Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm: Tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số ngành Tư pháp
Phóng viên: Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong thực hiện chuyển đổi số liên quan tới lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm:
Chuyển đổi số đã trở thành phong trào, là xu thế không thể đảo ngược, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược. Trước yêu cầu cấp bách đó, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã chủ động, tích cực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp dịch vụ công trong đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể
Trong triển khai, vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản
Từ ngày 19/03/2012, Cục Đăng ký chính thức vận hành Hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản bằng động sản đạt mức độ 3 về dịch vụ công trực tuyến và đạt mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến từ ngày 10/07/2017. Từ ngày 04/10/2021, tất cả các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử (dịch vụ công trực tuyến toàn trình), từ việc tiếp nhận, giải quyết đến ký số và trả kết quả. Hiện tại, các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục (là đơn vị thuộc Cục trực tiếp thực hiện cung cấp dịch vụ công) cung cấp 06 dịch vụ công trực tuyến về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm với 100% hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin đều được số hóa. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến về biện pháp bảo đảm đã tăng hơn 68% so với thời điểm bắt đầu chính thức triển khai hệ thống (năm 2012 đạt 17,58% và hiện nay đạt gần 87% tính đến tháng 9/2024).
Tính đến tháng 15/9/2024, Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản đang trực tiếp phục vụ hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin cho hơn 10.500 tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác. Trung bình mỗi ngày có hơn 3.300 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin, hơn 1.500 văn bản thông báo thế chấp phương tiện giao thông được gửi tới cơ quan đăng ký quản lý phương tiện và hơn 10.000 lượt tra cứu, tìm kiếm thông tin được thực hiện trên Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản. Đến thời điểm hiện nay, có hơn 8.130.000 hồ sơ đăng ký trong Cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
Việc cung cấp dịch vụ công toàn trình về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản được đánh giá là điểm sáng của Bộ Tư pháp về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ góc độ của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, với việc thực hiện đăng ký trực tuyến giúp các chủ thể nêu trên sẽ dễ dàng tiếp cận với dịch vụ đăng ký do Nhà nước cung cấp với thủ tục nhanh chóng, thuận lợi qua đó giúp giảm thiểu tối đa chi phí xã hội (thời gian, kinh phí…). Từ giác độ của cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm, việc vận hành Hệ thống đăng ký trực tuyến giúp cắt giảm chi phí hành chính do ngân sách nhà nước cấp, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình thực hiện. Với việc vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến, Nhà nước đã cung cấp một cơ sở hạ tầng tài chính hiệu quả, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay được bảo đảm bằng động sản. Hệ thống đăng ký trực tuyến đã được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá là một trong các hệ thống hiện đại trong khu vực Đông Nam Á.
Trong xây dựng và phát triển dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo mô hình kết nối, chia sẻ
Cục Đăng ký đã thực hiện xây dựng và phát triển dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản theo mô hình kết nối, chia sẻ, theo đó đã (i) Tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 22/9/2022; (ii) Kết nối, chia sẻ dữ liệu số về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với Cục Cảnh sát giao thông của Bộ Công an thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; (iii) Kết nối Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến; (iv) từ ngày 15/1/2024 đến nay, Cục Đăng ký đã cấp hơn 730 mã số sử dụng cơ sở dữ liệu cho các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cả nước để hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ hoạt động tố tụng, hoạt động thi hành án dân sự.
Phóng viên: Xin bà cho biết, những định hướng, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm:
Trong bối cảnh chung của công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, Chính quyền điện tử, tiến tới Chính quyền số, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm nhận thấy, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần được chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, từ đó góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số của Cục Đăng ký, của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó cần tập trung vào những định hướng, giải pháp sau đây:
Thứ nhất, xác định thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số, thể chế cần đi trước một bước. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản nhằm tạo tiền đề và căn cứ pháp lý cho việc nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện hệ thống đăng ký trực tuyến đáp ứng quy trình nghiệp vụ mới dựa trên dữ liệu số, hạ tầng số một cách có kiểm soát; phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế số - xã hội số, đẩy nhanh tiến trình phát triển, hoàn thiện Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Ngành Tư pháp. Pháp luật cần được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng sẵn sàng tiếp nhận công nghệ, giải pháp, mô hình số, thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động quản lý, sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, cập nhật và bao quát được xu thế phát triển mới về công nghệ, kinh tế số, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu về hội nhập quốc tế, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, hàng hóa và logistics…
Thứ hai, Hệ thống đăng ký trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng tăng cường ứng dụng các công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm bảo đảm, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng động sản.
Thứ ba, xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số, theo đó cần chú trọng bổ sung nhân sự công nghệ thông tin có chất lượng cao; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của Cục đáp ứng yêu cầu với yêu cầu, nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ tư, tăng cường truyền thông về Hệ thống đăng ký trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp; đặc biệt là việc tuyên truyền, quảng bá về sự nhanh chóng, thuận tiệu, hiệu quả của việc sử dụng phương thức đăng ký trực tuyến để nâng cao hơn nữa tỷ lệ đăng ký qua phương thức này.
Thứ năm, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và quyết tâm chính trị của Đảng ủy Cục, Lãnh đạo Cục, của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai xây dựng, quản lý vận hành dịch vụ công trực tuyến, đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân, doanh nghiệp trong quá trình cung ứng dịch vụ công toàn trình về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà./.