Người bén duyên tội phạm công nghệ cao từ ý chí, niềm đam mê
Đại úy Vũ Ngọc Quỳnh ( sinh năm 1988) trong một gia đình thuần nông huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng). Từ nhỏ Quỳnh đã nung nấu ý chí trở thành một chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Năm đầu, Quỳnh thi tuyển Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng không đỗ, vì thiếu 0,5 điểm. Không nản chí, chàng trai miền biển trở về quê vừa làm thuê vừa quyết liệt ôn thi. Năm 2007, Quỳnh thi đỗ Học viện An Côninh nhân dân. Và anh cũng là người đầu tiên trong xã đỗ đại học ngành ng an.
Thời sinh viên, Quỳnh đã từng giành Huy chương Bạc giải Vô địch võ thuật Karate các trường khối công an. Đồng thời anh nhiệt huyết trong các hoạt động xã hội như vận động hiến máu cứu người, tham gia các hoạt động giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.
Ngày ra trường, anh được phân công về Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hải Phòng. Tuy có “duyên” với tội phạm công nghệ cao, nhưng đại úy Quỳnh không phải học về lĩnh vực công nghệ thông tin, không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Anh cũng không công tác tại đơn vị chuyên trách về đấu tranh với tội phạm công nghệ cao (lực lượng chuyên trách này thuộc Phòng Cảnh sát hình sự- CATP Hải Phòng).
Thế nhưng, người chiến sỹ trẻ ấy có một sự say mê, một niềm đam mê đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ thông tin. Được đấu tranh để làm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội trên lĩnh vực công nghệ cũng là nguyện vọng, mơ ước của Quỳnh khi còn học đại học. Bởi loại tội phạm này rất đặc biệt, có thể ngồi 1 nơi nhưng điều hành hoạt động phạm tội trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, người cán bộ chiến sĩ công an phải thường xuyên cập nhật trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm mới có thể phát hiện và làm rõ hoạt động phạm tội của đối tượng. Đó là cuộc đấu trí của trình độ và kinh nghiệm.
Do đó, ngoài tự học, tự tìm hiểu, Quỳnh đồng thời học hỏi từ các đồng đội, những đồng chí đang công tác tại Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quỳnh luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đơn vị. Những chỉ đạo kịp thời giúp Quỳnh tránh được những sai sót không đáng có trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2014, tại Hải Phòng xuất hiện nhóm hàng chục đối tượng người nước ngoài thuê biệt thự trong khu đô thị tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh để điều hành đường dây lừa đảo quốc tế. Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho người ngoại quốc khác nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo một kịch bản được dàn dựng sẵn.
Để tránh lực lượng chức năng phát hiện, nhóm này thuê nhà với giá rất cao, thường xuyên thay đổi địa điểm. Chúng lắp camera giám sát quanh nơi ở, dán kín cửa sổ, ít ra khỏi nhà, chỉ tiếp xúc với một người cấp dưỡng. Quá trình trinh sát, nắm bắt được tình hình, Công an TP Hải Phòng phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) lập chuyên án HDL1. Đây là chuyên án đầu tiên mà Đại úy Quỳnh tham gia, trực tiếp trinh sát và cùng Ban chuyên án xây dựng kế hoạch phá án.
Chuyên án HDL1 kết thúc sau khi bắt giữ 42 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc. Đại úy Quỳnh lập tức được phân công nhận nhiệm vụ mới. Đây cũng là chuyên án lừa đảo quốc tế, do Chi Chin Hao, đối tượng nguy hiểm bị Công an Trung Quốc truy nã, từng gây ra 28 vụ lừa đảo quốc tế cầm đầu.
Chi Chin Hao thuê một nông trại rộng lớn, nằm biệt lập với khu dân cư thuộc huyện ngoại thành của Hải Phòng. Với kinh nghiệm đã được tích lũy và nắm chắc địa bàn, sau thời gian ngắn trinh sát, Đại úy Quỳnh đã báo cáo, tham mưu cho Ban chuyên án phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch triệt xóa. Đối tượng cầm đầu Chi Chin Hao và đồng bọn khi đang ngủ trưa trong nông trại đã bị bắt gọn mà không kịp có bất cứ phản ứng nào.
Và hạnh phúc sau những thời khắc sinh- tử
Sau nhiều chuyên án thành công, năm 2019, Công an TP Hải Phòng phối hợp với A05 (Bộ Công an) xác lập chuyên án CNC4, đấu tranh với đường dây tổ chức đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia, Đại úy Quỳnh tiếp tục được tin tưởng, giao nhiệm vụ trinh sát.
Nhóm đối tượng này đều mang quốc tịch Trung Quốc, thuê toàn bộ Khu đô thị Our City (rộng hơn 43ha) tại quận Dương Kinh, Hải Phòng. Công tác trinh sát gặp khó khi các đối tượng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không tiếp người Việt. Chúng lắp hệ thống camera, có cửa mã hóa kèm theo hàng chục đối tượng bảo vệ 24/24h.
Tại buổi Giao lưu đề cử “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021” vừa qua, trước câu hỏi: “Trong chuyên án CNC4 đấu tranh với nhóm đối tượng người Trung Quốc sử dụng công nghệ cao để điều hành đường dây đánh bạc, điều gì và thời điểm nào khiến anh Vũ Ngọc Quỳnh thấy nghẹt thở nhất, nguy hiểm nhất? Anh đã làm gì để vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao?”.
Đại úy Quỳnh chia sẻ: “Đầu tiên xin nói qua về Chuyên án CNC4. Chuyên án CNN4 đấu tranh với một tổ chức tội phạm người nước ngoài có quy mô lớn (gần 400 đối tượng). Hoạt động phạm phạm tội của các đối tượng trong chuyên án được diễn ra trong khu đô thị rộng 43 ha thuộc 01 dự án FDI (100% vốn Trung Quốc). Khu đô thị Our City là một trong những dự án FDI đầu tiên của thành phố Hải Phòng, rất “nhạy cảm” về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Hoạt động phạm tội trong khu đô thị được tổ chức rất tinh vi, có hệ thống camera giám sát và lực lượng bảo vệ 24/24, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc nắm tình hình, quan sát hoạt động phạm tội của các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng sinh hoạt động tập trung trong từng căn hộ, ít khi ra ngoài, nếu ra chủ yếu vào ban đêm. Việc giám sát hoạt động của đối tượng từ phía bên ngoài khu đô thị gần như không mang lại kết quả, buộc phải đưa người của ta vào bên trong mới có thể xác định chính xác hành vi phạm tội của các đối tượng. Và tôi được giao thực hiện nhiệm vụ đó.
Thời điểm tôi cảm thấy lo lắng, nghẹt thở nhất là thời điểm trước khi phá án (đêm hôm trước khi phá tôi gần như không ngủ được). Trước lúc 14h05’ngày 27/7/2019 (thời điểm phát lệnh phá án, hơn 1.000 CBCS Công an bất ngờ đột kích, khống chế đối tượng tại các tòa nhà trong Khu đô thị) tôi được giao nhiệm vụ mở 2 cánh cửa có mã khóa để lực lượng của ta có thể di chuyển vào trong mà không gặp trở ngại.
Tuy nhiên, trước đó vài phút, có 1 đối tượng ra ngoài hút thuốc. Nếu đối tượng này ở đó đúng thời điểm 14h05’ thì đối tượng sẽ quan sát được việc lực lượng Công an đang ập vào. Nếu đối tượng hô hoán các đối tượng khác sẽ tìm cách chống đỡ, tiêu hủy ổ cứng máy tính, điện thoại di động, ngắt cầu dao điện để phi tang vật chứng, tính quả tang của hành vi phạm tội sẽ không còn. Công tác lấy lời khai, đấu tranh với đối tượng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt sẽ có đối tượng nhảy xuống để tẩu thoát có thể gây tổn thương cho bản thân chính đối tượng, thậm chí thiệt hại đến tính mạng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục đích của chuyên án vì các đối tượng đều là người nước ngoài. Nhận thấy điều đó, tôi đã giao tiếp với đối tượng (bằng smartphone), khéo léo đưa đối tượng trở lại vị trí làm việc. Rất may sau đó đối tượng đã di chuyển vào trong phòng làm việc. Tôi đã báo cáo lãnh đạo Ban chuyên án để sẵn sàng phát lệnh phá án. Khoảnh khắc đó chắc tôi sẽ vẫn còn nhớ mãi trong những năm tháng công tác của mình…
Không lùi bước trước cám dỗ
Nói về bản lĩnh và những cám dỗ, Đại úy Quỳnh nhấn mạnh: Công tác Công an là công tác đấu tranh với tất cả loại tội phạm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ít đối tượng sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua chuộc lực lượng Công an hòng “chạy án”. Lực lượng Công an cũng đã có một số đồng chí không vượt qua được những cám dỗ đó, bị phát hiện và bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Công an cũng như lãnh đạo Công an các cấp luôn quan tâm, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho cán bộ, chiến sĩ, giúp cán bộ, chiến sĩ Công an có bản lĩnh vững vàng hơn để vượt qua những cám dỗ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Trong chuyên án CNC4, số tiền các đối tượng giao dịch là rất lớn lên đến gần 13.000 tỷ đồng. Số tiền thu được tại hiện trường cũng rất lớn. Số tiền đó sau này đều được bàn giao đầy đủ cho phía Công an Trung Quốc để xử lý. Cá nhân tôi khi thực hiện nhiệm vụ gần như chỉ quan tâm làm sao để chuyên án mau chóng kết thúc, làm rõ được hành vi phạm tội của các đối tượng. Chuyên án CNC4 hay bất kỳ chuyên án nào mà tôi đã từng làm cũng như vậy. Đấu tranh chuyên án thành công là yêu cầu đầu tiên và cũng là thành quả to lớn nhất cần phải giành được!”, Đại úy Vũ Ngọc Quỳnh bày tỏ.
Có thể nói, các cán bộ, chiến sĩ trẻ của lực lượng Công an luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất kể nắng mưa, đêm ngày, trở thành “khắc tinh” của tội phạm, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đầu tháng 3/2022, Đại úy Vũ Ngọc Quỳnh được bình chọn danh hiệu “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng” năm 2021. Đây là phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh triển khai hằng năm, dành tặng những thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực…
Thành tích/Khen thưởng:
Đại úy Vũ Ngọc Quỳnh, Phó Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an thành phố Hải Phòng
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2021
- Được đề nghị Giải thưởng Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu năm 2021 và Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an Nhân dân, năm 2021
- Được bình chọn Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 của T.Ư Đoàn
- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền (2019, 2020, 2021)