Bà Nguyễn Thị Tố Nga (Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật – Bộ Tư pháp): Mỗi “Ngày pháp luật” sẽ có sắc thái riêng

29/10/2013
Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lần đầu tiên sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào ngày 9/11 tới đây. Chia sẻ về sự kiện quan trọng với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) này, bà Nguyễn Thị Tố Nga (Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp đang khẩn trương chuẩn bị nội dung, kế hoạch tổ chức Lễ công bố Ngày pháp luật đầu tiên và nhiều địa phương, bộ, ngành cũng đã có kế hoạch triển khai tổ chức Ngày Pháp luật trên địa bàn”.

“Điểm nhấn” là tuyên truyền về Ngày pháp luật

PV: Thưa bà, tình hình triển khai “Ngày pháp luật” ở các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương theo Công văn số 6902/BTP-PBGDPL ngày 25/9/2013 về tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2013 đang diễn ra như thế nào?

- Tính đến nay đã có 4 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương MTTQVN, TW Hội Nông dân VN, Ngân hàng nhà nước Việt Nam) và 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (An Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Thái Bình, TP.HCM, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Phú Thọ, Nam Định, Bình Thuận, Cà Mau, Thái Bình) đã ban hành Kế hoạch thực hiện Ngày pháp luật năm 2013. Các Kế hoạch của Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đều tập trung thực hiện các nội dung, hình thức đã nêu trong Công văn số 6902/BTP-PBGDPL.

PV: Công tác PBGDPL là công việc hàng ngày, thường xuyên. Vậy trong dịp tổ chức “Ngày pháp luật”, hoạt động PBGDPL sẽ được tổ chức theo nội dung nào để tạo điểm nhấn?

- Điểm nhấn của hoạt động PBGDPL nhân “Ngày Pháp luật” là tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật – một mô hình PBGDPL mới đã được đánh giá cao qua thực tiễn tổ chức trước khi Luật PBGDPL được ban hành và qui định về Ngày Pháp luật. Đặc biệt có hoạt động biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực thi pháp luật, PBGDPL.

Cùng với đó, hoạt động PBGDPL trong dịp quan trọng này sẽ tập trung vào tuyên truyền về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những đạo luật có liên quan đến mọi cá nhân, tổ chức được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 như Luật đất đai (sửa đổi), Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi)…

Các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức; thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: Biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo…cũng sẽ được chọn để tuyên truyền, PBGD trong dịp này, trong đó có chú trọng các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội vừa được Chính phủ ban hành, nhằm thi hành nghiêm chỉnh Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Mỗi “Ngày pháp luật” sẽ có sắc thái riêng của đơn vị, địa bàn

PV: Như bà vừa nói thì nội dung PBGDPL vào Ngày Pháp luật ở tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương đều như nhau?

- Đó chỉ là định hướng để các cơ quan, tổ chức, địa phương lựa chọn nội dung cho phù hợp với điều  kiện và yêu cầu của đơn vị, địa bàn. Theo thông tin chúng tôi tổng hợp được, đa số các địa phương, ngoài những nội dung nêu trên cũng đã hướng dẫn các ngành tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, các văn bản QPPL gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức; thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực: Biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phòng, chống tham nhũng, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Một số địa phương cụ thể định hướng tuyên truyền các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Hòa giải ở cơ sở (An Giang, Hải Phòng)...hay tập trung Tuyên truyền Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành (Phú Yên).

Các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương còn tập trung phổ biến, giáo dục và triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành, đoàn thể (như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung phổ biến, triển khai thi hành các VBPL mới thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; UBTWMTTQVN tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, điển hình là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Ngân hàng nhà nước Việt Nam tập trung tuyên truyền văn bản  pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó chú trọng các văn bản pháp luật về ngân hàng được ban hành trong năm 2013). Một số Bộ, ngành, địa phương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quảng Bình, Đồng Tháp, Bắc Giang… đã tập trung đánh giá về công tác xây dựng pháp luật, PBGDPL và thi hành pháp luật năm 2013 từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, tuy cùng một mục đích và sự kiện nhưng Ngày Pháp luật sẽ được tổ chức mang những sắc thái và đặc trưng của từng đơn vị, địa bàn, mở ra nhiều mô hình mới cho công tác PBGDPL trong thời gian tới.

Lồng ghép “Ngày pháp luật” với nhiều phong trào

PV: Ngoài những hình thức tổ chức Ngày pháp luật theo Công văn số 6902/BTP-PBGDPL, các địa phương sáng tạo hình thức nào cho Ngày pháp luật không, thưa bà?

- Tất nhiên là có. Các Bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn riêng trong ngày 09/11/2013 các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung thực hiện một trong các hình thức như: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, tổ chức hội nghị, hội thảo về Ngày Pháp luật và các nội dung liên quan tới chủ đề Ngày Pháp luật. Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng hình thức triển khai cụ thể Ngày pháp luật như tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong “Ngày pháp luật” hàng tháng; tổ chức tuần lễ cao điểm về tuyên truyền pháp luật (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương); tổ chức mít tinh, diễu hành (Bình Dương), triển lãm về tai nạn giao thông (Bình Dương), tổ chức ngày tư vấn pháp luật miễn phí (Bình Dương). Các địa phương cũng sẽ thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày Pháp luật, chủ đề, khẩu hiệu Ngày Pháp luật năm 2013 qua hệ thống áp phích, panô, băng rôn, cờ trên các tuyến đường chính, phố, các khu trung tâm, các trường học, địa điểm công cộng; triển lãm tranh, hình ảnh, tài liệu về thực hiện pháp luật.

Tuy nhiên, những hình thức truyền thống, đã được đánh giá hiệu quả qua nhiều năm như các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật sẽ vẫn được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương áp dụng, cùng với việc lồng ghép nội dung PBGDPL với các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, Năm an toàn giao thông, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở; Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, PBGDPL và thi hành pháp luật năm 2013. Theo chúng tôi, những hình thức lồng ghép này rất hiệu quả vì “một công đôi việc” và giúp công tác đưa pháp luật vào cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

PV: Bà hy vọng gì qua sự kiện “Ngày pháp luật” đầu tiên này?

- Đối với chúng tôi, với công tác PBGDPL, thì sự kiện đặc biệt là Ngày Pháp luật sắp tới, hy vọng sẽ có một điểm nhấn cho công tác PBGDPL trong đời sống xã hội, tạo bước chuyển cho công tác này để xã hội tiếp nhận và áp dụng pháp luật như một thói quen, một phần tất yếu trong hoạt động hàng ngày, góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân và tổ chức.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Bộ Tư pháp đang khẩn trương chuẩn bị nội dung, kế hoạch tổ chức Lễ công bố ngày pháp luật đầu tiên của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 9/11/2013. Dự kiến, Lễ công bố sẽ có các đồng chí lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Lãnh đạo các Bộ, ngành, đoàn thể; thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL của Chính phủ, UBND, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thuộc Vùng thủ đô, các cơ quan báo, đài trung ương và của Hà Nội tham dự.


Hương Giang (3,5 trang)


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text