Ngày Pháp luật - ngày hội pháp lý của toàn dân

29/10/2013
Từ chỗ ban đầu chỉ là mô hình xuất hiện tại một vài địa phương thì theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (gọi tắt là Ngày Pháp luật) đã được ấn định là ngày 9 tháng 11 hàng năm. Được chính thức tổ chức rộng khắp trên cả nước lần đầu tiên vào năm nay, Ngày Pháp luật 2013 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, ngành, địa phương để thực sự trở thành một "ngày hội pháp lý của toàn dân".

Sáng tạo trong triển khai Ngày Pháp luật

Mô hình “Ngày Pháp luật” được triển khai từ trước khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được thông qua với nhiều kết quả đáng khích lệ tại nhiều địa phương như Hà Nội, Tiền Giang, An Giang... Vào Ngày Pháp luật, các cán bộ, viên chức được tập trung lại để nghe phổ biến về một văn bản pháp luật hoặc mới ban hành hoặc có liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức đó. Ngày Pháp luật cũng có thể là những buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, là nơi để cán bộ công chức trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, về những vướng mắc phát sinh liên quan đến pháp luật. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã có những sáng kiến đổi mới để mô hình này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Hữu Thảo chia sẻ, Ngày Pháp luật tại Vĩnh Phúc đã được triển khai từ năm 2011 và mỗi năm thêm bài bản hơn. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều có kế hoạch tổ chức, còn Sở Tư pháp định hướng nội dung sinh hoạt hàng tháng. Triển khai thi hành Luật PBGDPL, năm 2013, Vĩnh Phúc đã làm điểm "Ngày Pháp luật" ở Huyện ủy Yên Lạc, đưa sinh hoạt pháp luật vào sinh hoạt Chi bộ hàng tháng, với tài liệu do Sở Tư pháp cung cấp. Ngoài ra, theo kế hoạch thì cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ sơ kết thực hiện Ngày Pháp luật, dự kiến sang năm 2014 sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.

Trước khi có Luật PBGDPL, theo Công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp, tỉnh Sơn La đã ban hành Chỉ thị về thực hiện Ngày Pháp luật và các địa phương tổ chức triển khai, duy trì đều đặn với nhiều hình thức như lồng ghép vào giao ban hàng tuần, hàng tháng, có đơn vị ấn định vào 1 ngày trong tháng để tổ chức sinh hoạt... Còn khi Luật được ban hành, ngay từ đầu năm 2013, Phó Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp tỉnh Sơn La) Lò Thị Mường Pha cho biết: Sơn La đã có Kế hoạch triển khai, có công văn hướng dẫn từ đầu năm và trong tài liệu tuyên truyền, tập huấn Luật đã xây dựng chuyên đề về Ngày Pháp luật, để truyền tải ý nghĩa của Ngày Pháp luật để cấp cơ sở có nội dung thực hiện, có kế hoạch hoạt động riêng của mình, trong đó chú trọng tôn vinh Hiến pháp.

Theo Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh) Lê Thị Hạnh Lý, Ngày Pháp luật của tỉnh Hà Tĩnh hiện nay được ấn định là ngày 28 hàng tháng và Sở Tư pháp đang tham mưu triển khai Ngày Pháp luật vào ngày treo cờ hàng tháng. Vì vậy, bà Lý mong mỏi, Bộ có công văn hướng dẫn thống nhất để các địa phương thực hiện có hiệu quả, tập trung hơn.

Tôn vinh Hiến pháp, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật

Luật PBGDPL nêu rõ, Ngày Pháp luật được tổ chức, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Và năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc và cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi) của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.

Bởi thế, trước cách thức tổ chức Ngày Pháp luật chưa được thống nhất, Bộ Tư pháp đã có công văn hướng dẫn tổ chức thống nhất về nội dung và hình thức để Ngày Pháp luật năm 2013 thực sự trở thành sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong thực hành “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Theo đó, cùng với tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; phổ biến, giáo dục sâu rộng về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, các Bộ, ngành tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền. Các địa phương thì lựa chọn để phổ biến, thông tin về pháp luật và thi hành pháp luật trong những lĩnh vực đang được nhân dân tại địa bàn quan tâm như biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương có thể lựa chọn một trong các hình thức, gồm: tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, phóng sự chuyên sâu, phim tài liệu, tin, bài, ảnh, các thông điệp ngắn, đối thoại, trả lời phỏng vấn và các hình thức phù hợp khác về Ngày Pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, Năm an toàn giao thông, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở; tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật năm 2013; thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật, chủ đề, khẩu hiệu Ngày Pháp luật năm 2013 qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn, cờ trên các tuyến đường chính, phố, các khu trung tâm, các trường học, địa điểm công cộng, triển lãm tranh, hình ảnh, tài liệu về thực hiện pháp luật.

Riêng trong ngày 9/11/2013, các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện một trong các hình thức như tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức hội nghị, hội thảo về Ngày Pháp luật và các nội dung liên quan tới chủ đề Ngày Pháp luật.

Như vậy, trong Ngày Pháp luật năm nay, cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL với nhiều hoạt động thiết thực; tập trung phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức, các văn bản pháp luật mới về quyền và nghĩa vụ của công dân, gắn với đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cung cấp tài liệu hoặc giới thiệu nội dung văn bản pháp luật sẽ phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân nghiên cứu trước nhằm hiểu sâu hơn và đặt câu hỏi thảo luận khi sinh hoạt pháp luật.

Nam Bằng 

Với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp đã đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Pháp luật năm 2013 như “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; “Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”; “Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật là bảo vệ chính bạn, gia đình bạn và xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”; “Thực hiện pháp luật là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân”; “Tôn trọng và chấp hành pháp luật là nét đẹp văn hóa của mỗi người dân”; “Cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành và bảo vệ pháp luật” và các khẩu hiệu khác phù hợp với chủ đề Ngày Pháp luật, gắn với lĩnh vực của Bộ, ngành, địa phương.


Hoàng Thư (3,5 trang)


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text