Gương sáng tư pháp - Điển hình tiên tiến
Alternate Text

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ): “Tổng đài” giải đáp thanh tra, khiếu tố, chống tham nhũng

TS. Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) dẫn ra một thông tư từ những năm 1970 của ngành Thanh tra quy định rất đơn giản, dung dị: Khiếu nại là việc đi đòi lợi ích. Tố cáo là việc phản ánh để xử lý người vi phạm. Đơn vừa khiếu nại vừa tố cáo thì thấy cái gì là chính sẽ xử lý theo cái đó.

Mang hơi thở cuộc sống vào luật

Tốt nghiệp Đại học (ĐH) Pháp lý (nay là ĐH Luật) năm 1985, ông Minh từng có 4 năm làm giáo viên Trường Cán bộ Thương binh Xã hội (nay là ĐH Lao động – Xã hội). Năm 1989, về công tác tại Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ - TTCP), tính đến nay ông là một trong những cán bộ nhiều năm công tác nhất tại TTCP.

32 năm cống hiến cho ngành Thanh tra, ông Minh có 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học và nửa thời gian còn lại làm pháp chế. Ông cũng là người trưởng thành từ công tác pháp chế, gắn bó quá trình phát triển của tổ chức pháp chế ngành Thanh tra.

Khi nhận nhiệm vụ, đây mới chỉ là Phòng Pháp chế với 3 cán bộ, rồi sau đó là Vụ Tổng hợp Pháp chế, rồi Vụ Pháp chế. Từ 2003, ông được bổ nhiệm Viện phó, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (KHTT). Hơn 2 năm trước, ông được điều động về đơn vị cũ, đảm nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế mà ông nói đùa rằng “xuất Viện trở về mái nhà xưa”.

Ngẫm lại cuộc đời công chức, ông Minh nói dù công tác ở nhiều vị trí khác nhau nhưng có 3 việc thường xuyên đều liên quan pháp luật. Đó là công tác pháp chế (xây dựng, soạn thảo văn bản pháp luật - VBPL); công tác nghiên cứu pháp luật; giảng dạy, tuyên truyền pháp luật.

Ông chia sẻ, khi làm pháp chế, rất chịu khó nghiên cứu, viết tham luận, tham gia, phát biểu ở nhiều hội thảo khoa học; hay đi giảng dạy pháp luật nói chung, pháp luật thanh tra nói riêng. Ông tham gia xây dựng các VBPL như Pháp lệnh Khiếu nại, Tố cáo; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo… và hiện là Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Thanh tra sửa đổi.

Khi làm Viện KHTT, bên cạnh nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, ông thường xuyên tham gia tổ soạn thảo các đạo luật liên quan ngành Thanh tra, tích cực tuyên truyền giảng dạy pháp luật. Bản thân Viện KHTT mà ông làm lãnh đạo cũng được giao chủ trì soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005 (nâng từ Pháp lệnh 1998 lên thành Luật); Chiến lược PCTN đến 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược phát triển ngành Thanh tra…

Công việc nào ông cũng làm bằng cả niềm đam mê, tâm huyết và càng cảm thấy thú vị bởi 3 hoạt động quấn quýt với nhau: “Một khi đã tham gia nghiên cứu thì soạn thảo văn bản được thuận lợi vì mình có tầm nhìn, có lý thuyết và cả kinh nghiệm của nước ngoài, khi văn bản ra rồi thì bản thân lại đi giáo dục tuyên truyền, tạo điều kiện cho thuyết trình trở nên hấp dẫn hơn, chứ nếu chỉ đơn giản nội dung mà không có những minh họa sinh động thì khó mà thu hút được người nghe bởi vì từng chế định, từng chương, điều, khoản, điểm trong luật, từng vấn đề, thậm chí từng câu chữ trong văn bản chứa đựng biết bao vấn đề pháp lý và thực tiễn.

Việc tuyên truyền không chỉ giúp người nghe nắm được quy định mà đôi khi mang đến cho họ “đời sống” của một đạo luật, một quy định, nhất là đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm”. Nghe cách ông cắt nghĩa mối quan hệ giữa 3 công việc quan trọng nhất trong đời công chức của mình, tôi mới hiểu vì sao ông “đắt sô” trong phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại các hội nghị cũng như tại các giảng đường đào tạo cán bộ công chức hay thạc sỹ, tiến sỹ đến vậy.

Ông dẫn lại câu chuyện Quốc hội tranh luận về quy định kiểm soát tài sản, thu nhập trong Luật PCTN 2018. Luật này làm quy trình 3 kỳ họp, vấn đề gay gắt nhất khi thảo luận là xử lý tài sản người kê khai che giấu. Đến nay, Việt Nam chỉ thu hồi được tài sản khi chứng minh được tội phạm. Có người có những tài sản che giấu hoặc không che giấu, nhưng hỏi đến thì không giải trình, chứng minh được; thì chúng ta chưa thể xử lý.

Ở một số nước và ngay cả Điều 20 Công ước chống tham nhũng của Liên Hợp quốc nói rất rõ những trường hợp này phải thu hồi, còn Việt Nam thì Quốc hội đã thảo luận, tranh luận gay gắt nhưng quyết định chưa thể làm ngay được; phải có lộ trình, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Một đạo luật phải mang hơi thở cuộc sống, phản ánh cuộc sống và quay trở lại cuộc sống; phải bảo đảm tính khả thi. Nếu quy định ngay thời điểm ấy sẽ là cả một câu chuyện phức tạp. Đến nay Bộ Tư pháp đã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện quy định về thu hồi tài sản thất thoát, nổi bật là tháng 6 vừa qua đã tham mưu ban hành Chỉ thị 04 của Ban Bí thư.

Trăn trở về lĩnh vực pháp luật hành chính

Thời gian công tác hơn 30 năm tại TTCP, ông Minh có nhiều dịp tu nghiệp nước ngoài, làm thạc sỹ và bảo vệ luận án tiến sỹ luật trong lĩnh vực pháp luật hành chính. Năm 1993, ông là một trong những người đầu tiên được sang thực tập tại Hội đồng Nhà nước (Conseil d`Etat), cơ quan Tòa án Hành chính Tối cao Cộng hòa Pháp... Điều này giúp ông rất nhiều khi về tham gia xây dựng pháp luật về tố tụng hành chính ở Việt Nam với việc người dân có thể khởi kiện cơ quan hành chính tại TAND từ 1996; thay vì chỉ có thể khiếu nại bằng con đường hành chính như trước kia.

Bốn năm sau, ông quay lại Pháp tiếp tục học tại Học viện Hành chính công (nay sáp nhập vào Học viện Hành chính quốc gia ENA) và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại ĐH Toulouse 1 Capitole với đề tài về khiếu kiện hành chính ở Việt Nam.

Theo ông, pháp luật dân sự, hình sự càng cụ thể càng tốt; còn pháp luật hành chính thì lại không thể gò bó, đưa ra nhiều thủ tục vừa khổ dân vừa khổ người thực thi công vụ. Quan trọng là phải có những nguyên tắc cơ bản và người thực thi hiểu đúng, vận dụng linh hoạt. Gần đây, chúng ta tiến hành cải cách, có nhiều tiến bộ nhưng còn chậm chạp. Câu chuyện tranh luận về “hàng hóa thiết yếu” và cách ứng xử của một số cán bộ, công chức trong thời gian dịch bệnh đã bộc lộ một số hạn chế của pháp luật hành chính và cả sự yếu kém, lúng túng của một số người thực thi công vụ do không được đào tạo bài bản.

Về kỹ thuật lập pháp, có khi còn nặng về thuật ngữ, khái niệm, đôi khi khiến cho mọi sự trở nên rối rắm, phức tạp, những điều lẽ ra chỉ nên dành cho những nhà nghiên cứu học thuật, hàn lâm. Ông Minh dẫn ra một thông tư từ những năm 1970 của ngành Thanh tra quy định rất đơn giản, dung dị mà cực kỳ dễ hiểu: “Cần phân biệt khiếu nại là việc đi đòi lợi ích. Tố cáo là việc phản ánh để xử lý người vi phạm. Cũng có đơn vừa khiếu nại vừa tố cáo thì thấy cái gì là chính sẽ xử lý theo cái đó”.

“Bây giờ, ta đi theo hướng phân biệt rõ thế nào là khiếu nại, thế nào là tố cáo rồi thông tin có nội dung tố cáo, rồi phản ánh, kiến nghị... cái nào cũng muốn có luật riêng, quy định riêng, muốn rằng mỗi thứ đều có trình tự, thủ tục, rồi quyền, nghĩa vụ thời hạn, thời hiệu thật chi tiết... Pháp luật hành chính bị trở nên khô cứng, xa rời thực tiễn sinh động biến đổi hàng ngày, hàng giờ của thời đại 4.0”.

Ông Minh tâm niệm, điều cần quan tâm nhất là mối quan hệ giữa pháp luật và cuộc sống, là sức sống của quy định trong thực tiễn. Làm pháp chế chính là bảo đảm đưa pháp luật đi vào cuộc sống đúng như cuộc sống đòi hỏi.

Làm luật pháp nhưng không ở cơ quan pháp luật thuần túy; mà được công tác tại cơ quan có các lĩnh vực công tác gắn bó nhiều với dân và xã hội, các vấn đề pháp luật cần xử lý hàng ngày với các tình huống cụ thể; nên ông Minh và nhiều đồng nghiệp ở TTCP dần trở thành “tổng đài” giải đáp pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN.

Những thắc mắc từ nhiều nơi gọi về, ông sẵn lòng trao đổi, trả lời, tháo gỡ. Cũng có những điều không thể hồi âm ngay, ông lại cùng đồng nghiệp bàn bạc, thảo luận để tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Ông nói vất vả một chút nhưng đó chính là cơ hội để mọi người bồi bổ hiểu biết về thực tiễn, ngày càng làm tốt hơn công việc.

Hàng chục năm gắn bó với ngành Thanh tra, ông Minh nhiều lần nhận được các Bằng khen, 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành, từng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
 

“Thanh tra và nhà báo hoàn toàn có thể tin cậy hỗ trợ nhau”:

Thường xuyên được mời tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ông Minh sẵn lòng xuất hiện trên truyền hình, báo chí vì theo ông, đây là kênh vô cùng tốt để truyền thông cho người dân hiểu những vấn đề gặp phải trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật, vừa tạo dư luận, vừa lắng nghe ý kiến quần chúng.

Ông quan niệm rằng, hoạt động thanh tra cũng như các cơ quan báo chí, không có mục đích nào hơn là góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy người làm thanh tra và các nhà báo hoàn toàn có thể tin cậy và hỗ trợ lẫn nhau. Ông cũng không ngại tham gia mạng xã hội bởi quan niệm, người làm công tác thanh tra, công tác pháp luật cũng cần biết tâm trạng xã hội thông qua muôn vẻ màu sắc đời thường, cả cái tốt và cái chưa tốt. Và đôi khi có trách nhiệm chủ động thông tin chính xác, trung thực đến với mọi người, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

 
Gia Lâm