MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG LỚN VỀ VIỆC TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CẢI CÁCH TƯ PHÁP THỜI GIAN TỚI
(Bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW)
Từ nay đến hết năm 2012 sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 có liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp và một số hoạt động tư pháp theo định hướng của Chiến lược cải cách tư pháp. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các đề án, báo cáo để trình Bộ Chính trị kết luận, triển khai thực hiện :
Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối và quy hoạch tổng thể các cơ quan tư pháp trong Công an nhân dân.
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam; chuyển viện kiểm sát thành viện công tố, tăng cường công tố trong hoạt động điều tra.
Các đề án đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội.
Phương án cụ thể hoá đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động của toà án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra" theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị (Kết luận số 79-KL/TW, ngày 28-7-2010).
Nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện đề án về tăng thời hạn bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm không thời hạn đối với các chức danh tư pháp.
VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIII (2011-2016)
(Ông Ngô Trung Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội).
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chính thức nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 85 dự án luật. Tại kỳ họp thứ hai vừa rồi Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, như vậy còn lại 80 dự án luật. Tính hết nhiệm kỳ còn lại 4 năm với 9 kỳ họp (các năm 2011-2015 mỗi năm 2 kỳ, năm 2016 có 1 kỳ họp), trung bình mỗi kỳ Quốc hội phải thông qua 9 dự án luật. Đây là số lượng dự án luật hoàn toàn khả thi (các năm 2008-2010, mỗi kỳ Quốc hội thông qua được trung bình 9,5 dự án). Tuy vậy, không phải đơn giản mà có thể hoàn thành được Chương trình đề ra. Chính vì vậy mà trong Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã đề ra các các giải pháp cụ thể như sau:
1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời tổ chức triển khai Chương trình; trường hợp cần điều chỉnh Chương trình thì phải theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội những dự án không bảo đảm chất lượng, không đủ hồ sơ và thời hạn Luật định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề để các đại biểu Quốc hội chuyên trách và các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về các dự án luật còn nhiều vấn đề chưa rõ và ý kiến khác nhau trước khi trình Quốc hội.
2. Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cần thiết về cán bộ, kinh phí, thời gian và các điều kiện khác cho việc soạn thảo dự án nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ; khắc phục triệt để tình trạng gửi hồ sơ dự án không đúng thời hạn Luật định; kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm các văn bản này có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.
3. Cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm chỉnh Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc tổng kết thực tiễn, xây dựng tờ trình và dự thảo, trong đó xác định rõ các chính sách của luật, pháp lệnh; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm tính khả thi, tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật.
4. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động phối hợp chặt chẽ, tham gia ngay từ đầu với cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án. Báo cáo của cơ quan thẩm tra phải thể hiện rõ chính kiến của mình và các ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra đối với dự án. Cơ quan tham gia thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra, phát biểu ý kiến bằng văn bản của Thường trực hoặc của Hội đồng dân tộc, Ủy ban đối với phần nội dung của dự án liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Đối với những nội dung chính còn có nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan, tổ chức hữu quan báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận làm cơ sở cho việc chỉnh lý dự án.
Ủy ban pháp luật chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; chủ trì bảo đảm kỹ thuật lập pháp của dự án luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dành thời gian cần thiết để nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức thảo luận, cho ý kiến góp phần hoàn thiện dự án. Đại biểu Quốc hội không phải là thành viên Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có thể đăng ký tham gia hoạt động thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh cùng với Hội đồng dân tộc hoặc Uỷ ban mà mình quan tâm.
5. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia vào quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh; có cơ chế tài chính phù hợp, cung cấp thông tin đầy đủ phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Bên cạnh các giải pháp này, để có thể thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chúng tôi xin nêu thêm một số kiến nghị sau đây:
- Sau khi được phân công, Các cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh cần sớm thành lập Ban soạn thảo để triển khai tổ chức nghiên cứu, xây dựng dự án; đối với các dự án đã có Ban soạn thảo cần khẩn trương rà soát, củng cố Ban soạn thảo;
- Cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo cần tăng cường phối hợp, giữ mối quan hệ thường xuyên, ngay từ đầu với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng dựng pháp luật; trong trường hợp cần thiết thì có thể tham vấn ý kiến trước của các cơ quan này; mời đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban nên tham gia đầy đủ vào các họp của Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh để sớm trao đổi, thống nhất các nội dung cơ bản của dự án, tạo thuận lợi, nâng cao chất lượng thẩm tra.
- Các cuộc họp thẩm tra của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội càn danh nhiều thời gian hơn để tập trung thảo luận kỹ về các nội dung cơ bản, các điều, khoản của dự thảo luật, pháp lệnh cả về nội dung và kỹ thuật văn bản. Tại các phiên họp thẩm tra, trước khi thảo luận, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần dành thời gian để nghe cơ quan soạn thảo thuyết trình sâu về dự án; đồng thời nghe quan điểm của đại diện đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án, các nhóm lợi ích có quyền và lợi ích liên quan đến dự án. Báo cáo thẩm tra trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội phải nêu rõ chính kiến, đánh giá của Hội đồng, Uỷ ban.
- Đối với các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc dự án luật đơn giản, ít phức tạp nên trình để xem xét thông qua tại một kỳ họp. Để thực hiện được việc này, các cơ quan được phân công trình, soạn thảo cần sớm chuẩn bị, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, phối hợp với cơ quan thẩm tra chỉnh lý hoàn thiện để vào đầu kỳ họp trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và đến cuối kỳ họp thì thông qua;
- Đối với các dự án luật khác thì trình Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp; tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật theo hướng bố trí thời gian thỏa đáng để tổ chức thảo luận tại hội trường, tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung cơ bản, vấn đề lớn của Dự án luật. Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội biểu quyết những vấn đề lớn, quan trọng của dự án luật làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý trong thời gian giữa hai kỳ họp.
- Tiếp tục cải tiến quy trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua; tăng cường trách nhiệm của Ủy ban pháp luật trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật ở giai đoạn này.
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU TỔNG KẾT THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIẾN PHÁP NĂM 1992 (Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp)
Việc tổ chức tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
Phải bám sát các định hướng, yêu cầu, tiến độ được xác định tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 12 tháng 7 năm 2011 của Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc triển khai thực hiện chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết số 06/2011/QH13 ngày 06 tháng 8 năm 2011 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐHP ngày 23 tháng 8 năm 2011 về tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cần phải được ưu tiên và tập trung chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phải đảm bảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và nhân dân. |