Các “Gương sáng Pháp luật” là những hạt nhân tích cực
- Xin ông cho biết đánh giá về vai trò, sáng kiến của Bộ Tư pháp về Đề án bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”?
- Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” là hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, qua đó nhân rộng những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đây là một Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện ý tưởng cách làm mới, góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), làm lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tôi đánh giá cao ý tưởng tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” của Bộ Tư pháp mà trực tiếp triển khai thực hiện đề án là Báo PLVN. Qua các vòng bình chọn công khai chặt chẽ, đến nay Ban Tổ chức đã lựa chọn được 50 gương mặt tiêu biểu đại diện cho các vùng, miền, các lĩnh vực, các giới... đã có những cống hiến, đóng góp thiết thực cho cộng đồng xã hội.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện Đề án bước đầu thành công tốt đẹp. Trong thời gian tới, Ban Tổ chức nên cân nhắc có những hoạt động hướng về cơ sở, “Gương sáng Pháp luật” nên có đại diện người dân tham gia bình chọn mới bảo đảm khách quan, dân chủ; từ đó lựa chọn được các cá nhân thật sự xứng đáng, có uy tín và tiêu biểu nhất, như vậy mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.
- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chương trình“Gương sáng Pháp luật”?
- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 21/5/2021 Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 12-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến 2030, định hướng 2045”. Hiện các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đang tích cực triển khai xây dựng đề án, trong đó đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm khả thi, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Việc tổ chức bình chọn, tôn vinh các “Gương sáng Pháp luật” là một trong các hoạt động góp phần tạo động lực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần nâng cao hiểu biết về pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân; từ đó tổ chức, thực hiện và chấp hành nghiêm chỉnh, thượng tôn pháp luật.
Điểm cốt lõi trong nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII là sự nhất quán tư tưởng “thượng tôn pháp luật”. Để hiện thực hóa tư tưởng này, chúng ta phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, có tính ổn định, phù hợp và khả thi trên thực tế; công tác tổ chức thi hành và thực hiện pháp luật phải bảo đảm khách quan, nghiêm túc, công bằng, nghiêm minh...
Do đó, việc tổ chức bình chọn, suy tôn các “Gương sáng Pháp luật” là những cá nhân đóng vai trò như những hạt nhân tích cực, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, được coi như sự biểu dương lực lượng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần to lớn cho sự phát triển của xã hội, qua đó góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Để chương trình tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa
- Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống xã hội, theo ông, trong thời gian tới, chương trình cần cải tiến như thế nào?
- Đây là lần đầu tiên tổ chức bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Qua quá trình bình chọn, đã lựa chọn được nhiều gương sáng điển hình, tiêu biểu, nhiều gương sáng có sự ảnh hưởng lớn, tạo năng lượng tích cực, tác động đến các tầng lớp nhân dân. Để tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống xã hội, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức cần tiếp tục đổi mới, cải tiến phương thức tổ chức thực hiện để lựa chọn, tôn vinh thực chất, tiêu biểu và hiệu quả hơn nữa.
Theo tôi, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nên xây dựng hệ thống tiêu chí và quy trình lựa chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” cụ thể, rõ ràng. Khi có tiêu chí cụ thể thì việc lựa chọn thuận lợi, chính xác, khách quan, sát thực tế, tạo đồng thuận cao, từ đó là động lực cho mọi người tích cực tìm hiểu nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.
Thứ hai, việc tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” cần chú ý và hướng hơn nữa về cơ sở, nhất là gương sáng tiêu biểu, điển hình trong cộng đồng dân cư, cộng đồng các dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người đang sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Đồng thời, nên tính đến yếu tố lứa tuổi, giới tính, vùng, miền để kịp thời động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.
Thứ ba, lựa chọn, tăng cường các hoạt động truyền thông hiệu quả nhằm kịp thời lan tỏa, nhân rộng gương sáng trong cộng đồng dân cư.
Thứ tư, UBND các cấp cần bảo đảm nguồn lực con người và vật chất cho hoạt động tổ chức vinh danh “Gương sáng Pháp luật” thuận lợi, kịp thời.
Thứ năm, sau hoạt động vinh danh “Gương sáng Pháp luật” lần này, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức triển khai thực hiện đề án, để kịp thời có giải pháp cải tiến phương thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện.
- Trân trọng cám ơn ông!
GS.TS Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp): “Xã hội có càng nhiều tấm gương sáng thì bóng tối càng ít đi”
“Hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tôn vinh các tấm gương sáng trong thực thi pháp luật. Họ là những con người bình dị nhưng đã có những cố gắng vượt bậc trong công tác; có những xử sự chuẩn mực trong cuộc sống hàng ngày; có những hành động vượt qua chính mình trong những thời khắc vì lợi ích chung, vì người khác mà không do dự, rất đáng được xã hội, cộng đồng suy tôn.
Bác Hồ đã nói: “Vấn đề Tư pháp trong lúc này suy cho cùng là ở đời và làm người”, không chỉ là công việc của các nhà làm luật mà là của mọi người vì cuộc sống tốt đẹp và vì sự an toàn pháp lý cho xã hội. Pháp luật sinh ra không có mục đích tự thân mà để phục vụ xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh, công bằng, không thiên vị là nguyên tắc sống còn. Có Nhà nước pháp quyền thực sự hay không chính là ở đây. Pháp luật càng được thực thi tốt trong thực tế thì mức độ biểu hiện của Nhà nước pháp quyền càng cao, những giá trị tốt đẹp của tư tưởng pháp quyền mới được hiện thực hóa trong cuộc sống. Những tấm gương tuân thủ pháp luật tốt có nhiều trong xã hội, xứng đáng được suy tôn, ngưỡng mộ, lan tỏa. Xã hội có càng nhiều tấm gương sáng thì bóng tối sẽ ít đi, có tác động tích cực đến những người khác, để những ai chưa tốt sẽ tốt lên, nhất là với lớp trẻ.
Với tư cách của người đã từng tham gia xây dựng pháp luật trong nhiều năm, tôi mong muốn pháp luật phải ngày càng được thực thi nghiêm chỉnh, và những “Gương sáng Pháp luật” sẽ có tác động lan tỏa, góp phần phát huy giá trị tốt đẹp vốn có của pháp luật, thúc đẩy xã hội phát triển thịnh vượng và văn minh.
Tôi tin các “Gương sáng Pháp luật” được suy tôn ngày càng được nhiều người biết đến, đòi hỏi họ phải luôn giữ mình để xứng đáng với sự suy tôn của xã hội; mỗi gương sáng đều sáng hơn nữa”.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung: “Chương trình triển khai một cách công phu, khách quan, chu đáo”
“Năm 2021, mặc dù các địa phương trong cả nước đều ít nhiều bị ảnh bởi dịch Covid-19 nhưng trong thời gian qua, các hoạt động hướng tới Ngày Pháp luật 9/11 vẫn diễn ra tích cực với nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn từng địa phương.
Trong đó, đáng chú ý, năm nay, chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” lần đầu tiên được tổ chức. Tôi thấy rằng việc bình chọn, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật là một cách thức hay, đặc biệt nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL. Đây cũng là một sự kiện thiết thực hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật.
Trong thời gian qua, việc bình chọn, ghi nhận, lan tỏa những cá nhân tiêu biểu, những hoạt động pháp luật tiêu biểu đã được Ban Tổ chức chương trình triển khai một cách công phu, khách quan, chu đáo và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Điều đó khẳng định chương trình đã đạt được sự lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật”. Hà Dung (ghi)