Diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2014: “Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch – Dưới góc độ quyền con người”

Diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2014: “Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch – Dưới góc độ quyền con người”

Sáng ngày 19/3, Bộ Tư pháp và Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ nhất năm 2014 với chủ đề “Đánh giá tổng quan Dự án Luật Hộ tịch – dưới góc độ quyền con người”. Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn còn có ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và ông Nguyễn Kim Hồng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã nghe đại diện Bộ Tư pháp đánh giá thực trạng thi hành pháp luật liên quan đến hộ tịch, tổng quan về mục tiêu, quan điểm xây dựng và nội dung Dự án Luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con người; vẩn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong Dự án Luật Hộ tịch; đại điện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tham gia ý kiến đối với các vấn đề có liên quan đến Dự án Luật này. Cùng với các luật gia Việt Nam, đại diện cho các cơ quan của Liên hợp quốc đã có bình luận bổ sung ý kiến về Dự án Luật trong mối quan hệ với các công ước quốc tể mà Việt Nam là thành viên.

   
Phái biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: Với sự gắn kết giữa công tác hộ tịch và việc bảo đảm các quyền nhân thân của cá nhân, trong bối cảnh quyền con người, quyền công dân tiếp tục được đề cao trong Hiến pháp 2013 mới được ban hành, việc đánh giá Dự án Luật Hộ tịch dưới góc độ quyền con ngươi như chủ đề của Diễn đàn lần này là hết sức cần thiết và hữu ích. Hộ tịch là việc đăng ký và quản lý các sự kiện nhân thân của mỗi cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết như: sinh, kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi hộ tịch, tử... Các sự kiện này có liên quan trực tiếp và chặt chẽ với các nhân thân của cá nhân (quyền công dân) vì việc đăng ký hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để người dân hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở để Nhà nước bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp đó.

   
Bà Louise Chamberlain hoan nghênh đề xuất cắt giảm gần một nửa thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch và bày tỏ hy vọng rằng những cải cách này sẽ giúp người dân có có được dịch vụ tốt hơn. Bà Chamberlain cũng nêu rõ: "Thách thức chính là bảo đảm sự thống nhất trong luật về các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt, đặc biệt là các nguyên tắc liên quan đến hôn nhân, các mối quan hệ trên thực tế, quyền trẻ em, quyền của người lao động di cư và các nhóm khác như người đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới và lưỡng tính".

   

Nội dung cơ bản của Dự án Luật Hộ tịch tập trung vào việc quy định về phạm vi điều chỉnh và nội dung đăng ký hộ tịch; quy định số định danh cá nhân; đổi mới về phương thức yêu cầu đăng ký hộ tịch; thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực hộ tịch theo hướng cắt giảm mạnh các giấy tờ cá nhân; giao Uỷ ban nhân dân cấp huyện đăng ký toàn bộ các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài… Dự án này được xây dựng với mục tiêu nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, nhằm thúc đẩy quyền con người, quyền công dân, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, tăng cường quản lý dân cư trong tình hình mới.