Bế mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ VI:Chống độc quyền trong đấu thầu


 
Ngày 20.8, trước khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đọc diễn văn bế mạc Hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách, các ĐB chuyên trách tiếp tục thảo luận dự án Luật Đấu thầu. Dự luật này được đánh giá là công cụ quan trọng, với những quy định mới có thể ngăn chặn các chủ đầu tư, nhà thầu,... gây lãng phí, rút ruột công trình đã và đang xảy ra lâu nay. Chống khép kín Trước khi thảo luận về dự án Luật Đấu thầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhấn mạnh: "Luật này phải đưa ra được những quy định sao cho muốn tham ô, lãng phí, rút ruột công trình... cũng không được". Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu thẳng thắn chỉ ra một bất cập: Bộ Giao thông Vận tải là chủ dự án chủ trì mời thầu - ra "đầu bài thi" - mời thành viên chấm bài - sau đó lại quyết định chấm bài. Trong khi đó Bộ này có nhiều doanh nghiệp trực thuộc Bộ ("quân xanh"), vậy thì đấu thầu làm sao đảm bảo khách quan với doanh nghiệp bên ngoài được? Phó Chủ tịch gợi ý: Nên chăng Luật Đấu thầu đưa ra quy định cơ quan "ra đầu bài" và "chấm bài" là cơ quan khác (không phải Bộ GTVT). Đó là biểu hiện thực tế của "độc quyền" trong đấu thầu hay nói cách khác là tình trạng "khép kín đầu tư sử dụng vốn nhà nước". Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, việc khép kín trong đấu thầu đang diễn ra phổ biến là các dự án thuộc các Bộ, ngành và địa phương do các doanh nghiệp trực thuộc "bao" các công việc từ thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp, giám sát thi công... Cách làm này dẫn đến độc quyền, thiếu tính cạnh tranh và cuối cùng là lãng phí, hiệu quả thấp. Trước thực tế đó các đại biểu đề nghị cần quy định trong dự luật biện pháp "chống khép kín trong đầu tư sử dụng vốn", nói cách khác là chống độc quyền đấu thầu. Dự án có vốn nhà nước phải đấu thầu Theo tờ trình của Chính phủ thì phạm vi điều chỉnh quy định trong dự luật chỉ tập trung đối với các gói thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên và các dự án sử dụng vốn nhà nước cho các nhu cầu mua sắm thường xuyên cho 3 lĩnh vực đấu thầu: Cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá và xây lắp. Một số đại biểu cho rằng cần quy định mọi dự án có sử dụng vốn nhà nước đều thuộc phạm vi điều chỉnh của dự luật. Đại biểu Đặng Như Lợi (Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội) nói: "ở các nước họ quy định việc mua sắm từ cái nhỏ nhất cũng phải đấu thầu. Vì vậy quan chức của họ dù lương cao nhưng không "ăn" được gì thì vẫn hoá ra lương thấp. Còn ở ta, lương thấp nhưng "làm ăn" được từ các dự án của Nhà nước nên hoá ra là "lương" lại cao". Thu hẹp chỉ định thầu Về thực trạng chỉ định thầu nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng: Vẫn còn xảy ra tràn lan hiện tượng chia nhỏ các gói thầu để tổ chức đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, tạo điều kiện cho các nhà thầu liên kết, móc ngoặc dưới dạng "quân xanh, quân đỏ". Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ trọng các hình thức đấu thầu kiểu này xét về số lượng gói thầu có khi lên tới 70%, mặc dù các gói thầu này thường có giá trị nhỏ. Để "chặt đứt" sự móc ngoặc giữa "quân xanh, quân đỏ", trong dự luật đã có quy định thu hẹp hình thức chỉ định thầu từ 9 xuống còn 4 hình thức. Cụ thể các trường hợp: Bất khả kháng, có sự cố, có yêu cầu khẩn cấp; gói thầu đặc biệt liên quan đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; gói thầu có tính chất thử nghiệm; gói thầu tư vấn có giá trị dưới 500 triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hoá hoặc xây lắp dưới 1 tỉ đồng. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc thu hẹp hình thức chỉ định thầu, nhưng cho rằng cần quy định cụ thể hơn về các gói thầu liên quan đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia được chỉ định thầu, không nên quy định chung chung như vậy. Về giám sát sau đấu thầu, giám sát thi công là các công việc hết sức quan trọng bởi chất lượng công trình phụ thuộc rất nhiều vào quá trình giám sát thi công. Công việc này thường do tư vấn độc lập, có kinh nghiệm năng lực và uy tín đảm nhiệm. Nhưng các đại biểu cho rằng các nhà thầu tư vấn thực hiện công tác giám sát thi công chưa đáp ứng được các yêu cầu, thậm chí thông đồng với nhà thầu để "rút ruột" công trình hoặc thay đổi chất lượng vật tư sử dụng... làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng công trình. Ngoài ra, còn có tình trạng các nhà thầu trúng thầu rồi nhượng lại cho nhà thầu khác để hưởng chênh lệch dưới dạng bán thầu. Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng cần đưa vào Luật Đấu thầu quy định về giám sát sau đấu thầu.


Các tin khác