Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách hành chính tại Bộ

Tin tức

Lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao công tác cải cách hành chính tại Bộ

Tại Tọa đàm đánh giá, rút kinh nghiệm về Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2016 được tổ chức vào ngày 29/6/2017, đại diện Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã hoan nghênh Bộ Tư pháp thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016; đã nghiêm túc rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính, qua đó đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ và chất lượng.

Theo đó, Quý III/2017, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được Bộ Tư pháp triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lộ trình cải cách chung của Chính phủ và bám sát Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2017; các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC bảo đảm gắn kết với các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Về cơ bản, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ đề ra. Nổi lên có thể kể đến kết quả thuộc một số mặt công tác, cụ thể như sau:
- Về cải cách thể chế: Để chuẩn bị và tổ chức triển khai thi hành các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)), Bộ Tư pháp đã khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các Kế hoạch triển khai, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật này. Bộ cũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành để xây dựng các Báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV mà Bộ Tư pháp được giao chủ trì; tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản được giao chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết quả: Bộ Tư pháp đã trình 05/09 văn bản có thời hạn phải trình trong quý III năm 2017, đạt tỷ lệ 55,55%, còn lại 04 văn bản đang được Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2017.
- Về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: Trên cơ sở tham mưu của Bộ, ngày 04/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Trong đó, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực như: lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, công chứng... Việc kiểm soát quy định TTHC tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định TTHC) cũng như kiểm soát việc thực hiện TTHC (công bố công khai, niêm yết, giải quyết TTHC…) được duy trì, cơ bản đi vào nề nếp, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến, thẩm định đối với 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính (01 Luật; 08 nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) với quy định 44 TTHC, trong đó, đề nghị không quy định 02 thủ tục, sửa đổi 39 thủ tục không hợp lý (chiếm 93,2% tổng số thủ tục hành chính quy định tại dự thảo văn bản).
Đáng chú ý là trong quý III/2017, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã đi vào vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử thi hành án dân sự, công bố các thủ tục hành chính, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: triển khai thi hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1412/QĐ-BTP ngày 07/9/2017 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành; Bộ Tư pháp cũng đã khẩn trương rà soát, sửa đổi các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Bộ; xây dựng dự thảo Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ và tiếp tục rà soát, chỉnh sửa Bảng mô tả công việc và khung năng lực của các đơn vị. Đồng thời, Bộ cũng đang tích cực hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ đối với các dự thảo Quyết định: ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Tư pháp; ban hành Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Tư pháp và ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp đã quán triệt các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định, quy chế trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục tổng hợp chọn, cử công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng năm 2017. Theo đó, trong quý III năm 2017, Bộ Tư pháp tiến hành các thủ tục chọn, cử 227 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước; cử 05 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài.
- Về hiện đại hóa nền hành chính: Bên cạnh việc triển khai hạng mục điều chỉnh, bổ sung Dự án Thí điểm thiết lập hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch, Bộ Tư pháp đã xây dựng và triển khai các phần mềm ứng dụng (xây dựng phần mềm quản lý nuôi con nuôi trong nước và quản lý dữ liệu trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại tư pháp cấp xã, phần mềm quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý giai đoạn I, phần mềm quản lý nuôi con nuôi nước ngoài, phần mềm tiếp nhận, hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự; nâng cấp, phát triển phần mềm quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp,..).
Đồng thời, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Bộ Tư pháp, phát triển Chính phủ điện tử, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ, từ ngày 01/8/2017, Bộ Tư pháp đã triển khai mở rộng áp dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan Bộ đối với một số văn bản do Cục Công tác phía Nam, Cục Bồi thường nhà nước, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Trợ giúp pháp lý phát hành.