“Thuyền trưởng” đưa tư pháp Đồng Tháp đi lên
Nhiều năm liền được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ (xếp hạng A); được Bộ Tư pháp công nhận là điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020; được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ; liên tục được tặng Cờ Thi đua của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Đồng Tháp; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thực hiện cải cách hành chính, thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nhiều mô hình được công nhận là điển hình tiêu biểu... Đặc biệt, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất trong năm 2021. Đó là những điểm nhấn ấn tượng của ngành Tư pháp Đồng Tháp trong thời gian gần đây dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của bà Lê Thị Hồng Phượng.
Tư pháp Đồng Tháp luôn được lãnh đạo Bộ đánh giá cao và được lãnh đạo địa phương tin tưởng, giao nhiều trọng trách quan trọng, đặc biệt trong công tác “gác cổng” pháp lý. Đây không chỉ là đơn vị đi đầu trong các hoạt động của Bộ ngành Tư pháp và địa phương mà nhiều hoạt động, nhiệm vụ “cứng” được Bộ giao đều được thực hiện linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp với tình hình thực tế. Để đạt được những thành tựu đó là nhờ sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của lãnh đạo, cán bộ, công chức viên chức, các tổ chức, cá nhân trong ngành tư pháp Đồng Tháp, trong đó phải kể đến bà Lê Thị Hồng Phượng, người “thủ lĩnh” nhiệt huyết đã dẫn dắt, chèo lái “con tàu Tư pháp Đồng Tháp” phát triển bền vững và khẳng định vị thế trong lĩnh vực nội chính ở địa phương.
Bà Phượng đã kinh qua nhiều chức vụ và có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư pháp nên khi được điều động về giữ cương vị Giám đốc Sở Tư pháp, bà được kỳ vọng sẽ phát huy được nhiều lợi thế. Gần 3 năm đảm nhiệm chức vụ, bà đã yêu cầu các phòng ban chuyên môn nghiên cứu và trình lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản phù hợp với tình hình thực tế, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của tư pháp tỉnh nhà.
Bà Phượng chia sẻ, “khi mới về tiếp nhận công tác mới tại Sở Tư pháp, trên nền tảng những thành tựu của các thế hệ lãnh đạo đi trước, tôi tiếp tục phát huy thế mạnh của đơn vị, hoàn thiện thiếu sót, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để các mặt công tác được hoạt động theo một “guồng máy” trơn tru và thông suốt nhất”.
Theo bà Phượng, từ ban đầu xác định yếu tố con người là vấn đề then chốt nên để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, Sở đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức năng động, đảm bảo về chất lượng, số lượng phục vụ công tác chuyên môn. Đặc biệt, hướng về cơ sở, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp huyện, cấp xã (100% công chức Tư pháp - Hộ tịch có trình độ Đại học luật), đội ngũ hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Đồng thời, bà Phượng nhận định, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức rất quan trọng. “Cán bộ tư pháp phải phục vụ nhân dân trên tinh thần trách nhiệm, lịch thiệp và tôn trọng nhân dân. Không để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và tổ chức. Đây được xem là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá công chức, viên chức hằng năm”, bà Phượng nhấn mạnh.
Bà Phượng cũng chủ trương cải tiến về lề lối làm việc của cơ quan, tăng cường trách nhiệm cá nhân của từng công chức trên tinh thần “giỏi một việc, biết nhiều việc”.
|
Bà Lê Thị Hồng Phượng (đứng) báo cáo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh về tình hình hoạt động của Tư pháp Đồng Tháp
|
Năm 2020, ngành Tư pháp Đồng Tháp quyết tâm xây dựng “cán bộ tư pháp biết nhiều việc, giỏi việc đang đảm nhận”. Năm 2021, Sở chủ trương “cán bộ tư pháp đổi mới, sáng tạo, lấy kết quả làm thước đo xếp loại cán bộ, công chức cuối năm”.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức sinh hoạt động tin nội bộ vào chiều ngày thứ 6 nhằm tạo điều kiện cho công chức, viên chức nắm bắt các thông tin về hoạt động của Sở, các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực công tác của mình từ đó chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của mỗi cá nhân. Với đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, các hoạt động của Sở đều được triển khai đều tay, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
“Sáng chế” nhiều cách làm hiệu quả
Ở mỗi lĩnh vực công tác, bà Lê Thị Hồng Phượng không ngừng nghiên cứu tìm ra những phương cách xử lý hiệu quả, nhanh chóng, giảm sức người, sức của nhưng lại đạt hiệu quả cao hơn để thực hiện.
“Ví dụ như trong công tác PBGDPL, phải tìm ra những giải pháp hay, hiệu quả, phải làm sao “kích thích” sự tìm hiểu của người dân để họ nhiệt tình tham gia với một tâm thế muốn lắng nghe, tìm hiểu. Xong một chương trình, một hoạt động phải đọng lại trong lòng người dân một chút kiến thức nào đó khiến người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng thì mình mới thành công”. Với quan điểm đó, hoạt động PBGDPL thường mang tính thực tiễn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Muốn pháp luật gần dân phải đưa pháp luật đến người dân bằng mọi phương tiện mà người dân tiếp xúc hàng ngày. Theo đó, bà Phượng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phát huy hiệu quả tuyên truyền thông qua các kênh: Đài Phát thanh truyền hình, Trạm truyền thanh, Facebook, Zalo, Cổng thông tin của sở…Chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên Đài PT-TH Đồng Tháp được thực hiện đều đặn; mỗi năm có ít nhất 5 chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng truyền hình; 143/143 xã, phường, thị trấn thực hiện tuyên truyền trên trạm truyền thanh 2-3 lần/tuần, mỗi lần tuyên truyền từ 30 - 45 phút. Ngành Tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã kết nối qua Zalo nhóm Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp để chia sẻ thông tin hai chiều. Qua đó, kịp thời tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp kịp thời, những thông tin phản hồi những hoạt động tuyên truyền tại cơ sở cũng được nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, bà Phượng còn chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, PBGDPL. Thường xuyên áp dụng và nhân rộng mô hình hay, sáng tạo như: “Cà phê pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Thanh niên với pháp luật”, “Tư vấn pháp luật miễn phí”…
Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, bà Phượng đã tăng cường công tác ký kết phối hợp với các đơn vị, sở ngành của tỉnh để nâng cao hiệu quả tư pháp.
|
Ngành Tư pháp Đồng Tháp ký kết giao ước thi đua với các đơn vị trong cụm Thi đua Khối Cơ quan Tư pháp các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
|
Bà đã “khéo léo” nhìn ra được tiềm năng trong công tác phối hợp, hiểu rõ được chức năng, lợi thế của ngành mình và các ngành khác từ đó có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ. Cụ thể, liên thông giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực lý lịch Tư pháp với Sở Y tế, Sở Nội vụ; phối hợp với ngành Công an để triển khai thực hiện Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy chế phối hợp thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “xã hội hóa công tác PBGDPL và Trợ giúp pháp lý” với Hội Luật gia, Đoàn Luật sư Tỉnh; kế hoạch phối hợp thực hiện công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại Trụ sở Tiếp Công dân với Ban Tiếp công dân, Thanh tra Tỉnh, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư Tỉnh; kế hoạch thực hiện Chương trình Tư vấn pháp luật, Chuyên mục PBGDPL, Chuyên mục Câu chuyện truyền thanh trên sóng truyền hình, truyền thanh năm 2021 với Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp…
Theo bà Phượng, một điểm nhấn ấn tượng là công tác hòa giải cơ sở. Đặc biệt, năm 2020, mô hình “Câu lạc bộ hòa giải” của Sở Tư pháp được công nhận là điển hình tiêu biểu giai đoạn 2015-2020. “Câu lạc bộ hoà giải ở cơ sở” đã mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động chuyên môn của ngành, góp phần nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tỷ lệ hòa giải thành của các địa phương có câu lạc bộ hòa giải đều đạt trên 90%”. Qua đó, phát huy vai trò đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, giúp hòa giải viên có thể tiếp cận, cập nhật những kiến thức pháp luật mới. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, đưa tỷ lệ hòa giải thành đạt chỉ tiêu đề ra.
Tư pháp Đồng Tháp với sự dẫn dắt điều hành của bà Phượng đã được tiếp thêm sức mạnh bởi sự quyết liệt, nhiệt thành, trách nhiệm và luôn đổi mới, sáng tạo trong công tác. Nhiều sáng kiến đã được đưa vào áp dụng thực tế và nhân rộng trong toàn ngành.