Tọa đàm kinh nghiệm Cộng hòa Pháp về Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại
​​​

Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế

Giới thiệu

Công ước Tống đạt là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực vào ngày 10/02/1969.
(Nội dung Công ước)
Đến ngày 13/6/2016, Công ước La Hay về tống đạt đã có 71 thành viên là các quốc gia phát triển và đang phát triển, có truyền thống pháp luật khác nhau.
Danh sách các quốc gia thành viên: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/?cid=17
Bao gồm cả Việt Nam và Costa Rica là các quốc gia mà Công ước sẽ có hiệu lực vào tháng 10 năm 2016.
Công ước gồm 31 điều và một Phụ lục các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Nội dung tóm tắt giấy tờ được tống đạt.
Trên cơ sở đánh giá sự cần thiết của việc gia nhập Công ước, ngày 08/12/2015 Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2731/2015/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (sau đây gọi là Công ước) và giao Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước, ngày 16/3/2016, Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước. Dự kiến Công ước sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016.
(Văn kiên gia nhập của Việt Nam)
(Thông báo của Bộ Ngoại giao Hà Lan)

Tọa đàm kinh nghiệm Cộng hòa Pháp về Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, ngày 06/11/2017, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tổ chức Tọa đàm về thực thi Công ước La Hay về tống đạt ra ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự thương mại (Công ước tống đạt).
Cộng hòa Pháp là một trong những quốc gia tham gia ký Công ước tống đạt và Công ước có hiệu lực với Cộng hòa Pháp từ năm 1972. Có thể nói với 45 năm thực thi Công ước, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp – cơ quan trung ương thực thi Công ước tại Pháp có rất nhiều kinh nghiệm từ hoàn thiện thể chế trong nước đến tổ chức thực thi Công ước.

Tham dự Tọa đàm, bà Marie Vautravers – Phó trưởng Phòng Pháp luật Liên minh Châu Âu, tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp về dân sự, Vụ Dân sự và Tư pháp, Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ cơ quan trung ương thực thi Công ước tống đạt đồng thời cũng là đơn vị đầu mối của Bộ Tư pháp Pháp trong thực thi Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Pháp (Hiệp định)  đã chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy của đơn vị đầu mối; thẩm quyền thực hiện tống đạt giấy tờ tại Pháp; cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan có thẩm quyền thực hiện tống đạt giấy tờ; đào tạo nghiệp vụ tống đạt giấy tờ tại Pháp; cách hiểu và áp dụng các quy định của Công ước trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, bà Marie Vautravers cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên hệ với Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế để yêu cầu cung cấp thông tin hoặc đề nghị Hội nghị phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc trong quá trình tống đạt yêu cầu đến một quốc gia thành viên.

Bên cạnh đó liên quan đến việc thực thi Hiệp định, Vụ Pháp luật quốc tế đã trao đổi số liệu thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam đã gửi Bộ Tư pháp Pháp trong năm 2016, 2017 nhưng chưa có trả lời và đề nghị với tư cách là người phụ trách đơn vị đầu mối thực thi Hiệp định bà Marie Vautravers rà soát, kiểm tra để sớm có thông tin trả lời cho Bộ Tư pháp Việt Nam.
Trong bối cảnh dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát chuẩn bị được Chính phủ ban hành và Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, Tọa đàm dành thời gian trao đổi về hoạt động của Thừa phát lại tại Pháp, đặc biệt tập trung vào nội dung về trách nhiệm của Thừa phát lại; chế tài áp dụng đối với Thừa phát lại vốn là nội dung còn mới đối với Việt Nam.

Tại Pháp, thừa phát lại thực hiện tống đạt tất cả các loại giấy tờ cả trong nước và ra nước ngoài cũng như các yêu cầu của nước ngoài gửi đến Pháp. Trong phạm vi Công ước tống đạt, yêu cầu thừa phát lại Pháp tống đạt giấy tờ được coi là thủ tục đặc biệt theo quy định tại điểm b Điều 5 Công ước và phải chịu chi phí là 48,75 Euro/yêu cầu. Trường hợp nước thành viên Công ước tống đạt yêu cầu thực hiện theo thủ tục thông thường (theo quy định pháp luật của quốc gia được yêu cầu) – điểm a Điều 5 Công ước hay đối với những nước có Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp với Pháp, hồ sơ sẽ được Bộ Tư pháp Pháp chuyển cho Viện Công tố cấp tỉnh/thành phốđể Viện Công tố giao cho Cảnh sát nơi đương sự cư trú tống đạt và yêu cầu tống đạt theo cách này được thực hiện miễn phí. Chuyên gia Pháp nhận định tuy việc tống đạt thông qua thừa phát lại mất chi phí nhưng kết quả sẽ hiệu quả hơn, nhanh hơn bởi thừa phát lại tống đạt ngay trong ngày nhận được yêu cầu và nỗ lực thực hiện yêu cầu ngay cả khi đương sự đã chuyển đi nơi khác. Trong khi đó, công tác tống đạt giấy tờ không phải là nhiệm vụ chính của Viện Công tố và cảnh sát Pháp nên thời gian thực hiện thường bị kéo dài, việc tống đạt chỉ dừng lại tại địa chỉ của đương sự theo cung cấp của cơ quan yêu cầu, không mở rộng điều tra, xác minh địa chỉ mới trong trường hợp đương sự đã chuyển đi nơi khác. Trước thực tế nước Pháp thời gian qua luôn bị đe dọa bởi khủng bố, yêu cầu cảnh sát Pháp tập trung cho nhiệm vụ giữ an ninh trật tự, Bộ Tư pháp Pháp đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương giao toàn bộ các yêu cầu tống đạt giấy tờ cho thừa phát lại thực hiện. 
Các thông tin, kiến thức được chuyên gia Pháp chia sẻ tại Tọa đàm đã hỗ trợ Bộ Tư pháp – cơ quan trung ương thực thi Công ước tống đạt của Việt Nam cũng như các cơ quan trực tiếp thực hiện tống đạt giấy tờ nghiên cứu đề xuất  hoàn thiện thể trong lĩnh vực tương trợ tư pháp; xử lý những yêu cầu tống đạt giấy tờ từ đó nâng cao hiệu quả công tác này tại Việt Nam.