Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10: “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”

Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10: “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam”

Hà Nội, 03 tháng 4 năm 2014 – “Triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong quá trình cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam” là chủ đề của Diễn đàn đối tác pháp luật lần thứ 10 do Bộ Tư pháp (BTP) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức.

Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Tư pháp; bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam; ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có ông Nguyễn Văn Hiện, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Nguyễn Tất Viễn, Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao của nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn nghe đại diện Bộ Tư pháp cập nhật thông tin về những điểm mới liên quan đến vấn đề quyền công dân và quyền con người và kế hoạch hành động triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Đồng thời, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận về những thay đổi lớn trong chính sách về đất đai nhằm bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 - một trong những đạo luật có tính chất “rường cột”, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Cũng tại Diễn đàn, đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương trình bày kết quả tổng kết 8 năm triển khai Chiến lược Cải cách tư pháp và Kế hoạch hành động năm 2014.

Cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện cho các cơ quan của Liên hợp quốc đã có bình luận bổ sung ý kiến về quan điểm của các cơ quan Liên hợp quốc về việc triển khai Hiến pháp năm 2013 trong mối quan hệ với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Là đạo luật cơ bản của đất nước, Hiến pháp năm 2013 phản ánh kết quả đổi mới tư duy chính trị, nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với con đường phát triển tương lai của đất nước, đồng thời là hiện thân của tiến trình cải cách bộ máy Nhà nước và dân chủ hóa đời sống chính trị - pháp lý của xã hội Việt Nam.” Ông Cường cho biết,  với nhiều điểm đổi mới quan trọng cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, Hiến pháp đã mở ra không gian rộng lớn  nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội.”

Theo bà Pratibha Mehta, Hiến pháp sửa đổi và Luật đất đai sửa đổi đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các luật và quy định để đảm bảo cho các nguyên tắc xuyên suốt trong những sửa đổi này là công bằng, hiệu quả và cam kết bảo vệ quyền con người được hiện thực hoá cho tất cả mọi người. Tiến sĩ Mehta nói trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn: “Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, vì vậy hệ thống tư pháp phải làm cho các công dân và đối tác quốc tế tin tưởng rằng hệ thống này có thể làm trọng tài công bằng và trung lập cho các chanh chấp mang tính cá nhân, hình sự và thương mại.”

Diễn đàn đối tác pháp luật được tổ chức trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Việt Nam và UNDP “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam” với thành phần tham dự của nhiều đại diện đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam, đại biểu từ các Sở Tư pháp và cục thi hành án địa phương và nhiều chuyên gia, học giả từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam.