Tận tụy, miệt mài
Năm 2004, bác sĩ (BS) Oanh nhận bằng thạc sỹ tại London với đề tài về sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản, được giải cao của trường. Nhưng bà Oanh chỉ muốn nhận mình là BS vì cho rằng ở vai trò này bà góp ích được nhiều hơn cho mọi người.
BS Oanh đỗ Đại học (ĐH) Y Hà Nội năm 1987, do mẹ là người đã “ép” thi vào Trường Y (ước mơ khi đó của nữ sinh là ngành sư phạm). Mẹ làm vậy bởi đã mất hai đứa con vì bệnh tật. Một anh trai của BS Oanh mất khi là cậu bé 3 tuổi. Một chị gái của bà mất ở tuổi 17.
Cha của BS Oanh là một vị tướng trong quân đội, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Trong số những đồng đội của ông ra đi trong chiến tranh, không ít là do sốt rét và bệnh tật. Và BS Oanh đã có những dự án phòng chống sốt rét ở Tây Nguyên, nơi người cha đã chiến đấu hơn 40 năm trước…
“Tôi mãi mãi biết ơn mẹ vì đã đưa tôi đến với ngành Y. Y khoa là sự kết hợp của khoa học, nhân văn và nghệ thuật, càng bước đi tôi càng yêu hơn cuộc sống mỗi ngày, càng tận hiến. Trong 4 năm sau khi ra trường, buổi sáng tôi làm việc ở bệnh viện, buổi chiều làm việc ở Trường ĐH Y về phương pháp dịch tễ học và y tế công cộng, có cơ hội tham gia một số dự án về sức khỏe cộng đồng. Tôi nghĩ nếu là BS, tận tụy chăm sóc bệnh nhân từng người một. Nếu triển khai chương trình y tế công cộng, chương trình có thể mang lại lợi ích cho hàng trăm, hàng nghìn người”, BS Oanh nói.
Một bước ngoặt đến với bà khi năm 2001, đơn vị bà làm việc thắng thầu cuộc đánh giá Chương trình quốc gia phòng chống AIDS. “Đây cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với những người bị xem là “tệ nạn xã hội”, như người bán dâm hay người nghiện ma túy. Cuộc đánh giá đó đã tạo ra một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi bởi đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu thể nào là bị gạt ra ngoài lề xã hội”, BS Oanh kể.
Nhờ sự giúp đỡ từ các tổ chức y tế Pháp, đã giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm HIV. Cùng với đó, các nhân viên y tế vận động bệnh nhân tuân thủ liệu trình điều trị và vượt qua sự kỳ thị. Bà Oanh chia sẻ, chính những người bà quen biết, từng là những người ngoài lề xã hội có mong muốn thay đổi cuộc sống bất chấp nghịch cảnh; đã đưa bà miệt mài đi tiếp trên con đường này. BS Oanh còn thường xuyên tư vấn về chính sách với người nghiện ma túy tại Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công nhận BS Oanh là “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009”. Trước đó, năm 2007, bà Oanh còn được biết đến là người sáng lập Diễn đàn Xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA), tập hợp các tổ chức cộng đồng từ khắp mọi miền đất nước để cùng nhau chống lại AIDS và bảo vệ quyền các nhóm ngoài lề xã hội; với sự tham gia của gần 400 tổ chức cộng đồng trên khắp cả nước, gồm: Các nhóm tự lực của những người sử dụng ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, người đồng tính, người chuyển giới,…
Mỗi năm một lần, diễn đàn do bà Oanh sáng lập trở thành một “ngôi nhà”, mà tại đó, tất cả mọi người đều được chào đón. Năm 2010, BS Oanh thành lập SCDI, tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, với trọng tâm trao quyền và tạo ra môi trường thuận lợi để những mảnh đời kém may mắn trong xã hội có cơ hội như những người bình thường, sống và cống hiến cho xã hội. SCDI đã tiếp cận và giúp cải thiện điều kiện thể chất, tâm lý xã hội, kinh tế của hàng ngàn người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, đồng tính, chuyển giới; con của những người kể trên, phạm nhân, trẻ mồ côi, người vô gia cư… trên 40 tỉnh thành cả nước.
Không chỉ sống cho riêng mình
Sức mạnh nào để người phụ nữ dáng vóc bé nhỏ ấy luôn tràn đầy năng lượng, làm những việc nhiều người e ngại hoặc quay lưng? BS Oanh chia sẻ, khi 25 tuổi, bà phải nằm viện vì căn bệnh tương tự như bệnh đã cướp đi chị gái của bà. Đó là một bệnh tự miễn dịch hiếm gặp và các BS không biết phải điều trị thế nào. Bà đứng trước bờ vực của cái chết.
Lúc ấy, bà không sợ chết mà chỉ nghĩ, chúng ta cố gắng kiếm nhiều tiền hơn, ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, ở nhà to hơn, nhưng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết. Và bằng một cách nào đó, bà đã vượt qua cửa tử.
Từ trải nghiệm đó, bà nhận ra, nếu ta chỉ sống cho mình thì sự có mặt của mình trên đời không có chút ý nghĩa gì, đã khiến bà cố gắng sống vượt ra ngoài bản thân mình. Theo cách bà Oanh gọi, đó là “vượt ra ngoài lớp da của mình”.
Trong vòng 9 năm qua, một trong số những việc mà SCDI đã làm là chương trình cứu sốc tại cộng đồng. Và chính những người đã từng chết đi sống lại với ma tuý được đào tạo để sử dụng Naloxone cứu những người quá liều heroin.
Đơn cử như “Hiệp sỹ chống sốc” Hà Quang Hiệp (Hải Phòng), một người khuyết tật, nghiện heroin từ năm 17 tuổi, đã từng bị bắt vài lần. Lần cuối, anh Hiệp được trả về nhà là để chết, vì anh Hiệp có HIV và bị lao ngoài phổi không được điều trị. Bây giờ anh Hiệp đang khỏe mạnh vì được điều trị ARV và methadone.
Trong vòng 6-7 năm qua, anh Hiệp đã tham gia cứu gần 500 người khỏi chết vì sốc thuốc. Và anh Hiệp đã tìm được tình yêu của đời mình. SCDI đã tổ chức đám cưới cho họ vào tháng 11/2019. Ai cũng hạnh phúc như người thân trong gia đình mình.
Niềm hạnh phúc của BS Oanh là nhìn thấy cuộc đời của mọi người thay đổi, những con người ủ dột trở nên vui vẻ, hạnh phúc.
“Có rất nhiều bạn sau khi điều trị ARV đã quên mất là mình là người có HIV và hằng ngày chỉ nhớ mỗi việc là đến giờ uống thuốc. Mọi người cũng lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi các con họ cũng lần lượt vào đại học như tất cả nhiều gia đình khác. Mình chứng kiến nhiều lắm và thấy điều ấy rất kỳ diệu. Thế nên, nếu mình cứ cố thêm một chút nữa, sẽ có thêm một người có cuộc sống tốt hơn, vì mỗi một cuộc đời, mỗi một con người đều đáng giá và trân quý”, BS Oanh tâm sự.
Trong chặng đường đó, bà Oanh cho hay đã gặp bao nhiêu người tuyệt vời. Từ những người đoạt giải tầm cỡ thế giới cho đến những người yếu thế nhất trong xã hội, những người đã luôn luôn động viên, truyền cảm hứng cho bà. Bà cũng đã gặp hạnh phúc cuộc đời mình.
Sau một lần thất bại trong hôn nhân, từng không còn tự tin, cho đến khi bà gặp người đàn ông mà sau này trở thành chồng bà. Ông là bác sỹ người Pháp, làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới. Bà Gill Lever, Chủ tịch Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC) từng bày tỏ: “Một phụ nữ tài năng, thông minh và nhiều hoài bão như BS Oanh có thể lựa chọn bất kỳ con đường sự nghiệp nào. BS Oanh có thể chọn lối để đến với của cải hay địa vị. Nhưng thay vì thế, BS Oanh đã chọn một con đường đầy khó khăn và thử thách bằng cách đảm đương nhiệm vụ cải thiện cuộc sống của những người đang sống bên lề xã hội”.
Những giải thưởng của BS Khuất Thị Hải Oanh
Năm 2005 là người Việt Nam đầu tiên được lựa chọn cho chương trình đào tạo lãnh đạo “Người đồng hành thế giới” (World Fellows) của ĐH Yale.
Năm 2009 được bình chọn là “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Năm 2012 là Chủ tịch Hội đồng Đại diện của APCASO, một mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực HIV, sức khỏe và quyền con người.
Năm 2017 được chọn làm đại diện cho xã hội dân sự ở các nước đang phát triển trong Hội đồng Điều hành của UHC2030 - Diễn đàn toàn cầu về Bao phủ Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (UHC), đồng thời là thành viên của Nhóm Cố vấn Cơ chế Tham gia của Xã hội Dân sự vào UHC2030 (CSEM). CSEM hiện có hơn 1.000 thành viên ở 100 nước.
Năm 2014 nhận giải thưởng Dedonder Clayton 2014 trong lĩnh vực nghiên cứu về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm do Giáo sư Francoise Barre-Sinoussi (nhà khoa học đoạt giải Nobel Y học do tìm ra virus HIV) và Viện Pasteur Paris trao tặng.
Năm 2016 nhận giải thưởng “Tầm nhìn 2016” - Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC).
Năm 2017 được bình chọn là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn.