Việt Nam – Vương quốc Tây Ban Nha đàm phán, ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự

Alternate Text

Việt Nam – Tây Ban Nha thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển. Tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam và Tây Ban Nha luôn ủng hộ lẫn nhau trong việc tham gia vào các cơ quan của Liên Hợp quốc. Hai bên đã trao đổi một số đoàn cấp cao nhằm tăng cường tiếp xúc và bàn bạc các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 12/2009, hai Bên đã thiết lập quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai”, khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong thời gian tới.

Về thương mại, Tây Ban Nha có tốc độ tăng trưởng trao đổi thương mại với Việt Nam ở mức cao, tăng gần gấp đôi trong 3 năm qua, từ mức 1,33 tỷ USD năm 2010 lên 2,4 tỷ USD năm 2013. Tây Ban Nha hiện có 27 dự án tại Việt Nam với 27 triệu USD vốn FDI đăng ký. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha đang quan tâm đầu tư các dự án hạ tầng lớn tại Việt Nam. Hiện nay Tây Ban Nha xếp Việt Nam vào diện nước ưu tiên giảm nghèo, y tế và giáo dục. Hợp tác giáo dục và đào tạo đã có những bước phát triển khích lệ. Năm 2005, khoa Tây Ban Nha đã được thành lập tại Đại học Hà Nội và nhận được sự hỗ trợ của Tây Ban Nha về cơ sở vật chất. Giai đoạn 2008 – 2010 Tây Ban Nha đã cấp khoảng 180 xuất học bổng cho Việt Nam.

Hai nước đã ký nhiều Hiệp định, thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Hiệp định khung về hợp tác (tháng 10/2001); Hiệp định hợp tác Du lịch giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Tây Ban Nha (tháng 4/2002); Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (tháng 3/2005); Hiệp định hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ kỹ thuật (tháng 7/2005); Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi (tháng 12/2007); Tháng 12/2009, hai nước đã ký Chương trình hành động chung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Tây Ban Nha trong đó xác định khuôn khổ quan hệ song phương là “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai”, ký Hiệp định miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác và tham khảo chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước; Biên bản ghi nhớ về hợp tác và tham khảo chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước; Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (tháng 9/2010). Tháng 7/2011, hai nước đã tiến hành đàm phán Hiệp định dẫn độ và Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù. Việt Nam và Tây Ban Nha đều là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương về phòng chống tội phạm như: các Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, phòng, chống ma túy, tiền chất ma túy va chất hướng thần và nhiều Công ước Liên hợp quốc liên quan đến phòng, chống khủng bố.

Hoạt động ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự với các nước là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. ĐƯợc thể hiện tại Nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020”.

Nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định sau khi kết thúc đàm phán

Việc đàm phán dựa trên dự thảo Hiệp định do phía Tây Ban Nha đề xuất và phương án đàm phán của Việt Nam. Dự thảo Hiệp định sau khi kết thúc đàm phán bao gồm Lời nói đầu và 26 điều, cụ thể: Phạm vi áp dụng (Điều 1); Cơ quan Trung ương (Điều 2); Phạm vi tương trợ (Điều 3); Từ chối tương trợ (Điều 4); Hình thức yêu cầu tương trợ (Điều 5); Nội dung yêu cầu tương trợ (Điều 6); Thực hiện yêu cầu tương trợ (Điều 7); Bảo mật và hạn chế sử dụng thông tin (Điều 8); Pháp luật áp dụng (Điều 9); Thông tin về quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp (Điều 10); Chi phí (Điều 11); Tống đạt (Điều 12); Sự có mặt trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu (Điều 13); Sự có mặt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu (Điều 14); Sự có mặt của người đang bị giam giữ tại Bên yêu cầu (Điều 15); Lấy lời khai qua cầu truyền hình (Điều 16); Miễn trừ (Điều 17); Tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội (Điều 18); Trao đổi thông tin (Điều 19); Chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 20); Chứng nhận và chứng thực (Điều 21); Tham vấn (Điều 22); Giải quyết bất đồng (Điều 23); Mối quan hệ với các điều ước hay hình thức hợp tác khác (Điều 24); Hiệu lực thi hành (Điều 25) và Điều khoản thi hành và chấm dứt Hiệp định (Điều 26).

Theo dự thảo Hiệp định, phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Tây Ban Nha sẽ bao gồm:

a)    Xác định địa điểm và nhận dạng người;

b)    Tống đạt tài liệu tư pháp;

c)    Thu thập chứng cử, bao gồm cả việc lấy lời khai;

d)    Thực hiện lệnh khám xét và thu giữ;

e)    Tống đạt giấy triệu tập và ghi nhận ý kiến của người được đề nghị cung cấp chứng cứ hoặc hỗ trợ điều tra tại Bên yêu cầu và trường hợp người đó đang bị giam giữ thì tổ chức chuyển giao tạm thời người đó sang Bên yêu cầu;

f)     Khám xét, phong tỏa, thu giữ và tịch thu tài sản do phạm tội mà có và công cụ, phương tiện phạm tội;

g)    Chuyển giao đồ vật, bao gồm cả việc trao trả đồ vật và chứng cứ cho mượn để xuất trình tại tòa án;

h)    Trao đổi thông tin về tội phạm và thủ tục tố tụng hình sự tại Bên được yêu cầu;

i)      Trao đổi thông tin về tiền án, tiền sự của công dân Bên kia;

j)      Chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự;

k)    Các hình thức tương trợ khác phù hợp với mục đích của Hiệp định này và không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.

Theo dự thảo Hiệp định, mỗi bên ký kết sẽ chỉ định một Cơ quan trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp gửi và nhận các yêu cầu tương trợ tư pháp theo Hiệp định. Theo đó, Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan trung ương của Vương quốc Tây Ban Nha là Bộ Tư pháp (Điều 2). Cơ quan trung ương này có thể thay đổi khi một trong hai bên chỉ định cơ quan khác làm Cơ quan trung ương và phải thông báo về việc chỉ định đó cho Bên kia thông qua kênh ngoại giao.

Hợp tác trong tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Tây Ban Nha đang ở giai đoạn bước đầu. Mặc dù vậy, với xu thế phát triển trong quan hệ hai nước trong thời gian tới, Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự sẽ là một trong những công cụ pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm giữa hai nước. Việc ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Vương quốc Tây Ban Nha đồng thời cũng làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ “Đối tác chiến lược hướng tới tương lai” giữa hai nước./.

Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text Alternate Text