“Đó là lý do vì sao mọi người bảo tôi có thể kể chuyện về Bác Hồ một cách truyền cảm, sinh động, chân thật gần như là chứng kiến cả cuộc đời của Bác. Lời thơ của Tố Hữu cũng cho chúng ta cảm nhận: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Ta cứ tâm nguyện như thế để làm sao bằng sự tận tụy trong công việc, bằng lối sống giản dị, trung thực và chân thành như Bác khuyên bảo để truyền cảm hứng đó đến mọi người”, Giáo sư (GS) Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ.
Truyền cảm hứng để cổ vũ học tập làm theo Bác
GS Bảo cho biết, việc nghiên cứu, truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo cho ông một động lực tinh thần to lớn để thực hiện cho được những lời Bác dạy.
Trong suốt quá trình nghiên cứu và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh, ông đã may mắn được đi hầu khắp các tỉnh thành, từ đồng bằng tới miền núi. Có dịp tiếp xúc với mọi đối tượng và tầng lớp nhân dân, càng củng cố trong ông niềm tin về tình yêu nước nồng nàn của nhân dân và sự kính yêu, biết ơn vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việt Nam có một mệnh đề rất thiêng liêng: “Dân tộc anh hùng, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại”. Do đó, mỗi buổi nói chuyện về Bác, ông đều cố gắng truyền cảm hứng đến mọi người về điều đó, tái hiện lại một phần nhỏ sự cao thượng, vĩ đại của Hồ Chí Minh trong lòng dân.
“Những lần đi nói chuyện về Bác Hồ ở nước ngoài, tôi càng cảm nhận được đồng bào ta ở nước ngoài yêu thương Bác vô cùng. Nghe những câu chuyện kể về Bác mà nhiều người không giấu được những giọt nước mắt, từ những doanh nhân thành đạt, những trí thức, học giả, thanh niên, sinh viên… Xúc động hơn cả là khi tôi kể chuyện về Bác Hồ với các cựu chiến binh, người khiếm thị và các cháu học sinh. Có lần tôi nói chuyện về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi ở một Trường tiểu học huyện Yên Dũng (Bắc Giang); hết giờ nói chuyện, các cháu nhỏ chạy ào lên chỗ tôi trò chuyện. Điều đó khiến tôi xúc động vô cùng”.
“Hoặc sau buổi kể chuyện Bác Hồ đi chúc Tết những người nghèo vào đêm giao thừa, một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Lai Châu đã viết bài thơ đăng trên Báo Nhân dân, trong đó có đoạn: “Có một thời giữa tối Ba mươi/ Chủ tịch nước đến thăm người nghèo nhất/ Phút giao thừa thương kẻ nghèo, Người đứng lặng/ Và nhân dân thành kính gọi tên Người…”. Như thế đủ hiểu sức lan tỏa, ảnh hưởng của Bác với dân lớn lắm”, GS Bảo nói.
Theo GS Bảo, kể chuyện về Bác Hồ không chỉ là truyền bá tri thức và hiểu biết của mình về Bác, mà phải làm sao tự bản thân trong trái tim mình cũng phải có xúc cảm. Từ trái tim đến trái tim là con đường ngắn nhất, tốt nhất để chúng ta thương yêu và tin cậy lẫn nhau; để chúng ta cổ vũ, thúc giục nhau học tập và làm theo tấm gương của Bác; để ai ai cũng muốn từ tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh mà thấy được tầm vóc vĩ đại của lãnh tụ, thấy được cống hiến lịch sử vô giá của Người với dân tộc, với Đảng, với thế giới.
|
GS Hoàng Chí Bảo trong một buổi kể chuyện về Bác Hồ tại Yên Bái, năm 2020.
|
Một yêu cầu khắt khe là đã đi nói chuyện về Bác Hồ thì không thể là người có đạo đức kém, cho nên phải luôn luôn đặt việc tu dưỡng đạo đức lên hàng đầu, cùng với việc trau dồi tri thức, khoa học, kiến thức, vốn sống...
Niềm vinh hạnh và xúc động
GS Bảo vinh hạnh và không thể nào quên khi được chứng kiến Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình 52 năm về trước.
Lúc đó ông 25 tuổi, đang là giáo viên dạy văn tại một trường phổ thông. Trong chương trình giảng dạy văn học, ông cũng có điều kiện nghiên cứu về sự nghiệp thơ, văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có tác phẩm “Nhật ký trong tù”.
Trong lễ truy điệu Bác, Điếu văn của Đảng ta khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ cho dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Điếu văn nhấn mạnh: “Người ra đi nhưng để lại cho toàn toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vĩ đại, đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”.
“Những điều ấy tôi tâm niệm suốt cả cuộc đời. Tôi đã nguyện tập trung nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu từ sự kiện đó”, GS Bảo cho biết, sau lễ tang Bác, Trung ương có Chỉ thị về tổ chức kết nạp lớp đảng viên Hồ Chí Minh vào dịp Đảng ta tròn 40 năm lịch sử (năm 1970): “Tôi đã phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng trong bối cảnh đó. Những sự kiện như thế gắn liền với việc rèn luyện, tu dưỡng của bản thân tôi”.
Năm 2006, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2011, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị 03-CT/TW, rồi Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, sau Đại hội XIII, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 01-KL/TW, nhấn mạnh yêu cầu: Gắn liền việc “học tập” với “làm theo” Bác để đảm bảo yêu cầu thực tiễn, thúc đẩy sự rèn luyện, tu dưỡng của từng cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp ủy và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Thấm nhuần tinh thần trên, tại các buổi nói chuyện về Bác Hồ, GS Bảo luôn ý thức một điều, phải làm sao để việc học tập, làm theo Bác trở thành một nhu cầu văn hóa thường xuyên, bền bỉ, tự giác của mỗi người, mỗi cơ quan, đoàn thể; để đó không còn là “cuộc vận động” nữa, mà phải trở thành tình yêu, thành nhu cầu, tình cảm tự thân của mỗi người đối với Bác.
Đảng đã nhấn mạnh làm sao cho tài sản tinh thần vô giá mà Bác để lại cho chúng ta phát huy được sức mạnh, hiệu quả trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Muốn thế thì trung tâm của vấn đề là phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để thực hiện cho được lời Bác dạy: “Đảng là đạo đức, là văn minh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tham ô là tội ác, là có tội với dân, với nước”; “phải trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai”... Những điều ấy, Đảng đang ra sức thực hiện, nhất là có chủ trương không chỉ chống tham nhũng mà còn chống cả tiêu cực. Tại Hội nghị Trung ương 4 lần này, Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Việc làm trên càng cho thấy quyết tâm trở thành tín tâm của Đảng ta với dân, với nước.
Quyết tâm và tín tâm này cũng chính là học từ Bác, Người thường nói: Quyết tâm chưa đủ mà phải tín tâm; không bao giờ được mất lòng tin với dân. “Tất cả những điều đó luôn thường trực trong tôi để tâm nguyện thực hiện cho tốt nhất việc tu dưỡng đạo đức, tận tâm trong công tác và gắn bó với nhân dân. Mỗi lẫn đi nói chuyện về Bác là cơ may, là hạnh phúc khi được truyền cảm hứng từ Bác đến với nhân dân”, GS Bảo kể.
Năm nay GS Bảo đã gần 80 tuổi, sức khỏe không còn như xưa, nhưng ông cho rằng còn ngày nào có thể làm việc cho Đảng, cho dân thì vẫn luôn lấy việc nghiên cứu Hồ Chí Minh là trọng điểm và viết những tác phẩm, công trình để lại cho thế hệ sau, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của xã hội và cũng là tiếp tục tình yêu với Đảng, với Bác. “Những việc làm ấy cũng bình dị như tất cả mọi người, thầm lặng như bất cứ một lao động trí óc nào, nhưng tôi coi đó là niềm vui, một sự sáng tạo, an ủi và suốt đời phải ghi nhớ công ơn của Bác, của Đảng, của nhân dân mới có được cuộc sống của mình ngày nay”, ông tâm sự.
Sau khi nghỉ hưu từ 2016, đến nay GS Bảo vẫn nghiên cứu và lên lớp giảng dạy các chuyên đề tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhất là những lớp về đào tạo cán bộ nguồn của Trung ương, các lớp học nghiên cứu sinh, cùng với việc truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh khắp mọi nơi. Hiện ông đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Hồ Chí Minh học (thuộc Trung ương Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam); Viện trưởng Viện Nghiên cứu danh nhân (thuộc Trung ương Hội Nhân lực, nhân tài Việt Nam).
GS Bảo được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều giải thưởng về sách hay Việt Nam, giải thưởng Báo chí quốc gia…
“Trong cuộc đời chúng ta, làm được việc gì có ích, có kết quả thì ta hãy coi đó là niềm hạnh phúc. Chính vì vậy mà tôi có thể vượt lên những khó khăn, cả về sức khỏe và tuổi tác để tiếp tục với công việc này.” (GS Hoàng Chí Bảo)