng đối với trường hợp thời gian thực hiện hợp đồng dưới 1 năm thì yêu cầu tối thiểu về mức doanh thu trung bình hàng năm bằng giá gói thầu x  k (thông thường k = 1,5). Hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu nhỏ và vừa có thêm cơ hội tham gia đấu thầu. Thứ ba, Mẫu HSMT xây lắp mới đã bỏ hướng dẫn về lưu lượng tiền mặt và sửa đổi tên chỉ tiêu “tỷ suất thanh toán hiện hành” thành “hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn”. Thứ tư, sửa đổi quy định liên quan đến tài liệu gửi đính kèm để chứng minh năng lực tài chính. Theo đó, để kiểm tra các số liệu mà nhà thầu kê khai, nhà thầu được yêu cầu nộp Báo cáo tài chính và bản chụp được chứng thực của một trong các tài liệu quy định tại mục B Mẫu số 14 Mẫu HSMT xây lắp mới.

Ngoài những nội dung nêu trên, mẫu HSMT xây lắp mới còn sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp HSDT có thư giảm giá, việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch sẽ được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá ...

Mẫu HSMT xây lắp mới được ban hành nhanh chóng sau khi Nghị định 85/CP có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị liên quan khi thực hiện công tác đấu thầu theo quy định mới, chuẩn hoá quy trình, thủ tục về đấu thầu, góp phần nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của quá trình đấu thầu. Trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT cũng sẽ xúc tiến ban hành các mẫu HSMT, mẫu báo cáo thẩm định kết quả đấu thầu thay thế các mẫu cũ để tạo sự thống nhất, thuận lợi trong áp dụng quy định của Luật Sửa đổi và Nghị định 85/CP.

Thành Trung