Hội thảo Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt giấy tờ và quy định pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự
​​​

Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế

Giới thiệu

Công ước Tống đạt là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo và thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực vào ngày 10/02/1969.
(Nội dung Công ước)
Đến ngày 13/6/2016, Công ước La Hay về tống đạt đã có 71 thành viên là các quốc gia phát triển và đang phát triển, có truyền thống pháp luật khác nhau.
Danh sách các quốc gia thành viên: https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/status-table/?cid=17
Bao gồm cả Việt Nam và Costa Rica là các quốc gia mà Công ước sẽ có hiệu lực vào tháng 10 năm 2016.
Công ước gồm 31 điều và một Phụ lục các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Nội dung tóm tắt giấy tờ được tống đạt.
Trên cơ sở đánh giá sự cần thiết của việc gia nhập Công ước, ngày 08/12/2015 Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 2731/2015/QĐ-CTN về việc gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (sau đây gọi là Công ước) và giao Bộ Tư pháp là Cơ quan Trung ương của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước, ngày 16/3/2016, Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước. Dự kiến Công ước sẽ chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016.
(Văn kiên gia nhập của Việt Nam)
(Thông báo của Bộ Ngoại giao Hà Lan)

Hội thảo Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt giấy tờ và quy định pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự

Ngày 23/9/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo tập huấn về thực hiện Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt) và giới thiệu các quy định mới của pháp luật liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cho các thẩm phán, thư ký các Toà án nhân cấp tỉnh và cán bộ, chấp hành viên cơ quan thi hành án các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ.
Theo dự kiến Công ước Tống đạt có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 01/10/2016. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của Công ước tống đạt, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã có các quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp. Đồng thời, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao cũng đang hoàn tất các thủ tục để ký, ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp (Thông tư liên tịch số 15/2011.  Việc tổ chức Hội thảo nhằm trang bị những kiến thức cần thiết bước đầu cho đội ngũ cán bộ các cơ quan trực tiếp thực hiện hoạt động uỷ thác tư pháp tại địa phương trong thực thi các văn bản trên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao bà Nguyễn Thuý Hiền nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế pháp luật, tham gia các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và nhận thức của các cấp, các ngành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện tương trợ tư pháp từ trung ương tới địa phương là những yếu tố nâng cao hiệu quả hoạt động uỷ thác tư pháp về dân sự. Phó Chánh án cũng đề nghị các đại biểu tham dự tích cực tham gia trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan để thực thi Công ước Tống đạt một cách hiệu quả và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Sau phát biểu khai mạc của của Phó Chánh án Nguyễn Thuý Hiền, các giảng viên và báo cáo viên của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Toà án nhân dân tối cao đã giới thiệu nội dung Công ước Tống đạt, các quy định của dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15 và Phần thứ 8 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong đó tập trung vào quy trình, phương thực hiện tống đạt giấy tờ theo các kênh của Công ước tống đạt và quy định mới của Bộ Luật Tố tụng dân sự có liên quan. Bên cạnh đó, các giảng viên cũng trực tiếp trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các quy định pháp luật và thực hiện uỷ thác tư pháp. Một số ý kiến đóng góp của đại biểu đã được các cơ quan trung ương ghi nhận để hoàn thiện về mặt kỹ thuật các quy định của Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch 15 trước khi ban hành.

Kết luận Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp tiếp tục khẳng định để triển khai đồng bộ, hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như quy định pháp luật trong nước về uỷ thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự yêu cầu các cơ quan từ trung ương đến địa phương cần phải tập trung nguồn nhân lực, hoàn thiện và nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác này. Đồng thời, Bộ Tư pháp mong muốn các cơ quan địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Công ước và pháp luật qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động ủy thác tư pháp về dân sự.
Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp.