Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Việc triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ về những thành tựu đã đạt được trong thời gian. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp xin trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Bồi thường nhà nước.

Phóng viên: Xin chào ông Trần Việt Hưng, cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Thưa ông, tiếp nối kết quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009, năm 2023 vừa qua Bộ Tư pháp đã hoàn thành đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, xin ông cho biết, quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong những năm qua đã có tác động như thế nào đối với công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc?
Ông Trần Việt Hưng: 
Năm 2023 vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017. Thông qua hoạt động này, có thể thấy rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự toàn diện trong việc triển khai, tổ chức thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp đã đạt được nhiều kết quả, có những tác động hết sức tích cực đối với công tác bồi thường nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Việc tổ chức triển khai thi hành Luật TNBTCNN đã tiếp tục khẳng định cam kết của Đảng và Nhà nước trong tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, giúp củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu thực thi Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Có thể nói, từ kết quả tích cực của hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nên công tác bồi thường nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, thể hiện qua một số điểm chủ yếu như sau:
Một là, các cơ quan giải quyết bồi thường đã chủ động hơn trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại, cũng như trong việc thường xuyên phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước cả ở trung ương (Bộ Tư pháp - qua đầu mối Cục Bồi thường nhà nước) và địa phương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - qua đầu mối Sở Tư pháp) để được hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN. Với những quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017 và sự chủ động của các cơ quan trong việc giải quyết bồi thường nên tỷ lệ vụ việc đã giải quyết xong trung bình năm của 05 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2017 là 14,8% cao hơn so với tỷ lệ 13,2% vụ việc đã giải quyết xong trung bình năm của 06 năm thi hành Luật TNBTCNN năm 2009[1]
Hai là, chất lượng giải quyết bồi thường thiệt hại được nâng cao, những sai phạm trong công tác giải quyết bồi thường thiệt hại đã giảm nhiều hơn. Điều này không chỉ cho thấy chất lượng của hoạt động giải quyết bồi thường thiệt hại đã được tăng lên đang kể mà còn giảm thiểu tác động tới việc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại.
Ba là, việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại được thực hiện đúng pháp luật hơn, trách nhiệm chứng minh được thực hiện đầy đủ hơn. Tình trạng người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường “sai địa chỉ” hoặc tình trạng đưa ra yêu cầu bồi thường quá cao tới mức “không tưởng” đã giảm đáng kể.
Bốn là, hoạt động cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường của Bộ Tài chính, Sở Tài chính được thực hiện kịp thời hơn, qua đó giúp cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại đúng như nội dung thỏa thuận trước đó giữa các bên về việc chi trả tiền bồi thường.

Phóng viên: Để đạt được những kết quả nêu trên, ông đánh giá như thế nào về vai trò tham mưu của Cục Bồi thường nhà nước và các Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước và tổ chức thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước?
Ông Trần Việt Hưng:
 Có thể nói, trong thời gian qua mà nhất là giai đoạn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017, Cục Bồi thường nhà nước và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tích cực phối hợp, chủ động thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo phân cấp. Cục Bồi thường nhà nước đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật về TNBTCNN tạo cơ sở pháp lý để thực hiện một cách nền nếp hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi toàn quốc.
Ở địa phương, việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước đã tiếp tục được nhiều địa phương quan tâm thực hiện bài bản và đạt hiệu quả. Tính đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng. Hoạt động phối hợp liên ngành đã giúp địa phương tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, thúc đẩy công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.

Phóng viên: Từ những kết quả nêu trên, xin ông cho biết những giải pháp mà Cục Bồi thường nhà nước thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bồi thường nhà nước.
Ông Trần Việt Hưng:
 Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bồi thường nhà nước, trong thời gian tới, Cục Bồi thường nhà nước tập trung thực hiện những giải pháp sau:
Một là, về các giải pháp trước mắt, bao gồm:
- Bổ sung hoàn thiện thể chế, tập trung vào sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2017.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TNBTCNN cho đối tượng là cá nhân, tổ chức; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra liên ngành, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước; hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường; thống nhất các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về TNBTCNN.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thực hiện công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt là hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Hai là, về các giải pháp lâu dài, bao gồm:
- Tiếp tục tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; triển khai công tác bồi thường nhà nước trên cơ sở quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng tại các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Đề xuất, kiến nghị về phương án, chính sách sửa đổi Luật TNBTCNN năm 2017 để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TNBTCNN năm 2017, bảo đảm hành lang pháp lý về công tác bồi thường nhà nước, cũng như phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Xin trân trọng cảm ơn ông! Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập ngành Tư pháp, Cổng thông tin điện tử chúc Cục Bồi thường nhà nước ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển chung của Bộ, ngành Tư pháp và của toàn xã hội./.
Thực hiện: An Như – Trung tâm Thông tin
 
[1] Báo cáo số 129/Bc-BTP ngày 14/3/2024 Báo cáo đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - trang 8