PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương: Ngày pháp luật và khẩu hiệu hành động “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”

08/11/2013
Nhân dịp công bố Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi lại nhớ những ngày hè năm 1979, khi đó chúng tôi là giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (Nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) được Nhà trường phân công đưa học sinh Khóa II đi các địa phương giới thiệu và lấy ý kiến cán bộ, nhân dân về nội dung Dự thảo Hiến pháp năm 1980. Đây có lẽ cũng là lúc khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật” ra đời, đánh dấu một giai đoạn mới “quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không chỉ bằng đạo lý”[1] như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã xác định.

Hiến pháp năm 1980 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã thể chế hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đề ra. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước đạt đến một trình độ dân chủ cao, ở đó pháp luật được thượng tôn, mọi thành viên trong xã hội thực hiện lối sống theo pháp luật. Quản lý đất nước bằng pháp luật được đặt ra như một yêu cầu khách quan. Pháp luật là những chuẩn mực chung, bắt buộc đối với mọi người. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là lối sống lành mạnh, thể hiện một trình độ văn minh, là lối sống có văn hóa, có kỷ cương, trách nhiệm. Muốn đất nước có kỷ cương thì phải giữ nghiêm phép nước. Có giữ nghiêm phép nước thì thế nước mới vững chãi [2] . Như vậy, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, mà cao hơn, đó là góp phần giữ gìn thế nước, sự trường tồn của  dân tộc. “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” phải là khẩu hiệu hành động thường xuyên, phải biến thành hành động trong thực tế.

Ngày pháp luật được ghi nhận ở tầm một đạo luật (Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật) là một bước ngoặt quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý, là yếu tố tnh thần không thể thiếu để tạo nên Ngày pháp luật.  Chúng ta đều biết, một số quốc gia có Ngày Hiến pháp để tôn vinh và giữ gìn những giá trị vĩnh cửu của Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản. Chúng ta chưa có Ngày Hiến pháp nhưng đã có Ngày pháp luật - chính là ngày thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta.

Tôi nhớ lại khi còn công  tác ở Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp (2003-2008), một lần đọc và xử lý báo cáo của tỉnh Hà Tây (cũ) tôi thấy trong Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 23/8/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tây về tăng cường lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến năm 2010 và những năm tiếp theo đề cập đến “Ngày pháp luật”  nhằm tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân. Từ nghị quyết của Đảng, “Ngày pháp luật” như là một hình thức độc đáo về tuyên truyền pháp luật được nêu trong Kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến 2010 và những năm tiếp theo (Quyết định số 1908/QĐ-UBND ngày 18/10/2007 của UBND tỉnh Hà Tây).

Đó là kết quả sáng tạo của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, sự nhanh nhạy trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tây lúc đó.

Hôm nay, Ngày pháp luật đã thành hiện thực, thêm một hình thức mới, một “kênh” mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, một lĩnh vực luôn đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, sáng tạo. Là một cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác báo chí, tuyên truyền trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, tôi cũng như các đồng nghiệp rất mong muốn Ngày pháp luật sẽ luôn đồng hành cùng quá trình xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật, góp phần củng cố tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta./.

PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp 2003-2008)


 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 120.

[2] Lê Khả Phiêu - Đảng Cộng sản Việt Nam, 70 năm xây dựng và trưởng thành, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 31.



  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text