Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban tổ chức Tư pháp người chưa thành niên ASEAN tại Bangkok, Thái Lan

Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban tổ chức Tư pháp người chưa thành niên ASEAN tại Bangkok, Thái Lan

Từ ngày 01 đến ngày 4/2014, Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban tổ chức Tư pháp người chưa thành niên ASEAN đã được Bộ Tư pháp Thái Lan, Cục Theo dõi và bảo vệ tư pháp người chưa thành niên (the Department of Juvenile Observation and Protection) phối hợp với Tổ chức Quan sát quốc tế về tư pháp người chưa thành niên (the International Juvenile Justice Observatory IJJP, một Quỹ phúc lợi công của Bỉ có trụ sở chính tại Brussels), Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan và UNICEF Thái Lan tổ chức tại Bangkok. Tham dự Hội nghị có các đại diện bao gồm các thành phần khác nhau từ các nước ASEAN như đại biểu các Bộ, ngành: Tư pháp, Các vấn đề về gia đình và xã hội, Phát triển cộng đồng, phụ nữ và gia đình; Tòa án nhân dân tối cao; các nhà nghiên cứu và nhà hoạt động về tư pháp người chưa thành niên của một số trường đại học và tổ chức phi Chính phủ từ 8 nước ASEAN: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Singapore.     

Bộ Tư pháp Việt Nam cử 03 đại diện tham dự sự kiện quan trọng này, trong đó có 02 đại diện của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính và 01 đại diện của Vụ Hợp tác quốc tế.

   

Về chương trình, nội dung, mục đích của Hội nghị

Trong 3 ngày đầu tiên, các đại biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm về thực trạng, những khó khăn, thách thức trong tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở mỗi nước, đồng thời thảo luận về các biện pháp thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tư pháp người chưa thành niên ở mỗi nước nói riêng và ASEAN nói chung. Ngày cuối cùng, các đại biểu sẽ tham quan một số cơ sở đào tạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội ở Thái Lan, một mô hình phát triển, hy vọng sẽ được nhân rộng tại các nước ASEAN trong thời gian tới. Mục tiêu cuối cùng của cuộc họp là các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về khả năng thiết lập Hội đồng Tư pháp người chưa thành niên ASEAN (ASEAN Juvenile Justice Council) hoạt động với sự bảo trợ của Hội đồng Tư pháp người chưa thành niên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (the Asia – Pacific Council for Juvenile Justice) – thành viên của Tổ chức Quan sát quốc tế về tư pháp người chưa thành niên (IJJP).

Hội nghị này một mặt sẽ góp phần đặt nền móng đầu tiên cho ý tưởng thiết lập Hội đồng Tư pháp người chưa thành niên ASEAN, mặt khác chính là diễn đàn công khai để chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN, cùng nhau phấn đấu vì mục tiêu bảo vệ tốt nhất người chưa thành niên. Những kết quả chính của Hội nghị này sẽ được đưa vào Tuyên bố chung của Ủy ban tổ chức Tư pháp người chưa thành niên ASEAN và sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 của Hội đồng Tư pháp người chưa thành niên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do Cục Theo dõi và bảo vệ tư pháp người chưa thành niên, Bộ Tư pháp Thái Lan phối hợp với Tổ chức Quan sát quốc tế về tư pháp người chưa thành niên (IJJP) tổ chức vào năm 2015 tại Thái Lan.

Về hợp tác pháp luật và tư pháp về người chưa thành niên của ASEAN

Cho đến nay, tất các nước ASEAN đều đã gia nhập Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989; các nước ASEAN cũng đã có một số tuyên bố chung về bảo vệ quyền trẻ em (như Tuyên bố chung ASEAN về cam kết đối với trẻ em năm 2001, Tuyên bố chung Hà Nội về tăng cường phúc lợi và phát triển phụ nữ và trẻ em ASEAN năm 2010), đồng thời cũng đã thành lập Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em (the ASEAN Commission for the protection and promotion of the rights of women and children), tổ chức các diễn đàn về trẻ em... Đặc biệt, tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đã ký kết và 7/10 nước ASEAN đã phê chuẩn Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (3 nước còn lại là Myanmar, Thái lan và Campuchia đang nỗ lực hoàn thành các thủ tục phê chuẩn).

Từ thực tiễn và nhu cầu hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp trong khu vực ASEAN cho thấy, việc thành lập một mạng lưới về tư pháp người chưa thành niên ở các nước ASEAN, đặc biệt thành lập một Hội đồng độc lập về Tư pháp người chưa thành niên là rất cần thiết. Mặc dù vậy, khả năng thiết lập Hội đồng này cũng như nội dung hợp tác mới trong ASEAN cần được thảo luận kỹ và nên áp dụng cơ chế lấy ý kiến chính thức đối với các nước thành viên thông qua các cuộc họp chính thức của ASEAN (như Hội nghị quan chức pháp luật các nước ASEAN (ASLOM), Hội nghị Bộ trưởng Pháp luật các nước ASEAN (ALAWMM)). Vì trên thực tế, việc thực thi Công ước về quyền trẻ em ở mỗi nước ASEAN rất khác nhau, mỗi nước có những bảo lưu riêng đối với Công ước, có những quy định pháp luật khác nhau về quyền trẻ em (từ độ tuổi đến các cơ chế thực hiện); thực tiễn thi hành pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em và thực tiễn hoạt động của hệ thống tư pháp người chưa thành niên cũng có những đặc thù riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng nước.

Trong điều kiện tất cả các nước thành viên cũng như tổ chức ASEAN đều mong muốn thực hiện các thỏa thuận và các chương trình hợp tác nhằm hiện thực hóa các quyền của trẻ em trong khu vực; trong bối cảnh toàn cầu hóa nói chung, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN nói riêng, chúng ta mong đợi rằng việc thành lập Hội đồng Tư pháp người chưa thành niên ASEAN sẽ góp phần thúc đẩy việc bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong ASEAN về tư pháp và pháp luật.

Vụ Hợp tác quốc tế, đưa tin từ Bangkok, Thái Lan