Không nhớ đã cầm lái bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu điểm đến, từ “vùng xanh”, vùng phong tỏa đến bệnh viện dã chiến đang điều trị F0; bất kể ngày hay đêm, bất kể có bạn đồng hành hay một mình, nơi nào cần là vị Luật sư (LS) tuổi 57 đều có mặt.
LS Nguyễn Đình Thuận (SN 1965, thuộc Đoàn LS TP HCM) không xa lạ gì với độc giả nhiều tờ báo, đặc biệt là Báo PLVN. Trong nhiều vụ việc dư luận quan tâm, LS Thuận thường đưa ra những ý kiến tư vấn, giải đáp pháp luật chính xác để người đọc, cơ quan chức năng tham khảo.
Không chỉ tinh thông nghiệp vụ, LS Thuận còn nổi tiếng lăn xả bảo vệ pháp luật; đặc biệt khi bào chữa, bảo vệ miễn phí cho nhiều người dân nghèo, khuyết tật, người già. Vụ án cụ già 84 tuổi ở TP Cần Thơ bị con “đòi bỏ tù” vì tranh chấp đất là một ví dụ. Cụ già gầy gò, khi ra tòa hai tay phải bám chặt vành móng ngựa vì đứng không vững ấy trước đó đã bị con tranh chấp đất, dẫn đến cha con ẩu đả. Cha con thành bị cáo – bị hại. Biết tin, LS Thuận liên hệ, đề nghị bào chữa miễn phí cho cụ già.
Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lặn lội đi lại nhiều lần, không chỉ đưa ra những luận cứ vững chắc mà còn thay mặt cụ già bị cáo khuyên bảo và xin lỗi người con; nên người con – bị hại sau đó đã rút đơn yêu cầu khởi tố tại tòa. Cụ già - bị cáo thoát án; mà người con – bị hại cũng thoát khỏi day dứt.
LS Thuận còn được nhớ đến trong vụ kiện giữ lại căn nhà cha mẹ cho người con út tật nguyền ở TX An Nhơn, Bình Định. Trong các vụ án, LS Thuận luôn đứng về phía người yếu thế, trẻ em. Nghe tin vụ án nào bức xúc như trẻ em bị hành hạ, bị xâm hại hoặc có dấu hiệu tiêu cực, LS Thuận đều tìm cách liên hệ với bị hại, sẵn sàng bảo vệ miễn phí.
Quan niệm sống vì mọi người
Quan niệm vì mọi người lại được LS Thuận tâm niệm phát huy khi dịch bệnh tràn đến TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Ngừng công việc, ông rời bàn giấy, trở thành tài xế những chuyến xe chở thực phẩm miễn phí đến người dân.
LS Thuận kể: “Khoảng 2 tháng trước, Thành đoàn TP HCM có tổ chức chương trình thiện nguyện, chuyên chở rau, củ, quả 0 đồng. Anh em quen biết nhờ hỗ trợ một chiếc xe tải để vận chuyển. Tôi không có xe tải. Muốn tham gia, nên tôi rủ người em có xe tải. Hai anh em tham gia được một thời gian thì người em do bận việc gia đình. Còn một mình, tôi mượn xe người em, ôm vô lăng chạy suốt cho đến giờ”.
Ngoài thời gian chạy cho Thành đoàn; LS Thuận nhận chạy miễn phí cho các nhóm từ thiện hoặc các LS trong nhóm “SOS Law” cần vận chuyển hàng từ nhà hảo tâm đến khu dân cư, khu phong tỏa...
“Dịch bệnh căng thẳng, người nghèo thiếu thốn đủ thứ, các LS không thể ngồi yên được nên cùng tham gia như LS Đào Kim Lân, LS Nguyễn Hoài Nghĩa, LS Nguyễn Thạch Thảo, LS Phương Văn Thêm và một số anh em bạn bè khác. Anh em người góp tiền, người góp sức. LS Thạch Thảo góp 1 tấn gạo, LS Nghĩa góp 50 thùng mì… Các nhà hảo tâm, người quen của các LS cũng đóng góp rất nhiều. Khách hàng, đồng nghiệp, bằng hữu trên Lâm Đồng ủng hộ rau củ quả, tôi cũng lên tận nơi nhận chở về cho bà con”.
Bao nhiêu chuyến xe, bao nhiêu điểm đến, bao nhiêu khu phong tỏa, bao nhiêu bệnh viện dã chiến... đã tới, LS Thuận không đếm. Chỉ biết ở đâu cần là đến, không ngại đó là khu phong tỏa, bệnh viện, xa gần, miễn là có địa chỉ, có người khó khăn đang cần giúp. Có nơi mấy trăm phần, có nơi vài chục phần.
Có những khi một gia đình lao động cầu cứu kẹt lại TP không còn gì để sinh sống, LS Thuận vẫn quyết định lên xe đi trao 1 phần. Có nơi chỉ vài hộ dân kêu thiếu thốn, dù nhận tin nhắn vào buổi tối, LS Thuận vẫn lên đường. Có khi 23h đêm hôm nay đi, 21h đêm sau mới về tới nhà. Những chuyến xe rau từ Đà Lạt xuống thường 1-2h đêm, không ai phụ giúp, LS Thuận tự xuống rau, tự xếp lên xe mình.
Hai tháng qua, gia đình cho hay hầu như LS Thuận không ăn bữa trưa nào đàng hoàng. Hôm thì vợ ông làm cơm cháy chà bông, hôm thì dúi cho chồng cái bánh mì, bánh bao mang lên xe vừa lái vừa ăn.
Động lực chiến thắng nỗi sợ dịch bệnh
Động lực nào khiến LS Thuận tuổi không còn ít vẫn không ngại nguy hiểm, trong khi nhiều người rất sợ, nhất là khi vào khu có nguy cơ cao, khu F0?
LS Thuận bày tỏ: “Sợ thì ai cũng sợ. Nhưng một cái tình cảm, một điều gì đó vô hình thôi thúc, mách bảo mình rằng những nơi phong tỏa, điều trị F0 có nhiều người đang cần. Mình cảm nhận những thứ trên xe mình đang chở là rất cần cho họ."
"Tôi nghĩ đơn giản, ngoài kia có những người khó khăn cần được giúp. Bản thân tôi từng đi qua những giai đoạn khó khăn, nghèo khó, nên đồng cảm với những nỗi khổ, sự thiếu thốn. Trong cơn đại dịch này, đặc biệt những công nhân, người ngoại tỉnh vào TP làm việc rất khổ nếu trở tay không kịp, không thể về quê được, khó nhận tiếp tế từ gia đình. Người lớn còn có thể kham khổ, còn trẻ em thì làm sao?."
"Tôi tâm niệm ai cũng lo cho sự an toàn của mình thì những người khó khăn sẽ khó khăn hơn. Nếu mỗi người góp một chút của, một chút hi sinh, một chút cố gắng... thì sẽ bớt người khó khăn hơn."
"Công việc chính của tôi vận chuyển, chuyên chở. Còn biết bao nhiêu người khác ngày đêm thu hoạch, vận chuyển, có những nhà hảo tâm, tổ chức đứng ra nhận, chia phần, mình mới có cái chở đi. Một chuỗi như vậy, biết bao nhiêu con người dám hi sinh lâu nay, giúp người đang ở trong cảnh khốn khó đỡ hơn phần nào."
"Lúc bắt đầu công việc thì đã không tính toán suy nghĩ gì, dù tôi biết mình tuổi không còn ít, sức khỏe không như thời trai trẻ. Nhiều khi tôi ngồi một mình, tự nghĩ không hiểu sao có ngày một mình chuyển 2 – 3 chuyến rau, củ, quả, gạo từ xe tải lớn xuống xe tải nhỏ gần 3,5 tấn. Rồi từ xe tải nhỏ chuyển xuống đất. Ngày thường hành nghề luật sư, một cặp, một máy tính và xách thêm bộ hồ sơ từ xe vào tòa là thấy mệt rồi. Nay gần như ngày nào cũng vậy, nếu chia trung bình vác lên xuống chắc hàng tấn. Có cái gì đó giúp mình mạnh mẽ hơn? Chắc là những suy nghĩ về những người đồng bào thân thương của mình”, LS Thuận nói.
LS Thuận cho hay, qua cơn hoạn nạn, qua cơn đại dịch mới thấy tấm lòng người Việt “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”, người có điều kiện không ngần ngại đùm bọc người yếu thế, khó khăn. LS Thuận nói nhận được những bài học rất giá trị từ các mạnh thường quân đồng hành âm thầm, lặng lẽ. LS Thuận muốn công khai cảm ơn, nhưng nhiều khi họ không muốn.
“Họ chỉ cần theo dõi những hình ảnh tôi công khai trên facebook. Họ nhìn vào đó, biết được tình thương, sự đóng góp của mình đã đến đúng nơi, đúng người cần giúp đỡ là toại nguyện; không cần cảm ơn”. Với người nhận, LS Thuận cũng cảm nhận được niềm vui ánh lên trong mắt khi nhận được bó rau, cân gạo.
Ông tâm sự: “Mình còn may mắn hơn nhiều người, còn có đầy đủ bữa ăn, mái nhà. Nhưng có những gia đình long đong, lao đao, không có tiền trả nhà trọ, con thiếu gạo khát sữa. Tôi sẽ không bỏ cuộc, tiếp tục chuyển tải tình thương, sự chia sẻ của những người đóng góp đến với người khó khăn cho đến khi chúng ta chiến thắng dịch bệnh”.