Cấp bách nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật

06/11/2013
Cấp bách nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật
Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu tiên được tổ chức trong phạm vi cả nước từ ngày 4-10/11. Nhân dịp này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng, Người phát ngôn - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ tuân thủ luật pháp của người dân hiện còn chưa cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc xây dựng thể chế của chúng ta trong những năm qua có thể nói là tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, việc thực thi, đưa pháp luật vào cuộc sống và pháp luật có khả thi trong cuộc sống hay không thì đúng là còn nhiều vấn đề.

Trong thực tế, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hành vi vi phạm pháp luật, điển hình nhất là các hành vi vi phạm Luật Giao thông: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu… Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trở thành một trong những vấn đề cấp bách  

Thưa ông, vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

Việc người dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành luật, ngoài nguyên nhân từ chính người dân, còn có nguyên nhân trong quá trình xây dựng và ban hành pháp luật, trong việc tổ chức thi hành pháp luật.

Như đã nói, việc xây dựng thể chế của chúng ta khá đồng bộ. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật; pháp luật chưa thật sự đi vào cuộc sống, chưa trở thành nhu cầu tất yếu, thiết thân để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, của xã hội

Tôi lấy ví dụ, gần đây, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rộ lên hiện tượng thương lái thu mua ốc bươu vàng. Người dân thản nhiên bắt rồi bán vì theo họ việc này không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế, hành vi mua bán, nhân nuôi, vận chuyển ốc bươu vàng đã vi phạm Nghị định số 26/2003/NĐ-CP mà Chính phủ ban hành từ năm 2003; và Nghị định 114/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành ngày 20/11/2013. Nếu chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền thì người dân sẽ hiểu hành vi này của họ là đúng hay sai.

Năm nay là năm đầu tiên tổ chức Ngày Pháp luật. Ông mong mỏi điều gì từ việc tổ chức sự kiện này, thưa ông?

Năm nay, nước ta lần đầu tiên tổ chức sự kiện này cũng là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, nhất là năm nay lại đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị pháp lý của đất nước. Đó là việc Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp sửa đổi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Sự kiện Ngày Pháp luật cũng là hình thức phổ biến pháp luật, tuyên truyền cho người dân tinh thần thượng tôn pháp luật trong cuộc sống hàng ngày; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử của người dân phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Tôi hy vọng, thông qua hoạt động này, nhận thức của người dân về vai trò của pháp luật, sự hiểu biết pháp luật và việc thực thi pháp luật của người dân sẽ được nâng cao. Từ đó hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý, hình thành trong mỗi người dân lối sống theo pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật.

Ngày Pháp luật sẽ được tổ chức từ 4-10/11. Trong thời gian này, tại các địa phương trong cả nước sẽ có những hoạt động gì và làm thế nào để việc tổ chức sự kiện này đạt hiệu quả chứ không chỉ là phô trương, hình thức, thưa ông?

Cho đến thời điểm này, Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo ngành tư pháp các địa phương lên kế hoạch cụ thể cho Ngày Pháp luật. Sẽ có nhiều hoạt động trong thời gian này như: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, cung cấp tài liệu pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật cho người dân ở các tổ dân phố, thôn, làng, bản; cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp; cho cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, công sở; cho học sinh các cấp học…

Để việc tổ chức sự kiện này mang lại hiệu quả thiết thực, Bộ Tư pháp cũng hướng dẫn các địa phương, cơ quan, công sở tùy vào điều kiện, tùy vào đối tượng mà có những hoạt động cho phù hợp và thiết thực. Ví dụ, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân những văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; các trường học tuyên truyền Luật Giao thông cho học sinh…

Song, dù được tổ chức dưới hình thức, qui mô nào thì Ngày Pháp luật đều hướng tới giải quyết tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật, nhằm thiết lập kỷ cương văn minh của xã hội ngay từ trong nếp nghĩ, cách sống của mỗi công dân; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.

Xin trân trọng cảm ơn ông!  

Theo baotintuc.vn


Huyền Tím, Phóng viên TTXVN - 0912 167 997 (2-0.4)


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text