Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Cục trưởng Hồ Quang Huy: Người nỗ lực phát huy vai trò quan trọng của công tác kiểm tra VBQPPL

Gắn bó với Bộ Tư pháp từ lúc mới ra trường đến nay đã tròn 20 năm, với phương châm làm việc “Thận trọng, khách quan, quyết liệt, đúng pháp luật”, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có nhiều đóng góp tích cực đối với những mảng công tác mà ông được giao đảm nhiệm, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Những may mắn ngày đầu được gắn bó với Bộ Tư pháp
Cục trưởng Hồ Quang Huy nhớ lại cách đây đúng 20 năm, với tấm bằng Cử nhân luật loại Giỏi chuyên ngành Pháp luật Kinh tế và là đảng viên vinh dự được kết nạp trong Trường Đại học Luật Hà Nội, ông đã trúng tuyển vào Bộ Tư pháp và được phân công về làm việc tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Một trong những may mắn của những ngày đầu vào nghề với nhiều bỡ ngỡ là ông được làm việc tại Phòng Quản lý đăng ký giao dịch, tài sản (nay là Phòng Quản lý nghiệp vụ của Cục) - đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp Cục trưởng, Lãnh đạo Bộ xây dựng và tổ chức thi hành văn bản pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, nhất là trong bối cảnh chế định này còn rất mới ở Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là định chế tài chính quốc tế.
Thời điểm đó, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Bộ luật Dân sự năm 2005, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì soạn thảo chế định về giao dịch bảo đảm trong Bộ luật này.
Đó cũng chính là cơ hội để ông được tiếp xúc, làm việc thường xuyên với các chuyên gia pháp lý có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu, uyên bác của Việt Nam và quốc tế, từ đó có điều kiện được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong nghiên cứu, xây dựng pháp luật.
Tiếp nối may mắn đó, sau khi từ Văn phòng Bộ (Ban Thư ký Lãnh đạo Bộ) trở về công tác tại Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, ông lại được giao trực tiếp tham mưu xây dựng chế định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Với sự chăm chỉ, cần mẫn và sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình của các đồng nghiệp, bằng những kết quả công tác cụ thể, những cố gắng của ông đã được Lãnh đạo Bộ ghi nhận và bổ nhiệm ông làm Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm vào tháng 3/2013.
Đến tháng 01/2015, ông được điều động làm Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, đơn vị mới được thành lập vào tháng 7/2024. Thời gian công tác tại đây đã giúp ông nắm bắt được những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, tạo tiền đề giúp ông nhìn nhận toàn diện, có hệ thống về mối quan hệ giữa các văn bản QPPL với yêu cầu của thực tiễn, cũng như nhận diện được “mâu thuẫn, chồng chéo” trong các QPPL liên quan - công việc ông đang phụ trách hiện nay.
 
Cục Kiểm tra văn bản QPPL đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước (tháng 8/2023)

“Có thể nói, một trong những trải nghiệm đáng nhớ của tôi đó là được điều động về làm Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp vào tháng 01/2019. Khi ấy, đơn vị hoạt động theo mô hình tự chủ, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên. Bài toán đặt ra với tôi cùng tập thể Ban lãnh đạo nhà xuất bản là làm cách nào để đổi mới cơ chế vận hành đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ, vừa bảo đảm nhiệm vụ chính trị, vừa hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh lĩnh vực xuất bản chịu áp lực cạnh tranh gay gắt”, ông Huy chia sẻ.
Với nỗi niềm đau đáu đó, sáng kiến “Xác định mô hình tổ chức, cơ chế tài chính của Nhà xuất bản Tư pháp trong giai đoạn 2021- 2025 và 2026 - 2030” của ông đã được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở.
Một trong những điểm sáng trong công tác của đơn vị giai đoạn này là tiếp tục mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, doanh thu tăng cao, cùng với sự đoàn kết nội bộ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong hoạt động quản lý xuất bản phẩm, tài chính, phát hành trước thách thức của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Linh hoạt trong xử lý các vấn đề “khó, khô, khổ”
Đảm nhận cương vị Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL từ giữa tháng 1/2022 đến nay, ông Hồ Quang Huy nhìn nhận đây là một trong những lĩnh vực vô cùng chuyên sâu, nhạy cảm, “khó, khô, khổ”, khối lượng công việc rất lớn và có vị trí quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp. Trong khi đó, hệ thống pháp luật nước ta khá đồ sộ, diễn biến cuộc sống lại thay đổi thường xuyên, nhất là sau đại dịch Covid-19, đòi hỏi sự thích ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả của chính sách, pháp luật.
 
Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiểm tra văn bản theo địa bàn tại Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá (tháng 6/2022)

“Trong bối cảnh chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước tập trung nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong tham mưu, ban hành văn bản QPPL, cùng với đó là sự lãnh đạo, tạo điều kiện của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã giúp tôi cùng tập thể Cục có nhiều thuận lợi trong quá trình làm việc”, ông Huy đánh giá.
Chính vì vậy, cùng với tập thể đơn vị, người Cục trưởng luôn đề cao phương châm làm việc là thận trọng, khách quan, quyết liệt, đúng pháp luật trên cơ sở xem xét toàn diện, tổng thể các yếu tố pháp lý và thực tiễn. Tăng cường tổ chức kiểm tra văn bản dưới nhiều hình thức khác nhau (thường xuyên, liên ngành, địa bàn, chuyên đề), từng bước gắn kết công tác kiểm tra văn bản QPPL với công tác kiểm tra của Đảng và giám sát của Quốc hội để phát huy đồng bộ, hiệu quả các cơ chế “kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật”.
Chia sẻ những kỉ niệm trong quá trình công tác, ông Huy tỏ ra khá xúc động khi nhớ lại có những lần “tuýt còi” văn bản trái pháp luật của địa phương, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã nhận được thư tay cảm ơn của người dân. Những dòng chữ nắn nót, tỉ mỉ, lời lẽ chân thành, thể hiện niềm tin vào thiết chế kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đã tiếp thêm cho ông cùng đồng nghiệp động lực để không quản ngại khó khăn, áp lực, tiếp tục cống hiến, nhiệt huyết với công việc.
Song, ông Huy cũng cười nói rằng, Cục cũng từng nhận được đơn thư của người dân thể hiện thái độ “khá gay gắt” khi phản ánh của họ về văn bản hành chính cá biệt, do không chứa QPPL (Quyết định thu hồi đất; Quyết định đền bù, tái định cư…) được Cục chuyển đơn đến chủ thể khác vì không thuộc thẩm quyền kiến nghị, xử lý của Cục theo quy định. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là do người dân một mặt đặt kỳ vọng rất lớn vào Cục, mặt khác có thể chưa hiểu hết được chính xác phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cục theo quy định hiện hành của pháp luật.
 
Đoàn kiểm tra của Cục kiểm tra VBQPPL tiến hành kiểm tra văn bản QPPL theo địa bàn tại UBND tỉnh Bình Định (tháng 6/2024)

“Tôi quan niệm công tác kiểm tra văn bản tuy khô khan nhưng luôn cần sự “thấu tình, đạt lý”, tạo cơ hội tối đa cho chủ thể ban hành văn bản được giải trình, tranh luận, cung cấp thông tin, luận cứ xác đáng. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu quan trọng của công tác này là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản, đồng thời giúp chủ thể ban hành văn bản nhận thức sâu sắc, toàn diện vấn đề để không lặp lại lỗi tương tự”, Cục trưởng Hồ Quang Huy cho hay.
Bên cạnh công tác kiểm tra văn bản, trong những năm qua, thực hiện vai trò là đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác rà soát, xử lý văn bản của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ công chức Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã nhiều lần không có ngày nghỉ, kỳ nghỉ lễ, mà phải “lấy đêm làm ngày” để hoàn thành nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả rà soát văn bản đã giúp nhận diện, nghiên cứu xử lý, sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản QPPL, hoàn thiện, tháo gỡ những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, hạn chế, vướng mắc về thể chế, nhất là các điểm ách tắc trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm.
Tiếp tục vun đắp ngọn lửa đam mê với công việc
Tạm gác lại những bộn bề của công việc chuyên môn, Cục trưởng Hồ Quang Huy bồi hồi nhớ lại thời thanh niên nhiệt huyết, sôi nổi khi được tín nhiệm làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2010 - 2017, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2017 - 2022, Uỷ viên Hội đồng Đội Trung ương nhiệm kỳ 2018 - 2023. Những năm tháng được “kiêm nhiệm” làm thủ lĩnh Đoàn chính là những trải nghiệm tuyệt vời, điều kiện thuận lợi giúp ông tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết bổ trợ cho công tác chuyên môn và giúp ông trưởng thành về nhiều mặt.
Có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác Đoàn đã được ông rút ra và vận dụng hiệu quả trong công việc hàng ngày như: Chú trọng phương pháp làm việc; phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cá nhân từ đó phát huy sức mạnh tập thể; khả năng vận dụng xử lý các tình huống linh hoạt, độ mở cao, phương pháp sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; kỹ năng thuyết trình, tập hợp quần chúng… và quan trọng nhất đó là vun đắp ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, dám nghĩ, dám làm, sống gắn bó, nghĩa tình để cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách trong công việc và cuộc sống,
Nói về những kỉ niệm, màu áo Thanh niên Việt Nam đã cùng ông hoà mình trong những chuyến tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh như: Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa...
 
Đoàn Thanh niên CSHCM Bộ Tư pháp thăm và làm việc với Đồn Biên phòng Lũng Cú, Hà Giang (tháng 6/2018)

Có những địa bàn giáp biên giới, đi lại rất vất vả, đời sống người dân đặc biệt khó khăn, trình độ hiểu biết rất hạn chế, tuổi trẻ Bộ Tư pháp đã kết hợp tổ chức hoạt động truyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, cán bộ cơ sở với nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như: khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, thăm hỏi, tặng quà, trao tặng nhà tình nghĩa, tình thương…
Rồi những chuyến hành trình về với các địa chỉ Đỏ cách mạng thông qua chương trình “Hành trình tri ân, hành trình tình nguyện” đã giúp bồi dưỡng, hun đúc lòng tự hào dân tộc, lý tưởng sống, tình yêu ngành, yêu nghề trong mỗi đoàn viên, thanh niên, trong đó có cá nhân ông.
Với những đóng góp tích cực trong những năm qua, ông đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp, Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ. Cùng với đó là nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp, Gương mặt của năm, Danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”…