Thành phần tham dự Hội thảo, về phía Pháp có sự tham gia của Chuyên gia Nicolas Castell – Vụ Pháp luật quốc tế và Pháp Liên minh Châu Âu, Bộ Tư pháp Pháp;
Ông Benoît Briquet, Tùy viên pháp luật, Đại sứ quán Pháp. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của Bà Phạm Hồ Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phụ trách Phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và đại diện một số Bộ, ngành: Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Khoa học pháp lý, Tổng cục Thi hành án, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Đại học Luật Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Cục thi hành án Dân sự thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Tại Hội thảo chuyên gia Pháp và Việt Nam đã cùng chia sẻ, trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc gia nhập và thực thi Công ước La Hay về thu thập chứng cứ, trong đó có một số thông tin quan trọng như sau:
- Tổng quan chung về Công ước: Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ là Công ước đa phương của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế được ký ngày 18 tháng 3 năm 1970 và có hiệu lực ngày 07 tháng 10 năm 1972. Tính thời thời điểm hiện tại, đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ từ tất cả các hệ thống pháp luật và Châu lục trên toàn thế giới là thành viên của Công ước. Công ước gồm 3 Chương và 42 Điều, Chương I quy định về Văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ, Chương II quy định về thu thập chứng cứ thông qua Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự và Người được ủy quyền, Chương III quy định chung.
Mục tiêu của Công ước nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy và khắc phục những khác biệt giữa các Quốc gia trong quá trình thu thập chứng cứ ngoài lãnh thổ thông qua (1) hoàn thiện phương thức thu thập chứng cứ thông qua Văn bản yêu cầu và (2) quy định các kênh thu thập chứng cứ bổ sung thông qua viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự và Người được ủy quyền.
Pháp là một trong những nước đầu tiên ký và thực hiện Công ước thu thập chứng cứ vào năm 1972. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Công ước có hiệu lực vào ngày 06 tháng 10 năm 1974. Pháp chỉ định Bộ Tư pháp là cơ quan trung ương thực hiện thu thập chứng cứ và đưa ra một số tuyên bố, bảo lưu khi gia nhập. Pháp đã đưa ra các bảo lưu về (i) Ngôn ngữ trong Văn bản yêu cầu phải được lập bằng tiếng Pháp; (ii) Pháp không thực hiện Văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ trước khi diễn ra phiên tòa theo Điều 23, trừ trường hợp những tài liệu được yêu cầu thu thập được đánh số một cách giới hạn và có mối liên hệ trực tiếp tới thủ tục tố tụng.
+ Công ước được áp dụng trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại: Công ước không đưa ra định nghĩa “lĩnh vực dân sự hoặc thương mại”, theo chuyên gia Pháp vấn đề này phụ thuộc vào pháp luật của mỗi quốc gia. Tại Pháp, phạm vi thuờng bao gồm các vấn đề về hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, trách nhiệm dân sự… và không bao gồm vấn đề thuế do vấn đề này thuộc lĩnh vực hành chính. Công ước chỉ hỗ trợ việc thu thập chứng cứ trong quá trình tố tụng hoặc đối với hoạt động tư pháp khác. Chẳng hạn: Bao gồm một số hoạt động như lấy mẫu sinh phẩm, xét nghiệm ADN… Ngoài ra, chuyên gia Pháp cũng cho rằng, yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật không thuộc phạm vi của Công ước.
- Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu thập chứng cứ thông qua Văn bản yêu cầu: Công ước quy định “Cơ quan tư pháp” có thẩm quyền gửi Văn bản yêu cầu thu thập chứng cứ. Việc xem xét một cơ quan có phải là cơ quan tư pháp hay không phụ thuộc vào pháp luật của Quốc gia yêu cầu. Chẳng hạn: Pháp chấp nhận coi Cơ quan quản lý cạnh tranh của Hàn Quốc và Thụy Sỹ là cơ quan tư pháp nhưng Cơ quan quản lý cạnh tranh của Brazil lại không được Pháp coi là cơ quan tư pháp. Hoặc Tòa Trọng tài hay cơ quan thi hành án theo pháp luật của Pháp cũng không được coi là cơ quan tư pháp có thẩm quyền yêu cầu thu thập chứng cứ. Thông thường, việc xem xét cơ quan tư pháp thường dựa trên 1 số tiêu chí sau: (1) Tính độc lập so với nhánh hành pháp; (2) Tính công tâm; (3) Có việc tranh tụng hay không; (4) quyết định có được kháng cáo hay không.
- Cơ quan trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong thực thi Công ước. Khi nhận được Văn bản yêu cầu, Cơ quan trung ương phải kiểm tra tính hợp lệ của Văn bản yêu cầu theo Điều 3 Công ước và tiến hành (1) xem xét yêu cầu thu thập chứng cứ có thuộc lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; (2) Xem xét cơ quan yêu cầu thu thập chứng cứ có phải là cơ quan tư pháp không; (3) Yêu cầu có thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp của Quốc gia được yêu cầu không. Cơ quan trung ương cũng có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu về quy định của pháp luật nước được yêu cầu để hướng dẫn cho các cơ quan trong nước lập hồ sơ yêu cầu thu thập chứng cứ đáp ứng yêu cầu của nước ngoài.
- Về sự có mặt của các Bên liên quan và đại diện khi thu thập chứng cứ (Điều 7), Công ước quy định Cơ quan yêu cầu phải được thông báo về thời gian địa điểm tiến hành thu thập chứng cứ để các bên liên quan và đại diện của họ
có quyền có mặt. Trong trường hợp này, thông thường Cơ quan của Quốc gia được yêu cầu có nghĩa vụ thông báo là cơ quan tiến hành thu thập chứng cứ (thường là thẩm phán phụ trách). Tuy nhiên, chuyên gia Pháp cũng nhấn mạnh việc có mặt của đương sự và người đại diện phải tuân theo pháp luật của Quốc gia tiến hành thu thập chứng cứ, trong trường hợp pháp luật không quy định việc có mặt thì thì Quốc gia tiến hành thu thập chứng cứ có thể từ chối mà không dẫn tới việc vi phạm Công ước.
- Về sự có mặt của
“nhân viên tư pháp” của Quốc gia yêu cầu (Điều 8), khi Quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố,
“nhân viên tư pháp” thường là các thẩm phán của Quốc gia được yêu cầu, sẽ có mặt trong quá trình thu thập chứng cứ mà không được tham gia vào quá trình thu thập chứng cứ, trừ trường hợp được thẩm phán thực hiện thu thập chứng cứ cho phép. Tuy nhiên, trên thực tế tại Pháp thẩm phán của Quốc gia yêu cầu cũng có thể có mặt dưới hình thức video trực tuyến.
- Về thu thập chứng cứ qua Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự, Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự có thể thu thập chứng cứ đối với công dân của Quốc gia mình mà không cần sự cho phép trước từ
Quốc gia nơi chứng cứ được thu thập (State of Execution), trừ trường hợp Quốc gia này tuyên bố viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự chỉ có thể thu thập chứng cứ khi có sự cho phép trước. Ngược lại, Viên chức ngoại giao, Viên chức lãnh sự chỉ có thể thu thập chứng cứ đối với công dân của của Quốc gia nơi chứng cứ được thu thập hoặc của Quốc gia thứ ba nếu có sự cho phép trước từ Quốc gia nơi chứng cứ được thu thập, trừ trường hợp Quốc gia này tuyên bố viên chức ngoại giao hoặc viên chức lãnh sự có thể thu thập chứng cứ mà không cần sự cho phép trước.
Người được ủy quyền (thường là Luật sư hoặc cũng có thể là Viên chức ngoại giao/lãnh sự) chỉ có thể thu thập chứng cứ khi có sự cho phép trước từ Quốc gia nơi chứng cứ được thu thập, trừ trường hợp Quốc gia này tuyên bố Người được ủy quyền có thể thu thập chứng cứ mà không cần sự cho phép trước.
- Về chi trả chi phí theo Điều 14, thực tế tại Pháp, các đương sự có yêu cầu thu thập chứng cứ sẽ thanh toán trực tiếp cho bên cũng cấp dịch vụ theo hóa đơn thực tế.
- Về quan hệ giữa Hiệp định TTTP song phương và Công ước, Điều 28 của Công ước thu thập chứng cứ có quy định các quốc gia thành viên có thể lựa chọn phương thức hoặc kênh thu thập chứng cứ của điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận song phương. Do vậy, khi Việt Nam gia nhập Công ước, sẽ không xảy ra trường hợp xung đột giữa Công ước và các Hiệp định/Thỏa thuận TTTP mà Việt Nam đã là thành viên. Đồng thời, Việt Nam có thể trao đổi với các nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định TTTP để lựa chọn áp dụng các quy định của Công ước hoặc quy định của Hiệp định hiện có bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn giữa hai nước.
Liên quan tới nội dung về Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ, Chuyên gia Pháp cung cấp một số thông tin chung về tình hình tham gia Công ước của Pháp. Theo đó, Pháp là một trong những quốc gia đầu tiên ký Công ước vào ngày 24/8/1972 và chính thức có hiệu lực tại Pháp vào 6/10/1974. Chuyên gia cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc của Pháp trong quá trình thực hiện Công ước như: Công ước tống đạt giấy tờ quy định nhiều kênh, nên cơ quan trung ương gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi hồ sơ (có những vụ việc số lượng đương sự cần tống đạt lên tới 3000 người); Thời hạn thực hiện tống đạt do Công ước đặt ra là 3 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời hạn này rất khó đảm bảo. Ngoài ra, Chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị yêu cầu tống đạt giấy tờ gửi trực tiếp cho cơ quan phụ trách tống đạt (Tòa án) mà không nhất thiết phải qua kênh Cơ quan trung ương để giảm tải cho Cơ quan trung ương. Đồng thời, Cơ quan trung ương nên được tổ chức là cơ quan đầu mối hợp tác, đôn đốc thực thi Công ước hơn là cơ quan chuyển giao giấy tờ để rút ngắn thời gian thực hiện tống đạt.
Ngoài ra, chuyên gia Pháp cũng điểm qua một số tình hình thực hiện Hiệp định TTTP năm 1999 giữa Việt Nam và Pháp. Trong năm 2015, trong khuôn khổ Hiệp định TTTP năm 1999, Việt Nam gửi tới Pháp 5 yêu cầu, trong đó 1 yêu cầu không thể thực hiện được. Về cơ bản, phía Pháp thực hiện tốt UTTP của Việt Nam, tuy nhiên, chuyên gia Pháp cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc xử lý hồ sơ của Việt Nam, chẳng hạn như: Tại Pháp cơ quan thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ và yêu cầu tống đạt giấy tờ là hai cơ quan khác nhau, do đó, việc xử lý yêu cầu kép gồm cả thu thập chứng cứ và tống đạt giấy tờ của Việt Nam thường gặp khó khăn. Thông thường khi nhận được yêu cầu loại này, nhân viên của một trong hai cơ quan phải tiến hành sao chép hồ sơ và chuyển lại cho cơ quan còn lại để thực hiện. Ngoài ra, chuyên gia Pháp cũng lưu ý Việt Nam về các thông tin nêu tại Văn bản yêu cầu tống đạt phải chính xác, đặc biệt là địa chỉ người nhận.
Những nội dung được chuyên gia Pháp và Việt Nam chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo là những thông tin hết sức thiết thực giúp Việt Nam nghiên cứu gia nhập Công ước LaHay về thu thập chứng cứ và thực thi Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ./.