“Ngày Pháp luật” đầu tiên 09/11/2013 mang tính Quốc gia

01/11/2013
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác PBGDPL. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: ''Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội''. Nghị quyết số 08–NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ cần: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”. Hiến pháp năm 1992 giao Chính phủ nhiệm vụ: “Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”. Nhiều văn bản pháp luật của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc tăng cường công tác PBGDPL như: Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác PBGDPL từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL…Đặc biệt, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW) đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, lần đầu tiên Chính phủ trình Dự án Luật PBGDPL ra trước Quốc hội. Tại đây, Chính phủ đề nghị quy định “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trong Dự thảo Luật PBGDPL và được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, đánh giá cao.

Sau đó, Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, chính thức quy định ngày 09/11 hàng năm (ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta) là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và doanh nhân. Đây cũng là ý tưởng của các địa phương, trong đó có tỉnh Long An.

Trước đây, khi chưa có Luật PBGDPL thì mô hình “Ngày Pháp luật” đã được quan tâm triển khai ở một số địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Tiền Giang, Long An... Vào “Ngày Pháp luật”, các cán bộ, viên chức được tập trung lại để nghe phổ biến về một văn bản pháp luật mới ban hành hoặc một số quy định chuyên ngành có liên quan trực tiếp đến công việc của cán bộ, công chức đó trong cơ quan, đơn vị. 

“Ngày Pháp luật” cũng có thể là những buổi sinh hoạt chuyên đề về pháp luật, là nơi để cán bộ công chức trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, về những vướng mắc phát sinh liên quan đến pháp luật. Những ngày đầu, dù “Ngày Pháp luật” chưa tổ chức được thường xuyên, chưa có sự thống nhất về nội dung, hình thức... nhưng đã được đội ngũ cán bộ công chức hưởng ứng rất nhiệt tình. Ngành Tư pháp cũng đánh giá cao sáng kiến của các địa phương, trong bối cảnh các hình thức PBGDPL đang được khuyến khích đổi mới theo hướng thực chất hơn, đa dạng và hấp dẫn hơn. Theo đó, năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ đã có hướng dẫn việc nhân rộng “Ngày Pháp luật” trên phạm vi toàn quốc. Từ đây, “Ngày Pháp luật” không còn dừng lại ở một vài địa phương mà đã được triển khai ở rất nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và nhiều địa phương trên cả nước. Tùy yêu cầu công việc của từng ngành và nhiệm vụ chính trị từng địa phương, “Ngày Pháp luật” đã được tổ chức rất phong phú, đa dạng, ngày càng thu hút đông đảo các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia. Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/5/2012, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, việc thực hiện “Ngày Pháp luật” ở các địa phương, cơ quan đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Sau khi Luật PBGDPL được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngà̀y 04/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, trong đó, các nội dung và hình thức tổ chức “Ngày Pháp luật” đã được quy định cụ thể tại Điều 6 của Nghị định này, tạo điều kiện cho việc triển khai được thống nhất, hiệu quả.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức “Ngày Pháp luật” theo Luật PBGDPL trên quy mô rộng khắp cả nước, cùng với thời điểm đang diễn ra Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII để xem xét, thảo luận thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi. Vì thế, “Ngày Pháp luật” năm nay cần được quan tâm tổ chức thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong phạm vi toàn quốc, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân theo phương châm “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Có thể khẳng định “Ngày Pháp luật” sẽ là một hình thức tuyên truyền PBGDPL rất hiệu quả, bởi pháp luật quy định cho “Ngày Pháp luật” được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, phong phú về nội dung, phù hợp với các đối tượng sẽ giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống. “Ngày Pháp luật” sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước ta.

Hưởng ứng chỉ đạo của Trung ương, Long An xác định nội dung chủ yếu tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam; về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội, về những quan điểm, nội dung cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012... và các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân như: Biển đảo, phòng chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...  cùng nhiều hình thức tổ chức phù hợp với tình hình, điệu kiện thực tế của đơn vị, địa phương: Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật; tăng thời lượng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, tin, bài, ảnh,... trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người dân nâng cao ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật.

UBND tỉnh còn chỉ đạo chọn huyện Bến Lức, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An để chỉ đạo điểm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2013: Tổ chức mít tinh, diễu hành trong tuần lễ cao điểm, nói chuyện chuyên đề về Ngày Pháp luật Việt Nam cho đội ngũ giáo viên và học sinh vào ngày 09/11/2013. Các cơ quan: Cục Hải quan, Công an tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin, ảnh về Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2013 trên Trang Thông tin điện tử của ngành. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức qua cuộc thi đố em, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ... theo chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam.

Với nội dung, hình thức tuyên truyền nêu trên, “Ngày Pháp luật” thực sự sẽ trở nên gần gũi, thiết thực với các cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân. Từ đó, giúp các cán bộ, công chức, viên chức và người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh. Cùng với ý nghĩa đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Hà Hùng Cường đã nhận định: “Mục đích tổ chức “Ngày Pháp luật” là để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, qua đó giáo dục được ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ công chức, viên chức và người dân. Một năm có 365 ngày thì 364 ngày còn lại của năm, với một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là “Ngày Pháp luật”. Mặc dù năm nay rất khó khăn, Chính phủ chỉ đạo chống lãng phí và các hoạt động mang tính hình thức, nhưng vì ý nghĩa của ngày 09/11 nên chúng tôi sẽ báo cáo đề nghị Thủ tướng cho phép tổ chức “Ngày Pháp luật” đầu tiên mang tính quốc gia vào ngày 09/11/2013”.

Trong đợt sinh hoạt chính trị pháp lý về “Ngày Pháp luật” được tổ chức trong tuần lễ từ ngày 04/11/2013 đến ngày 10/11/2013, trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 09/11/2013./.

P.PBGDPL


Bá Phan Trung Nữ Chiêm Uyên (3,5 trang)


  • Alternate Text
  • Alternate Text
  • Alternate Text