Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

Chuyện về một người con Bắc Giang với những đóng góp thầm lặng cho quê hương chống dịch

"Con người sẽ trở lên hạnh phúc và thành công nhất khi được cống hiến" - Một triết gia đã khẳng định như vậy. Và tôi tin điều đó là sự thật... Khi Bắc Giang trở thành tâm dịch, với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, luôn có những người dốc sức cho sự bình an của quê hương.

Người đàn ông có trái tim nhân hậu

Gặp Đỗ Tuấn trong một lần tham gia công tác thiện nguyện phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, thời điểm mà tỉnh Bắc Giang đang là tâm điểm bùng phát dịch bệnh, tôi rất ấn tượng bởi hình ảnh người đàn ông có làn da nâu sạm ngày ngày cùng vợ mang nhu yếu phẩm đến tiếp tế cho các chốt phòng chống dịch và người dân sinh sống trong vùng cách ly tại Thị trấn Nếnh và huyện Việt Yên. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người dân nơi đây. Hỏi ai cũng biết đó là anh Đỗ Tuấn (sống tại thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang) – người luôn góp mặt và tích cực trong các hoạt xã hội nên nhận được sự yêu mến của người dân nơi đây.

Rất khiêm tốn và kín tiếng, Đỗ Tuấn đã lặng lẽ đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại quê hương trong thời gian vừa qua. Vậy nhưng, anh rất ít chịu nói về mình và luôn tỏ ra khiêm nhường.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, lời kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang không chỉ được cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh hưởng ứng, mà khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đã hướng về, ủng hộ cho Bắc Giang trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Chuyện về một người con Bắc Giang với những đóng góp thầm lặng cho quê hương chống dịch ảnh 1

Đỗ Tuấn ngày ngày mang nhu yếu phẩm đến quyên góp tại các chốt để các cán bộ y tế cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Thấu hiểu những khó khăn mà tỉnh và nhân dân Bắc Giang đang phải đối mặt, Đỗ Tuấn và gia đình đã thống nhất cùng chung tay, góp sức nhỏ cho quê hương cùng vượt qua giai đoạn này. Suốt 120 ngày ròng rã, ngày ngày Đỗ Tuấn mang 1000 quả trứng, thả lưới bắt cá và mang từng bó rau đến trực tiếp các điểm quyên góp và các chốt để các cán bộ y tế cải thiện bữa ăn hàng ngày. Được biết, đó đều là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Không quản nắng mưa, hai vợ chồng anh đều đặn, gửi đồ mà gia đình sản xuất được đến các điểm tiếp nhận.

Không những vậy, Đỗ Tuấn còn là một trong những người đồng khởi xướng thành lập Đội xe Thiện nguyện tỉnh Bắc Giang. Những ngày Bắc Giang cách ly toàn xã hội để chống dịch, các xã, huyện trở thành những ốc đảo cô lập do toàn bộ hoạt động giao thông vận chuyển hàng hoá bị đứt gãy. UBND tỉnh Bắc Giang rất nỗ lực trong khi phương tiện vận chuyển có hạn, các tài xế kiệt sức do lịch trình di chuyển dày đặc. Nguy cơ cạn kiệt nhu yếu phẩm, vật tư phòng chống dịch hiển hiện.

Chuyện về một người con Bắc Giang với những đóng góp thầm lặng cho quê hương chống dịch ảnh 2

Đỗ Tuấn là người đồng khởi xướng thàng lập Đội xe Thiện nguyện 0 đồng tỉnh Bắc Giang

Nhận thấy những bất cập đó, Đỗ Tuấn đã kêu gọi nhiều tài xế cùng thành lập Đội xe Thiện nguyện tham gia hỗ trợ vận chuyện miễn phí nhu yếu phẩm cho các vùng bị cô lập. Đội xe thu hút 50 thành viên khắp cả nước, 22 xe tải hoạt động gần 4 tháng bằng kinh phí tự đóng góp của các thành viên trong đội. Với hàng nghìn tấn hàng hoá, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cần thiết được vận chuyển nhanh chóng, kịp thời tới người dân trong khu cách li trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Đỗ Tuấn còn chủ động đề xuất với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, nhận trọng trách tổ chức đưa hàng hoá tới Thành phố Hồ Chí Minh khi dịch bệnh đang bùng phát tại đây. Đó là nhu yếu phẩm, vật tư y tế và lương thực thực phẩm mà người dân Bắc Giang đã quyên góp để gửi tới miền Nam ruột thịt. Hàng trăm tấn hàng hóa do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập kết đã được Đỗ Tuấn và Đội xe Thiện nguyện tỉnh vượt 2000km đưa tới Thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 40 tiếng.

Sức mạnh của trái tim nhân hậu

Đã quen với hình ảnh của Đỗ Tuấn giản dị khiêm nhường như một người hùng thầm lặng chung tay cùng quê hương Bắc Giang chống dịch COVID-19, tôi hết sức bất ngờ khi biết Đỗ Tuấn cũng là đồng nghiệp của mình, anh là nhà báo công tác tại Tạp chí Văn Hiến. Và trong vai trò một nhà báo, anh cũng đầy nhiệt huyết, năng động, sáng tạo.

Mới đây, Công an huyện Lạng Giang có Tờ trình khen thưởng đột xuất trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Huyện gửi Công an tỉnh Bắc Giang. Tôi khá ngạc nhiên khi được biết, Tờ trình này đề nghị khen thưởng Đỗ Tuấn về việc có công trong việc thuyết phục đối tượng chấp hành cưỡng chế thi hành án dân sự. Vậy mà trong suốt thời gian qua, tôi chưa từng một lần nghe anh nhắc đến sự việc này.

Vào hồi tháng 4, tại thôn Tiền (Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang), Đỗ Tuấn đã xuất sắc phối hợp với cơ quan chức năng thuyết phục thành công người đàn ông đang kích động chống người thi hành công vụ. Theo lời kể của một người chứng kiến sự việc: “Hôm đó Hội đồng cưỡng chế giao tài sản cho người mua tài sản bán đấu giá đối với ông Đặng Đức Thịnh. Hội đồng cưỡng chế thi hành án đã vận động, thuyết phục ông Thịnh tự nguyện giao tài sản nhưng ông Thịnh không chấp hành và đóng cửa cố thủ trong nhà để chống đối. Ông Thịnh ôm con gái 8 tuổi đứng trên tầng 3 đòi tự tử và còn đổ xăng khắp nhà dọa sẽ đốt nhà nếu ai lại gần. Khi đó mọi người thấy anh Tuấn lại gần đó và nói chuyện với ông Thịnh. Không biết anh Tuấn đã nói gì mà thuyết phục được ông Thịnh, trong khi cả người nhà ông Thịnh can ngăn mà ông ấy cũng không chịu chấp hành”.

Khi tôi gặng hỏi, Đỗ Tuấn mới chia sẻ: “Trước đó, tôi và anh Thịnh cũng có quen biết, vậy nên tôi cố gắng tuyên truyền, vận động để anh bình tâm lại. Tôi lại gần lắng nghe và chuyện trò với anh như một người thân trong gia đình. Tôi nói với anh Thịnh về gia đình, người thân và đặc biệt là tương lai những đứa con của anh ấy. Như đã hiểu ra mọi thứ, sau khoảng 15 phút, anh ngồi sụp xuống sàn khóc.”

Tôi hỏi Đỗ Tuấn nghĩ gì khi lao vào đó nói chuyện với Thịnh, khi anh ta đang rất kích động như vậy, Đỗ Tuấn có thấy sợ không? Đỗ Tuấn cười xòa đáp: “Khi đó, tôi chỉ nghĩ đến đứa bé mà anh Thịnh đang ôm dọa sẽ nhảy xuống. Bé gái khóc rất to, rất hoảng loạn, tôi không muốn bé sẽ gặp phải những ám ảnh về tâm lý sau này.

Đỗ Tuấn nói thêm: “Có sợ chứ, nhưng là khi mọi thứ đã được an toàn, tôi mới cảm thấy sợ. Còn khi đó tôi chỉ nghĩ làm sao để anh Thịnh bình tâm lại, để đứa trẻ không còn sợ hãi nữa. Tôi chắc chắn rằng, nếu là bây giờ tôi vẫn sẽ làm như vậy.”

“Giản dị, khiêm tốn nhưng ẩn chứa một trí tuệ sâu sắc và một khát khao cống hiến cháy bỏng với nghề báo”- đó là một nhận xét ngắn gọn của một nhà báo lão thành về Đỗ Tuấn. Còn về cá nhân, tôi lại muốn bổ sung thêm phần không liên quan đến nghiệp vụ báo chí, đó là những giá trị nhân văn trong con người Đỗ Tuấn.

Đỗ Tuấn lại một lần nữa khiến tôi phải ngưỡng mộ. Không ồn ào, phô trương mà bình dị đến lạ thường, anh khiến mỗi người biết về những câu chuyện này cảm thấy nể phục anh. Tôi tin chắc rằng, với tấm lòng nhân hậu, “thường người như thể thương thân”, Đỗ Tuấn sẽ luôn gặp được những điều tốt đẹp, được mọi người biết đến và yêu mến hơn cả bây giờ.

Quỳnh Anh