5 năm, tham gia ý kiến 520 dự thảo văn bản
Bước chân vào Sở Tư pháp từ 2001 với vị trí chuyên viên của Phòng Văn bản – Phổ biến Giáo dục pháp luật (PBGDPL), bà Hà vẫn nhớ như in những ngày đầu. Khi đó Phòng chuyên môn mà bà Hà công tác chỉ có 7 người; lại ghép hai chức năng, nhiệm vụ nên có nhiều khó khăn nhất định.
Với nhiệt huyết của một sinh viên mới ra trường, được trở về quê hương cống hiến, cùng việc được đào tạo ở ngôi trường giàu truyền thống ĐH Luật Hà Nội, niềm say mê với công việc và được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các đồng nghiệp, bà Hà đã cùng với các đồng nghiệp tích cực trong công tác tham mưu cho Ban Giám đốc, nỗ lực làm tròn vai trong công tác Văn bản và PBGDPL.
Xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là lĩnh vực khó khăn, phức tạp nhất của ngành Tư pháp, cũng là lĩnh vực trọng tâm mà qua đó khẳng định uy tín, vị thế của ngành trong phát triển KTXH. “Làm công tác văn bản không những phải có kiến thức pháp lý vững vàng, mà các lĩnh vực của đời sống cũng phải am tường, thì mới có thể tham mưu chính xác để các cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách phù hợp pháp luật và có tính khả thi, phù hợp thực tiễn”, bà Hà tâm sự.
Với lợi thế nhiều năm công tác trong lĩnh vực văn bản, cộng với sự hiểu biết, tính ham học hỏi và nhanh nhạy khi nắm bắt các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống; nên những tham mưu trong công tác văn bản của Sở Tư pháp luôn được ghi nhận, đánh giá cao. Trở thành Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra Văn bản QPPL năm 2011 (khi 33 tuổi) cho đến năm 2019 khi trở thành Giám đốc Sở Tư pháp Bắc Giang, lĩnh vực công tác này luôn gắn bó với bà Hà như một cơ duyên.
Không phải ngẫu nhiên công tác thẩm định văn bản QPPL ở Bắc Giang được đánh giá cao, trở thành cơ quan “gác cửa tin cậy về mặt pháp lý” cho tỉnh thông qua con số 100% văn bản của HĐND, UBND tỉnh trước khi ban hành đều qua góp ý kiến, thẩm định của Sở Tư pháp.
Bà Hà nói đó là nhiệm vụ, nhưng cũng là niềm tự hào khi được lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao trọng trách. Đây cũng là sự thử thách, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Giang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện quyết liệt nhiều chính sách trong phát triển KTXH.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, Sở đã tham gia ý kiến vào 520 dự thảo văn bản, thẩm định 278 dự thảo văn bản QPPL. Chất lượng công tác thẩm định luôn được chú trọng, nâng cao.
Cách đây 5 năm, trên cương vị Phó Giám đốc Sở, bà Hà đã giúp Giám đốc chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ soát xét, hoàn thiện dự thảo văn bản trước khi trình UBND tỉnh ký ban hành trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của tỉnh. Đây là điểm sáng tạo nổi bật được Bộ Tư pháp đánh giá mô hình, cách làm mới; được Sở Tư pháp một số tỉnh tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Bắc Giang cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ban hành Quyết định Quy định biện pháp thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành. Kết quả đến nay việc thực hiện đi vào nền nếp, hiệu quả, là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác văn bản.
Nỗ lực đưa pháp luật đến mọi người dân
Cũng như công tác văn bản, công tác PBGDPL là lĩnh vực mà bà Hà dành nhiều tâm sức. “Xuất phát từ đặc điểm ở nhiều vùng khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế nên làm thế nào để pháp luật như nhu cầu không thể thiếu” là điều làm bà Hà luôn trăn trở.
Bà Hà luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới các hình thức PBGDPL với những nội dung thiết thực cho từng đối tượng, địa bàn. In ấn tờ rơi, tờ gấp, đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý, tổ chức các hội thi từ cấp cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin…
Các hình thức PBGDPL hầu hết được trải nghiệm ở mọi vùng, miền để tìm ra những phương thức hiệu quả đưa pháp luật đến với từng người dân. Sở Tư pháp cũng đã xây dựng, vận hành, ứng dụng, khai thác có hiệu quả thành công Cổng thông tin điện tử PBGDPL tỉnh Bắc Giang; trang zalo PBGDPL Bắc Giang; và đặc biệt là Hệ thống thông tin pháp luật được biên tập, đăng tải đầy đủ các văn bản QPPL của Trung ương và địa phương trên 21 lĩnh vực, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu tất cả các văn bản QPPL theo nhu cầu, đảm bảo nhanh chóng, tiện ích.
Sáu tháng đầu năm 2021 là thời điểm Bắc Giang bùng phát dịch bệnh COVID-19 nhưng toàn hệ thống chính trị vẫn phải đảm bảo cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND được diễn ra an toàn. Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động trong tuyên truyền pháp luật về bầu cử bằng nhiều hình thức, góp phần giúp cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh diễn ra thành công tốt đẹp.
Cùng với các lĩnh vực trọng tâm công tác văn bản và PBGDPL, nhiều lĩnh vực khác của Sở Tư pháp Bắc Giang được đánh giá cao, xuất hiện nhiều điểm sáng như trong công tác bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho DN, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật và bồi thường nhà nước.
Càng khó khăn, càng ý chí vươn lên
Trên cương vị người đứng đầu, trong bối cảnh nguồn lực của các cơ quan nhà nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng còn nhiều khó khăn, bà Hà đã cùng tập thể lãnh đạo Sở tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh công tác tư pháp về cơ sở; thường xuyên nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp ở cơ sở để từ đó có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ.
Cùng đó, việc kiện toàn bộ máy cũng được bà Hà quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Ngoài việc nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, Sở chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ chủ động, sáng tạo “vì dân phục vụ”. Sở cũng tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị.
Những nỗ lực trong công tác của Sở Tư pháp Bắc Giang cũng như cá nhân Giám đốc Đỗ Thị Việt Hà đã được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận; tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh; Chiến sĩ thi ngành Tư pháp, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...
Kiệm lời khi nói về mình, nhưng bà Hà chia sẻ cảm thấy tự hào vì ngành Tư pháp đã góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. “Chúng tôi thuận lợi là luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Bộ Tư pháp và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan”, bà Hà nhấn mạnh, kết quả của những thành công của ngành Tư pháp Bắc Giang còn là sự cộng hưởng của một tập thể thực sự đoàn kết, chung sức, chung lòng.
Những ngày tháng 7 này, khi bắt đầu một nhiệm kỳ Quốc hội mới, nhiệm kỳ khóa XV, Giám đốc Đỗ Thị Việt Hà còn mang trong mình một trọng trách mới khi trúng cử ĐBQH tỉnh. Mang trọng trách lớn mà cử tri đã tin tưởng gửi gắm, bà Hà cam kết sẽ không ngừng nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm của người ĐBQH; luôn hành động vì quyền, lợi ích chính đáng của cử tri, nhân dân.
Đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp mà bà phụ trách, bà sẽ lắng nghe các vấn đề từ thực tiễn đời sống để có những chuyển biến mạnh mẽ; sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền PBGDPL; thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện, tranh chấp; thực hiện công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, chứng thực nhanh gọn, chính xác, linh hoạt để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Hành trình 20 năm cống hiến từ khi còn là một chuyên viên chập chững vào nghề, đến nay trên cương vị người đứng đầu ngành Tư pháp địa phương, điều người ta cảm nhận chưa bao giờ vơi ở nữ Giám đốc Sở này là sự nhiệt huyết, đam mê với công việc và sự nỗ lực không ngừng. “Ngành Tư pháp hiện còn nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng trong khó khăn mới thể hiện rõ nhất ý chí vươn lên, biến khó khăn thành động lực”. bà Hà tâm niệm.