Ông là Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)…
Anh giáo làng và nỗ lực theo đuổi niềm đam mê…
Là một học sinh giỏi toàn diện nhưng cánh cửa đại học không mở ra với cậu bé hiếu học vùng quê nghèo Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bởi gia đình bị quy sai thành phần địa chủ trong cải cách ruộng đất. Bị điều vào Sư phạm 10+1, cầm tờ giấy mỏng lạnh lùng ghi đúng cái nghề “ chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”, ông nhớ lại: “Ước mơ của hắn vỡ vụn, tự coi mình“ đầu thai nhầm thế kỷ/quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” nhưng rồi cũng phải chặc lưỡi chiều số phận…”
“Đành lòng vậy, cầm lòng vậy…” thầy giáo Huỳnh sau đó nổi tiếng là dạy giỏi, được điều từ trường làng ra trường tỉnh dạy học sinh năng khiếu. Sau gần 10 năm “gõ đầu trẻ” cơ may rồi cũng đến khi Trưởng ty giáo dục Nghệ Tĩnh về dự giờ và sửng sốt với bài giảng đầy cảm hứng của ông để rồi ông được cho phép thi vào đại học trong niềm vui vỡ òa…
Đó là một mùa hè nóng bỏng. Vừa phải tất bật dạy ở trường, dạy thêm ở ngoài, chăm con bệnh viện, nuôi mẹ bệnh nan y, chiều xay mì hạt, đêm đi thồ than, quần quật làm thêm kiếm sống, hầu như không còn thời gian ôn thi nhưng rồi ông đã đỗ thủ khoa khối C với 27 điểm, trong đó điểm 10 văn tuyệt đối.
Khi được du học Liên Xô (cũ) ông đã không phải đắn đo nhiều khi quyết định theo học ngành luật vì nghĩ rằng đất nước sau này cần nhiều chuyên gia luật . Ở môi trường mới, chàng sinh viên Trần Hũu Huỳnh nổi tiếng với thành tích học tập khi tất cả các môn thi trong suốt khóa học đạt điểm tuyệt đối (điểm 5), trường hợp ít thấy trong số lưu học sinh Việt Nam học tại Trường Đại học Tổng hợp Kiep…
Nếu như thi đại học đỗ thủ khoa, anh giáo nghèo có cơ hội chọn chuyên ngành luật thì về nước với bằng “Đỏ”, ông có cơ hội chọn nơi làm việc. Ở lần lựa chọn này ông đã không ngần ngại khi đầu quân về VCCI để từ đó, tên tuổi của Luật sư Trần Hữu Huỳnh gắn với VCCI và VIAC (Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam ).
Từ “pháp điển hóa” vai trò làm luật của doanh nghiệp…
“Đó là những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Trước đó, VCCI là tổ chức mạnh về phát triển quan hệ thương mại, chức năng tham mưu, góp ý chính sách, xây dựng pháp luật sau này mới có…”- Luật sư Trần Hữu Huỳnh nhớ lại.
Điều khiến ông trăn trở là làm thế nào để phát huy vai trò đội ngũ DN, doanh nhân trong lĩnh vực này và bằng công cụ nào? Bám vào phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để vận dụng vào DN, giúp họ hạn chế rủi ro do chính sách, pháp luật cũng như giảm thiểu chi phí thời gian, tiền bạc do thủ tục. Nhưng làm thế nào để “luật hóa” được điều này, ít nhất là từ VCCI ?
Cái khó thứ nhất là làm sao thuyết phục được Ban soạn thảo Nghị định đưa VCCI vào làm đầu mối trong khi Luật Ban hành văn bản quy pháp pháp luật (VBQPPL) 1996 và Luật sửa đổi 2002 chỉ ghi chung chung về việc tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan được tham gia góp ý kiến và tiếp thụ ý kiến đóng góp xây dựng VBQPPL. “Ghi như vậy thì không ai làm cả, không ai hỏi cơ quan soạn thảo xem họ đã hỏi ý kiến đối tượng liên quan chưa…”- Luật sư Huỳnh phân tích. Cái khó thứ hai là thuyết phục DN tham gia trong khi họ chưa thực sự sẵn sàng cho việc này với quan niệm “gái góa không nói chuyện triều đình”. Và cái khó thứ ba là vấp phải sự phản đối từ một số hiệp hội và chuyên gia với lý lẽ “có anh sao không có tôi?”
Lường trước được 3 điều khó trên, trước đó, ông Huỳnh đã cùng tập thể VCCI chọn cách “làm trước, thuyết phục sau”, chủ động phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội, DN, nhà khoa học, giới luật sư để tổ chức hàng trăm cuộc góp ý, tổng hợp gửi các Ban soạn thảo, chủ động lập trang web chuyên về góp ý xây dựng pháp luật, phối hợp với báo chí quảng bá rộng rãi theo cách thức “ tay không bắt … Nghị định”. Nhờ sự chủ động này mà đã vượt qua được 3 thách thức trên để VCCI có được một “chỗ đứng” khá độc đáo trong Nghị định này.
Tuy nhiên, Nghị định này đưa ra một thời hạn như thách đố là trong 20 ngày VCCI phải tổ chức lấy ý kiến DN tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan. “ Quả là vô cùng khó khăn để thực hiện, nhưng dù sao thì “sói cũng đã gửi được chân rồi”, ông cười hóm hỉnh.
Chiến thuật “sói gửi nhờ chân” tiếp tục được vận dụng trong trường hợp cộng đồng DN nghiệp thông qua VCCI góp ý cho các đoàn đàm phán về các hiệp định thương mại quốc tế. Một lần nữa, Trưởng ban Pháp chế VCCI lại “nhìn xa hơn cái bóng của mình” nghĩ cách để DN không đứng ngoài cuộc chơi lớn này…
“Nếu như đối nội, Nghị định 161/2005/NĐ-CP khẳng định vai trò của VCCI trong việc góp ý xây dựng VBQPPL mặc dù Luật không đề cập cụ thể thì lần này cái khó lại khác. Một là liên quan đến đối ngoại, có yếu tố nhạy cảm và hai là Luật Điều ước quốc tế không hề quy định việc tham vấn ý kiến về nội dung đàm phán. Nhưng rõ ràng, DN phải được biết, được bàn về các Hiệp định liên quan để chủ động hội nhập…”- Ông nhớ lại.
Cũng cách thức “làm trước, thuyết phục sau” và “tay không bắt … Quyết định” cuối cùng, với đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về việc tham vấn cộng đồng DN trong các hiệp định thương mại quốc tế mà VCCI đã thực hiện rất hiệu quả sau này.
Trường hợp thứ ba liên quan đến việc xây dựng Pháp lệnh Trọng tài thương mại mà ông là thành viên Ban soạn thảo. Cái khó lớn nhất là Luật thương mại 1997 chỉ bó hẹp khái niệm thương mại trong 14 hành vi trong khi các tranh chấp thương mại đã đa dạng hơn rất nhiều và cái khó nữa là người đứng đầu tòa án hồi đó có quan điểm tòa án không hỗ trợ trọng tài. Để thuyết phục, ông đã cùng Ban soạn thảo lấy Luật Mẫu UNCITRAL, thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế, rồi kiên trì, bền bỉ, “vừa cãi, vừa xin” vượt qua hai “khúc xương” này để Pháp lệnh được thông qua, tạo ra một hiện tượng điều luật của pháp lệnh “vênh” điều luật của luật; nhờ thế trọng tài mới mở rộng được phạm vi xét xử.
… đến doanh nghiệp “chấm điểm” chính quyền
Khi việc đóng góp xây dựng VBQPPL đã trở thành hoạt động thường xuyên của cộng đồng DN thì “cái đầu” không chịu nghỉ ngơi của Trưởng ban Pháp chế VCCI vẫn không thôi trăn trở: “Làm sao để pháp luật được thi hành hiệu quả?”.
Ông bảo, DN biết, bàn, làm rồi, làm sao DN phải được kiểm tra: “Tại sao cùng quy định pháp luật như vậy, nhưng nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt? Rõ ràng cùng “thiên thời”, “địa lợi” không khác mấy, vấn đề còn lại là “nhân hòa”…”.
Và với sự phối hợp nghiên cứu của Cơ quan hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ông cùng VCCI xây dựng bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đánh giá và xếp hạng chính quyền trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN dân doanh.
Năm 2005, lần đầu tiên PCI được công bố thí điểm với 8 chỉ số thành phần và 47 tỉnh, thành phố được xếp hạng đánh giá. “Nhiều địa phương xếp hạng thấp đã phản ứng, cho rằng mẫu điều tra không toàn diện, phương pháp xếp hạng có vấn đề, VCCI không có thẩm quyền, yêu cầu chấm dứt hoạt động này… Nhưng VCCI có chấm điểm địa phương đâu, chính DN của địa phương đó kiểm tra, chấm điểm đấy chứ…”- Ông sôi nổi..
Sau vài lần điều chỉnh, đến nay sau 15 năm triển khai, với 9 chỉ số thành phần, hàng trăm chỉ số phụ, bổ sung các chủ đề thời sự khác về môi trường kinh doanh và có thêm ý kiến của các DN FDI, PCI từ công cụ thực hiện quyền dân chủ của DN đã trở thành công cụ của chính quyền. Chính quyền dùng PCI để “bắt mạch, chẩn đoán” và tìm ra phương thuốc điều trị hữu hiệu giúp họ cải cách môi trường kinh doanh, cải thiện quan hệ chính quyền - DN. PCI có hiệu ứng lan tỏa sang các cải cách hành chính khác không chỉ ở địa phương mà cả quốc gia, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. PCI được coi là Dự án thành công nhất trong lĩnh vực cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam từ trước đến nay.
Không dừng ở việc “chấm điểm” các địa phương, Luật sư Trần Hữu Huỳnh và VCCI còn “nhìn xa hơn” khi nhìn thấy mối quan hệ giữa điều hành kinh tế tỉnh với chất lượng xây dựng và thi hành pháp luật ở các bộ ngành để cho ra đời bộ Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của 14 Bộ (MEI) dựa trên kết quả chấm điểm và đánh giá của các hiệp hội DN trên cả nước, mở ra một không gian mới trong cải thiện và thi đua giữa các bộ. Đến nay MEI đã có 3 đợt công bố (2011, 2012, 2014), theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh thì đây là nỗ lực lớn của VCCI. “chấm điểm bộ ngành không đơn giản nên dù rất bổ ích, nó vẫn phải tạm dừng…!” - Ông cười, đầy ẩn ý và tiếc rẻ.
Rời VCCI, ông tiếp tục đưa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nơi trước đó đang là một tổ chức “thường thường bậc trung” trong khu vực thành tổ chức số một tại Việt Nam, có khả năng cạnh tranh ngang ngửa trong khu vực. Với VIAC, cộng đồng DN đã có một địa chỉ tin cậy, một thương hiệu lớn nhờ hai chữ “sáng”, “sạch”. “Bây giờ, DN đã có thêm một thành quả để thụ hưởng...”- ông Huỳnh kết.
Gần 10 năm “gõ đầu trẻ”, hơn 30 năm theo đuổi nghề luật với phương châm “ Nhìn xa hơn cái bóng của mình” đã tạo nên phong cách rất riêng của Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Đằng sau sự năng động, sáng tạo, quyết liệt, say nghề, tất cả vì công việc chung, không màng tư lợi, không sợ trách nhiệm là sự ấm áp, nhân hậu, dí dỏm và có phần “đanh đá”, “hay cãi” của người “quê choa” . Ông bảo những “đặc tính” đó phần nào giúp ông làm được những việc mà giờ đây nghĩ lại thấy “khó thế mà cũng xong được”…