Trưởng thành từ những lần bị… đe dọa
Bà Đỗ Hồng Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục THADS TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Từ nhỏ, bà đã được cha mẹ dạy bảo, cho ăn học tới nơi, tới chốn. Năm 1986 cô gái có giọng nói trong trẻo, nụ cười rạng ngời, ấm áp ấy đã thi đỗ Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học pháp lý (nay là Đại học Luật Hà Nội).
Sau 4 năm miệt mài học tập trên giảng đường đại học, hành trang cô nữ sinh mang theo về quê hương là kiến thức pháp luật với mong muốn góp một phần kiến thức nhỏ bé của mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Năm 1994, nữ cử nhân luật được tuyển dụng vào ngành THADS và làm việc tại Phòng THADS thuộc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang. “Khi đó, THADS mới tách từ ngành Tòa án ra, chỉ là một phòng thuộc Sở Tư pháp nên mọi thứ còn đơn sơ, khó khăn. Phòng THADS lúc đó chỉ có 6 biên chế, chưa có nhà làm việc, phải mượn nhà của TAND tỉnh để lấy chỗ làm việc”, bà Thủy nhớ lại.
Sau đó, bà Thủy bảo, Ngành THADS phát triển được như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt khó, lòng yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến của những người làm công tác THADS. Đến nay THADS Tuyên Quang nói riêng và THADS cả nước nói chung cũng đã lớn mạnh lên rất nhiều.
Tiếp lời, bà Thủy cho biết, THADS là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền về tài sản, nhân thân của các bên đương sự và những người có liên quan. Những người làm công tác THADS có thể bị đe dọa, chửi bới, tấn công ... khi thi hành nhiệm vụ.
Nhớ lại quãng thời gian làm thư ký giúp việc cho Chấp hành viên (CHV) đi làm việc ở cơ sở, bà Thủy bảo, bản thân từng bị đương sự phạm tội ma túy (nhiễm HIV) đe dọa, chửi bới, thậm chí dọa cho cùng đi nghĩa địa, bị chó đuổi… Dù rất sợ, nhưng với lòng yêu nghề và sự động viên giúp đỡ gia đình, của lãnh đạo đơn vị và các anh chị đồng nghiệp, bà Thủy đã mạnh mẽ và trưởng thành lên rất nhiều.
Khi là CHV, có lần bà Thủy bị đương sự đuổi ra khỏi nhà vì họ cho rằng không liên quan gì đến thi hành án (THA), hoặc bị người nhà (bố của đương sự) chửi bới, đòi giật hồ sơ THA. Lúc đó, bà Thủy đã bình tĩnh đặt 2 tay lên hồ sơ nói: “Tôi đến đây là đại diện cho cơ quan nhà nước, đang thực thi nhiệm vụ, có sự tham gia của tổ dân phố,chính quyền địa phương, ông không có quyền lấy hồ sơ thi hành án”, đồng thời giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự trong việc THA và nội dung làm việc của CHV là thực hiện thủ tục xác minh theo quy định của pháp luật.... “Nghe xong, người nhà đương sự đã hiểu, nghe ra, xin lỗi và tuân thủ những yêu cầu của CHV. Tôi thấy thật nhẹ lòng vì họ đã hiểu và chấp hành pháp luật”, bà Thủy tâm sự.
Từ những va chạm đó, bà Thủy đã rút ra nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng giải quyết các vụ việc phức tạp. Theo bà Thủy, trước khi tổ chức thi hành một vụ việc, mình phải nghiên cứu nắm rõ hồ sơ, thu thập thông tin, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhân thân của đương sự để có biện pháp xử lý sao cho phù hợp, trường hợp nào cần “rắn”, trường hợp nào nên “mềm dẻo”, từ đó làm tốt công tác dân vận, có như vậy giải quyết án mới đạt hiệu quả cao.
Miệt mài cống hiến
Bà Thủy tâm sự, hồi mới vào nghề, lương thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chưa lúc nào bà có suy nghĩ bỏ việc. Và với lòng yêu nghề, nhiệt huyết được cống hiến của tuổi trẻ, nữ chuyên viên luôn tự học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, giúp các CHV tổ chức THA đạt hiệu quả.
Khi được bổ nhiệm là CHV, bà Thủy luôn chủ động, tích cực, dành nhiều thời gian đi cơ sở đôn đốc xác minh, giải quyết việc THA. Quá trình giải quyết án, bà Thủy luôn tuân thủ đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, giải quyết án công tâm, khách quan không để xảy ra tình trạng bức xúc của người dân; phân loại án chính xác, xác minh định kỳ kịp thời; Tích cực giáo dục, thuyết phục để đương sự tự nguyện THA, đồng thời kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với trường hợp có điều kiện thi hành nhưng cố tình chây ỳ, trốn tránh việc THA. Nhờ đó, tỷ lệ giải quyết án hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Bà Đỗ Hồng Thủy trong một buổi thực hiện nhiệm vụ công tác THADS.
Từ những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ cùng những đóng góp cho đơn vị, bà Thủy được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo. Ở cương vị này, nữ Trưởng phòng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ nhiệm vụ, chủ động, sáng tạo trong công việc, xây dựng đoàn kết nội bộ cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao, gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo Cục trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ THADS, nhất là trong lĩnh vực kiểm tra công tác THADS…
Khi được bổ nhiệm là Phó Chi Cục trưởng, bà Thủy thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, chủ động tham mưu với Chi Cục trưởng những biện pháp hữu hiệu để lãnh chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, bà Thủy còn cùng với tập thể lãnh đạo Chi cục xây dựng mối đoàn kết trong cơ quan, ý thức cộng đồng trách nhiệm cùng nhau, thực hiện tốt việc nêu gương, tham gia tích cực các phong trào thi đua do cơ quan, địa phương và công đoàn phát động. Kết quả tổ chức THA của Chi cục THADS TP Tuyên Quang hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Kết quả, năm 2020, phần việc thi hành xong 89/104 việc, đạt tỷ lệ 87,25% (vượt 5,75% so với chỉ tiêu được giao); phần tiền đã giải quyết xong 1.125.827.000đ/1.479.824.000đ, đạt tỷ lệ 76.08% (vượt 35,08 % so với chỉ tiêu được giao). Năm 2022, phần việc thi hành xong 117 việc/136 việc, đạt tỷ lệ 88,24% (vượt 5,74% so với chỉ tiêu được giao); phần tiền đã giải quyết xong 3.026.422.000đ/ 4.325.246.000đ, đạt tỷ lệ 74,92% (vượt 32.82 % so với chỉ tiêu được giao)…
Người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Từ kinh nghiệm thực tiễn của người đi trước, bà Thủy luôn tận tâm, nhiệt tình hướng dẫn cho thế hệ trẻ sau này. Bà Thủy hay kể cho các bạn trẻ mới vào nghề những bài học mình gặp phải khi đương sự chống đối, cách xử lý linh hoạt, mềm dẻo; hướng dẫn kỹ năng tổ chức THA, cưỡng chế kê biên tài sản... Ngoài ra, bà Thủy còn thường xuyên tâm sự, chia sẻ, động viên các bạn trẻ khi mới bước vào nghề.
“Tôi thường nói với các bạn trẻ: “Nếu đã xác định được nghề mình chọn thì phải yêu nghề, gắn bó với nghề và thường xuyên học hỏi, rèn luyện bản thân để mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn trong giải quyết công việc, đặc biệt phải luôn bản lĩnh trước những cám dỗ, bởi nghề THADS là tiếp xúc với tiền”, trong cơ quan phải thực sự đoàn kết, chân thành, tương trợ lẫn nhau”, bà Thủy tâm sự.
Bên cạnh đó, với trách nhiệm là Chủ tịch công đoàn, bà Thủy luôn quan tâm, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ, người lao động trong cơ quan; tuyên truyền, vận động mọi người tích cực tham gia sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thể thao cầu lông, bóng chuyền hơi do ngành và Liên đoàn lao động thành phố phát động; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt nam 20/10… qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, sự gắn bó, đoàn kết trong đoàn viên công đoàn, coi tổ chức công đoàn thực sự là tổ ấm để đoàn viên tâm sự, sẻ chia.
Nhờ những chia sẻ, động viên thân tình của Chi cục trưởng và nữ “phó tướng”, cán bộ, người lao động của Chi cục THADS TP Tuyên Quang đã luôn đoàn kết, cùng nhau khắc phục mọi khó khăn, hằng năm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen: Năm 2009 tập thể đơn vị được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua Ngành Tư pháp; Năm 2016 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2015-2016; Năm 2019 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2018-2019”.